Giá Tamiflu tăng gấp 10 lần, Bộ Y tế khẳng định đó không phải là “cứu cánh” khi mắc cúm

VietTimes —“Đừng nghĩ Tamiflu là thuốc đặc hiệu điều trị cúm, là cứu cánh của bệnh cúm, mà thực tế đó chỉ là thuốc hỗ trợ điều trị”. Đó là khẳng định của ông Lương Ngọc Khuê - Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh (Bộ Y tế) trước tình hình số người mắc cúm gia tăng thời gian qua, nhất là khi người dân có xu hướng lạm dụng thuốc và tích trữ Tamiflu để phòng cúm, dễ gây đầu cơ, khiến giá thuốc Tamiflu có nơi tăng gấp 10 lần. 
Khám bệnh cho trẻ tại Bệnh viện Nhi Trung ương (ảnh: Thanh Hằng)
Khám bệnh cho trẻ tại Bệnh viện Nhi Trung ương (ảnh: Thanh Hằng)

Cũng tại hội nghị “Nâng cao chất lượng dịch vụ khám, chữa bệnh” do Cục Quản lý Khám chữa bệnh tổ chức sáng nay 20/12 tại Hà Nội, ông Khuê nhấn mạnh: Khi mắc cúm, không nhất thiết phải dùng kháng sinh, phải đến bệnh viện. Đặc biệt, đừng nghĩ Tamiflu là thuốc đặc hiệu điều trị cúm, là cứu cánh của bệnh cúm, mà thực tế đó chỉ là thuốc hỗ trợ điều trị. Bởi vậy, trong kế hoạch phòng chống dịch cúm của Bộ Y tế, dự trữ Tamiflu cũng không phải là phương sách số một. 

PGS.TS. Lương Ngọc Khuê - Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh (Bộ Y tế)
PGS.TS. Lương Ngọc Khuê - Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh, Bộ Y tế (ảnh: Thanh Hằng)

Theo Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh, quan trọng nhất là phòng bệnh, nhất là với những người có bệnh và người lớn tuổi. Bên cạnh đó, các bệnh viện phải tổ chức cấp cứu tốt, nhất là các bệnh nhiễm trùng cơ hội. Ngoài ra, còn có thể tiêm vaccine để phòng cúm và phòng hộ cá nhân, trong đó gồm uống đủ nước, giữ âm cơ thể, chân và đầu. 

Để đáp ứng nhu cầu thuốc trong bối cảnh dịch cúm đang gia tăng, hôm qua, Cục Quản lý Dược đã yêu cầu Công ty cổ phần Dược liệu Trung ương 2, là đơn vị cung cấp thuốc Tamiflu, khẩn trương nhập khẩu thuốc Tamiflu 75 phục vụ nhân dân.