|
Theo hãng tin Reuters, động thái này của Saudi Arabia là một tín hiệu cho thấy nhu cầu tiêu thụ dầu của châu Á đang tăng.
Hôm thứ Năm tuần trước, giá dầu thế giới sụt tới 5% sau khi Iran và các cường quốc đạt một thỏa thuận sơ bộ về chương trình hạt nhân của Iran. Nếu các bên đạt được một thỏa thuận cuối cùng vào cuối tháng 6 như dự kiến, Iran sẽ được nới lệnh trừng phạt và tăng xuất khẩu dầu trong bối cảnh thị trường dầu thô thế giới vốn dĩ đã thừa cung.
Tuy vậy, giới phân tích cho rằng, phải mất nhiều tháng thì Iran mới có thể tăng mạnh xuất khẩu dầu và điều này khó có thể xảy ra trước năm 2016.
Thỏa thuận hạt nhân Iran “rõ ràng là một thông tin xấu, nhưng thỏa thuận cuối cùng và việc dỡ toàn bộ lệnh trừng phạt vẫn đối mặt với một số trở ngại”, các nhà phân tích của Morgan Stanley nhận xét.
“Ngay cả khi đạt được thỏa thuận cuối cùng, chúng tôi không kỳ vọng thỏa thuận này có ảnh hưởng tới thị trường dầu lửa vật chất trước năm 2016”, theo Morgan Stanley.
Giá dầu thô Brent giao tháng 5 hôm nay có thời điểm lên mức 56,19 USD/thùng, tăng 1,19 USD/thùng so với mức chốt của thứ Năm tuần trước. Giá dầu thô ngọt nhẹ giao tháng 5 có lúc tăng 1,21 USD/thùng, đạt 50,35 USD/thùng.
Thứ Sáu tuần trước, thị trường Mỹ và châu Âu đóng cửa nghỉ lễ Phục sinh.
Bất chấp lệnh trừng phạt quốc tế đối với Iran, nhập khẩu dầu thô của Trung Quốc từ quốc gia là thành viên Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu lửa (OPEC) này sẽ tăng lên từ tháng 8 năm nay. Một công ty giao dịch dầu lửa quốc doanh Trung Quốc đã ký một thỏa thuận mua nhiều dầu hơn từ Công ty Dầu lửa Quốc gia Iran.
Saudi Arabia, nước xuất khẩu dầu lửa lớn nhất thế giới, vẫn giữ sản lượng dầu ở mức cao bất chấp giá dầu giảm sâu từ mùa hè năm ngoái nhằm duy trì thị phần. Cuối năm ngoái, Saudi Arabia còn giảm mạnh giá bán dầu chính thức cho các khách hàng châu Á.
Gần đây, Saudi Arabia đã nâng trở lại giá bán dầu cho khách châu Á. Trong động thái mới nhất, nước này tăng giá bán dầu cho châu Á trong tháng 5. Giới phân tích cho rằng, việc Saudi Arabia tăng giá bán dầu cho thấy chiến lược của nước này trong việc giữ khách đã phát huy hiệu quả.
“Cạnh tranh vẫn đang diễn ra trên thị trường châu Á, nhưng đã có một số dấu hiệu cho thấy khả năng cạnh tranh của dầu thô đến từ một số nhà sản xuất khác với dầu của Saudi Arabia đã giảm xuống”, nhà phân tích Shunling Yap thuộc BMI Research nhận xét.
Tuần trước, số giàn khoan dầu hoạt động ở Mỹ giảm thêm 11 giàn, còn 802 giàn. Đây là mức giảm số giàn khoan thấp nhất từ tháng 12 năm ngoái.
Hai tuần trở lại đây, số giàn khoan dầu hoạt động ở Mỹ đã giảm chậm lại, làm gia tăng kỳ vọng về việc hoạt động khoan tìm dầu đã chững lại tới mức có thể ảnh hưởng đến sản lượng. Nếu điều này xảy ra, giá dầu có thể có cơ hội phục hồi.
Theo Vneconomy