
Theo Nghị quyết Hội nghị lần thứ 11 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII (Nghị quyết số 60), Trung ương thống nhất chủ trương sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh cả nước còn 34 đơn vị, gồm 28 tỉnh và 6 thành phố trực thuộc Trung ương. Trong đó tỉnh Quảng Nam và thành phố Đà Nẵng sẽ hợp nhất lấy tên là thành phố Đà Nẵng, trung tâm chính trị - hành chính đặt tại thành phố Đà Nẵng.
Thông tin hợp nhất tỉnh Quảng Nam và thành phố Đà Nẵng đã thu hút sự quan tâm của nhân dân và cán bộ, công chức của 2 địa phương, đặc biệt là cán bộ, công chức sẽ phải thay đổi nơi công tác. Để rõ hơn về các vấn đề này, VietTimes có cuộc trao đổi với ông Lê Trung Chinh, Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng, Phó trưởng ban chỉ đạo sắp xếp, sáp nhập đơn vị hành chính tỉnh Quảng Nam và TP Đà Nẵng.
- Sau gần 30 năm chia tách, Đà Nẵng và Quảng Nam sẽ sáp nhập trở lại để tạo động lực phát triển mới cho TP Đà Nẵng trong tương lai. Vậy Đà Nẵng cùng Quảng Nam chuẩn bị gì cho việc tổ chức hoạt động khi trung tâm hành chính sẽ đặt tại Đà Nẵng, thưa ông?
- Lúc này có rất nhiều việc phải làm và chúng tôi đang đẩy nhanh mọi công tác theo chỉ đạo của Trung ương. Cụ thể là hai địa phương đã thành lập Ban Chỉ đạo việc hợp nhất với 28 thành viên thuộc Ban Thường vụ Thành uỷ Đà Nẵng và Tỉnh uỷ Quảng Nam.
Chúng tôi cũng đã có 2 cuộc họp bàn các nội dung hợp nhất sáp nhập này và còn có nhiều cuộc họp nữa.
Các nội dung chi tiết sẽ được bàn bạc kỹ lưỡng về các phương án hợp nhất theo chủ trương của Trung ương đưa ra. Các vấn đề về cơ quan, trụ sở, cơ cấu bộ máy, điều hành, nhân sự… vẫn đang được bàn thảo. Sau khi thống nhất, chúng tôi sẽ đưa vào Đề án và báo cáo trình Trung ương.
- Đà Nẵng và Quảng Nam đã và sẽ làm gì để sau khi hợp nhất sẽ khai thác tối đa lợi thế của 2 địa phương, qua đó thúc đẩy Đà Nẵng phát triển mạnh mẽ hơn nữa trong tương lai?
- Đây là vấn đề lớn, cần bàn bạc kỹ lưỡng và có lộ trình rõ ràng. Chúng tôi đang bàn bạc để không chỉ khai thác lợi thế của 2 địa phương mà còn tạo động lực để Đà Nẵng phát triển mạnh mẽ trong tương lai. Các vấn đề vẫn còn phía trước, rất nhiều việc phải làm, nhưng quan điểm là mọi việc phải tốt hơn.

- Việc đặt trung tâm chính trị - hành chính đặt tại thành phố Đà Nẵng sẽ tác động tới không ít cán bộ, công chức, đặc biệt là bộ phận cán bộ, công chức sáp nhập từ tỉnh Quảng Nam khi họ phải thay đổi địa điểm làm việc. Việc ăn ở, đi lại, học tập... của nhiều cán bộ, công chức sẽ bị xáo trộn khi thay đổi địa điểm làm việc do sáp nhập. Vậy Đà Nẵng và Quảng Nam chuẩn bị cơ chế, chính sách như thế nào để công chức yên tâm công tác?
- Bên cạnh các vấn đề về công tác tổ chức, các vấn đề như ăn ở, đi lại của cán bộ, việc học tập của con cái họ… cũng được lãnh đạo hai địa phương quan tâm, đưa ra bàn bạc.
Với quan điểm là tạo điều kiện tốt nhất cho cán bộ công chức yên tâm công tác sau khi hợp nhất, góp phần vào phát triển chung của Đà Nẵng, chúng tôi đã và đang tiếp tục rà soát và lên các phương án cho việc này từ việc hỗ trợ đi lại như thế nào, bố trí ăn ở ra sao…
Như anh đã biết, tại họp báo Quý I/2025, đại diện Sở Nội vụ và Sở Xây dựng TP Đà Nẵng cũng đã chia sẻ nội dung này. Các cơ quan chức năng đang rà soát, lên phương án, thống kê nhà ở… để làm sao đảm bảo tốt nhất cho cán bộ công chức sau khi hợp nhất.
Khi có kết luận cuối cùng, chúng tôi sẽ thông tin rộng rãi cho báo giới truyền thông và nhân dân được rõ.
- Xin cảm ơn ông!

Đà Nẵng và Quảng Nam thành lập Ban Chỉ đạo hợp nhất 2 địa phương

Đà Nẵng xác định lại nghĩa vụ tài chính dự án Phú Gia liên quan đến vụ "Vũ Nhôm”
