GE Việt Nam và TRE: Hai ông lớn điện gió 'va nhau' ở Lạng Sơn

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Một bên là doanh nghiệp FDI (Mỹ). Một bên là 'tay chơi' mới nổi trong lĩnh vực năng lượng tái tạo tại Việt Nam. Cả 2 đều có tham vọng đầu tư vào dự án điện gió Ái Quốc ở tỉnh Lạng Sơn.

Công ty TNHH GE Việt Nam (viết tắt: GE Vietnam) vừa phản ánh tới UBND tỉnh Lạng Sơn về sự "chen ngang" của CTCP Công nghệ Tài nguyên Năng lượng (viết tắt: TRE) tại dự án mà họ đang nghiên cứu khảo sát tại địa phương này - theo nguồn tin của VietTimes.

Cụ thể, GE Việt Nam cho rằng, TRE đã và đang có ý định thực hiện công tác khảo sát đo gió trong phạm vi khảo sát của dự án Ái Quốc mà phía thành viên của Tập đoàn GE (Mỹ) đã được cấp phép.

"Việc nghiên cứu khảo sát trùng lặp sẽ gây ra rất nhiều hệ luỵ về pháp lý và các vấn đề tranh chấp giữa các nhà đầu tư. Theo chúng tôi được biết thì các tỉnh khác trong cả nước đều không cho phép nghiên cứu trùng lắp giữa các dự án với nhau", GE Việt Nam bày tỏ quan ngại.

GE Việt Nam đề nghị UBND tỉnh Lạng Sơn sớm ra kết luận và cho phép doanh nghiệp này được tiếp tục hoàn thiện việc lắp đặt 2 cột đo gió cho dự án điện gió Ái Quốc, đồng thời, "không cấp phép cho bất kỳ công ty nào khác thực hiện nghiên cứu khảo sát, dựng trụ đo gió trong phạm vi chồng lấn hoặc quá gần các dự án lân cận đang triển khai".

Theo tìm hiểu của VietTimes, cuối năm 2020, GE Vietnam đề xuất tỉnh Lạng Sơn cho phép nghiên cứu khảo sát các dự án điện gió Ái Quốc (253MW) và Chi Lăng (165MW), có tổng mức đầu tư lên tới 710,6 triệu USD. Hai dự án này đã được UBND tỉnh Lạng Sơn đề xuất với Bộ Công thương đưa vào Quy hoạch Phát triển Điện VIII.

Về phía TRE, tháng 1/2022 vừa rồi, công ty này mới có văn bản gửi UBND tỉnh Lạng Sơn xin chấp thuận chủ trương khảo sát nghiên cứu đầu tư ba dự án nhà máy điện gió gồm: Điện gió Hữu Lũng (công suất 80-100MW, tổng mức đầu tư khoảng 3.500 – 4.500 tỉ đồng, diện tích khảo sát khoảng 1.000ha tại huyện Hữu Lũng); Điện gió Chi Lăng (công suất 120-150MW, tổng mức đầu tư khoảng 5.500 – 7.000 tỉ đồng, diện tích khảo sát khoảng 1.450ha tại huyện Chi Lăng, Lộc Bình); Điện gió Ái Quốc (công suất 180-230MW, tổng mức đầu tư khoảng 8.000 – 10.000 tỉ đồng, diện tích khảo sát khoảng 3.800ha tại huyện Lộc Bình, Đình Lập).

Đến tháng 7/2022, bà Dương Quỳnh Hoa - Giám đốc TRE - tiếp tục ký văn bản số 1807 đề xuất UBND tỉnh Lạng Sơn cho phép lắp đặt 2 trụ đo gió tại xã Ái Quốc, huyện Lộc Bình.

Các trụ đo gió này được GE Việt Nam cho là nằm ngay trong khu vực khảo sát của dự án Ái Quốc mà công ty đang thực hiện.

TRE của ai, mạnh cỡ nào?

Như VietTimes từng đề cập, TRE là một trong những 'tay chơi' mới nổi trong lĩnh vực năng lượng tái tạo. Bà Dương Quỳnh Hoa, nên biết, từng là Phó Tổng Giám đốc CTCP Thành phố Aqua trong những năm cuối thập niên 2000.

Nữ doanh nhân sinh năm 1978 bắt đầu ghi dấu tại TRE từ tháng 9/2017, trong vai trò Giám đốc kiêm người đại diện theo pháp luật của công ty.

Cùng với sự xuất hiện của bà Hoa, quy mô vốn của TRE cũng tăng gấp hơn 5 lần, từ mức 56 tỉ đồng lên 300 tỉ đồng. Đến tháng 11/2019, công ty này tiếp tục tăng mạnh vốn điều lệ lên mức 1.625 tỉ đồng.

Dữ liệu của VietTimes cho thấy, bà Dương Quỳnh Hoa cùng nhiều người thân trong gia đình (bà Dương Phi Nga, ông Dương Quang Trực, ông Lâm Ngọc Quang) thay nhau đứng tên cổ đông ở nhiều doanh nghiệp thành viên.

Giai đoạn 2019 - 2020 chứng kiến sự phát triển mạnh mẽ của nhóm TRE trong lĩnh vực năng lượng tái tạo, với việc thành lập một loạt pháp nhân như: CTCP Công nghệ Tài nguyên Năng lượng Gia Lai (vốn 980 tỉ đồng), CTCP Phong điện Tân Yang Đak Pơ (vốn 636 tỉ đồng), CTCP Tài nguyên Năng lượng IA Pết Đak Đoa (vốn 636 tỉ đồng), CTCP Phong điện IA Pết Đak Đoa Gia Lai (vốn 595 tỉ đồng), CTCP Phong điện Ia Pết Đak Đoa Số Một (vốn 789 tỉ đồng), CTCP Phong điện Ia Pết Đak Đoa Số Hai (vốn 738 tỉ đồng)...

Trong đó, CTCP Phong điện Ia Pết Đak Đoa Số Một và CTCP Phong điện Ia Pết Đak Đoa Số Hai là chủ đầu tư cụm dự án phong điện cùng tên tại tỉnh Gia Lai có tổng vốn đầu tư lên tới 7.331 tỉ đồng.

Được biết, bộ đôi nhà máy điện gió Ia Pết Đak Đoa 1&2 đã được vận hành thương mại (COD) trước ngày 31/10/2021 - hạn chót để các dự án điện gió được hưởng cơ chế giá FIT.

Ngoài lĩnh vực năng lượng, TRE cũng là 'tay chơi' đáng nể trong lĩnh vực bất động sản.

Công ty này cho biết đã kết hợp với các đối tác phát triển một số dự án khu đô thị lớn như: Khu đô thị Yên Bình tại huyện Phổ Yên và Phú Bình, tỉnh Thái Nguyên (quy mô 8.000ha); Khu đô thị kinh tế mở Long Hưng (gần 2.500ha).

TRE cũng tích cực tham gia tài trợ quy hoạch cho một số dự án trên địa bàn tỉnh Gia Lai như: Dự án Trung tâm Logistics quốc tế Tây Nguyên (511ha); Dự án cụm Công nghiệp Đak Pơ 1 và 2 (150ha); Dự án Khu du lịch sinh thái suối đá cổ Ialy (92,3ha); Dự án Khu nghỉ dưỡng sinh thái Ganesha (54ha); Dự án Khu du lịch dưới tán rừng Koh Ka King (119ha).

Tại tỉnh Bắc Giang, TRE cho biết đang tài trợ quy hoạch tỷ lệ 1/2.000 cho Khu đô thị ngòi Đa Mai (286ha) và Khu đô thị Việt Yên (280ha); Khu cảnh quan cây xanh mặt nước trung tâm (100ha).

Trong lĩnh vực logistics, TRE đã mua lại Trung tâm Logistics quốc tế Bắc Giang (75ha). Đầu năm nay, TRE có đề xuất tài trợ kinh phí lập đồ án quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2.000 và đồ án quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 Trung tâm Logistics quốc tế Lạng Sơn với diện tích 1.650ha tại huyện Cao Lộc.

Cập nhật tại ngày 28/7/2022, ông Phí Xuân Tuấn (SN 1978) đã thay bà Dương Quỳnh Hoa làm Tổng giám đốc kiêm người đại diện theo pháp luật của TRE. Ông Tuấn còn đang đứng tên đại diện CTCP Tiếp vận Quốc tế Quang Anh, CTCP Vinalines Hòa Lạc Logistics, CTCP Đầu tư Xây dựng Bình Khang./.