Gãy sóng sốt đất, nhiều nhà đầu tư BĐS như "ngồi trên đống lửa"

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
Gánh nặng tài chính từ lần gãy sóng trong đợt sốt đất đã khiến không ít nhà đầu tư như "ngồi trên đống lửa".

Theo dõi số ca nhiễm Covid-19 tăng lên từng ngày tại Hà Nội, chị Cẩm Vân không giấu nổi tiếng thở dài: "Chẳng mong gì hơn, chỉ mong Hà Nội nhanh chóng đỡ dịch, hết giãn cách để tôi còn thoát hàng".

4 tháng trước, chị Cẩm Vân "nổi máu làm giàu" quyết định xuống tiền vào lô đất tại Bắc Giang, đúng thời điểm thị trường đang nóng. Chị dự tính khả năng lướt sóng cao vì nhà đầu tư đang đổ mạnh về khu vực này. Một phán đoán khác mà chị đưa ra đó là dịch bệnh được kiểm soát thì sốt đất chắc chắn sẽ bùng nổ mạnh. Với phán đoán và niềm tin đó, chị đã vay mượn bạn bè, người thân và cắm cả căn nhà đang ở để có 700 triệu đồng đầu tư vào lô đất.

Nhưng, trái với tính toán của chị, tháng 5, đúng thời điểm dịch bệnh bùng phát mạnh tại Bắc Giang, hàng của chị gần như đóng băng. Cứ tưởng khi Bắc Giang hết dịch thì thị trường sẽ sớm khả quan trở lại. Nhưng đến tháng 6, Hà Nội lại xuất hiện ca nhiễm mới. Và đến tháng 7, chính sách giãn cách được áp dụng. Điều này cũng đồng nghĩa với lô đất của chị Cẩm Vân cứ tiếp tục nằm im, án binh bất động.

"Tôi không dám kể với ai chuyện mình đầu tư không chắc mọi người sẽ mắng tôi vì tội: "Tham quá đà". Chưa cái dại nào như cái dại này! Mấy tháng nay dịch bệnh, tôi phải làm đủ việc để kiếm tiền trả nợ bạn bè. Dịch bệnh nên ai cũng cần tiền gấp. Trong khi đó, cũng vì dịch bệnh mà một số khoản tiền làm thêm của tôi bị chững lại thành ra tôi rơi vào cảnh bí tiền vô cùng. Giờ lại thêm tháng cô hồn, thì chí ít đến cuối tháng 9 mới có kỳ vọng. Tôi chỉ mong dịch bệnh được kiểm soát, mọi hoạt động của Hà Nội trở lại bình thường. Có như vậy, tôi mới thoát hàng được".

(Ảnh minh hoạ)
(Ảnh minh hoạ)

Anh Phạm Viễn (Hà Đông, Hà Nội) hiện đang "mắc kẹt" nhiều lô hàng chỉ vì chính sách giãn cách dịch bệnh. Cũng suy nghĩ và dự tính chị Cẩm Vân, anh Viễn nhận định thị trường bất động sản sẽ sốt trở lại. Đó là lý do anh ôm 4 lô đất ở Hà Đông để chờ thị trường nóng.

Thế nhưng, do chính sách giãn cách xã hội mà hiện tại, anh vẫn chưa thoát được hàng dù trước đấy, ngay từ lúc cọc tiền đất, anh đã rao bán những lô đất này. Anh cho biết thêm, hiện tại, đến bản thân anh còn chưa cầm được sổ đỏ trên tay trong khi số tiền thanh toán cho chủ nhà tới 95% giá trị.

"Hơn 6 tỷ đồng của tôi nằm im đến cả tháng nay. Thú thực, tôi chưa gặp tình cảnh này bao giờ. Thông thường, đất tôi mua chỉ khoảng nửa tháng đến hơn 1 tháng là chuyển hàng xong. Nhưng hiện tại là gần 2 tháng. Toàn bộ tiền vốn đầu tư chủ yếu là vay mượn từ bạn bè, với ngân hàng. Tôi cảm giác như ngồi trên đống lửa. Giờ tôi chẳng mong gì hơn là cầu cho dịch bệnh nhanh hết để mọi thứ bình thường trở lại, tôi mới có thể bán được đất".

"Mắc kẹt tiền vì dịch" nhưng trường hợp của anh Trần Ngọc lại khác. Trước đúng thời điểm Hà Nội giãn cách, anh Ngọc đã tìm được khách cọc cho mảnh đất hơn 3 tỷ của mình. Nhưng vì dịch mà hiện tại, hai bên phải trì hoãn thời gian công chứng chuyển nhượng.

"Tôi mong dịch qua nhanh để sớm công chứng lấy tiền về trang trải chi phí. Vì mảnh đất của tôi hơn 3 tỷ nhưng khách cọc có 50 triệu đồng. Nếu dịch cứ kéo dài, khách bùng cọc thì tôi cũng thấy lo vì thị trường đang có vẻ ảm đạm và đi xuống. Trong khi, tôi đã ôm mảnh đất này tới hơn 9 tháng nay mới tìm được khách chốt "ăn" giá", anh Ngọc kể.

Quả thực, dịch bệnh trở thành một biến số khó đoán đối với giới đầu tư. Ngay cả với những nhà đầu tư có nhiều năm kinh nghiệm thì mọi dự tính đã không còn theo sát với chu kỳ chuyển động của thị trường bất động sản như trước đây. Trong khi đó, cơn sốt đất bùng nổ lại sớm nguội lạnh vì dịch đã tạo ra một chu kỳ chuyển động ngắn hạn mới cho lĩnh vực bất động sản khiến nhiều nhà đầu tư không kịp trở tay phán đoán tình hình.

Nếu như chỉ một lượng nhỏ các nhà đầu tư hạ cánh an toàn thì đã không ít những nhà đầu tư đang ôm gánh nặng tài chính chỉ vì chưa kịp thoát hàng. Đây cũng là bài học cho các nhà đầu tư khi không nâng cao các biện pháp dự phòng trong thời điểm thị trường có nhiều biến động.

Theo Nhịp sống kinh tế