Lo ngại 'bong bóng' tài sản gây hệ lụy cho kinh tế vĩ mô

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Theo ông Vũ Hồng Thanh, Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế, tình trạng sốt nóng thị trường bất động sản và thị trường chứng khoán có thể gây hệ lụy cho kinh tế vĩ mô.
Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh (Ảnh: VGP)
Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh (Ảnh: VGP)

Sáng 22/7, Quốc hội đã họp phiên toàn thể tại hội trường, nghe các báo cáo về kinh tế-xã hội, ngân sách nhà nước 6 tháng đầu năm và các giải pháp thực hiện kế hoạch 6 tháng cuối năm 2021.

Theo báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế, chỉ số CPI bình quân 6 tháng đầu năm chỉ tăng 1,47%, là mức thấp nhất kể từ năm 2016, cho thấy sức cầu trong nước yếu. Áp lực lạm phát cho những tháng tiếp theo có thể gia tăng do tình trạng 'bong bóng' tài sản và giá cả thế giới có xu hướng tăng cao.

Bên cạnh đó, theo ông Vũ Hồng Thanh - Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội, tình trạng sốt nong của thị trường bất động sản và thị trường chứng khoán có thể gây hệ luỵ cho kinh tế vĩ mô.

Nhiều địa phương xảy ra tình trạng sốt đất, đầu cơ đất, nhiễu loạn thông tin quy hoạch đất, nhất là các khu vực vùng ven các đô thị lớn.

Do đó, Ủy ban Kinh tế đề nghị Chính phủ đánh giá khả năng 'bong bóng' tài sản và những rủi ro đến kinh tế vĩ mô, phân tích kỹ hơn tình trạng các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp bất động sản phát hành trái phiếu riêng lẻ gia tăng trong thời gian qua với lãi suất cao và tiềm ẩn nhiều rủi ro.

Ủy ban Kinh tế cũng đánh giá công tác lập quy hoạch thuộc hệ thống quy hoạch quốc gia còn chậm. Nhiều ngành, địa phương vẫn tập trung vào việc điều chỉnh quy hoạch của thời kỳ trước. Việc lập và phê duyệt nhiệm vụ lập quy hoạch vùng và quy hoạch tỉnh của một số địa phương vẫn chưa được thực hiện, có thể ảnh hưởng lớn đến việc đầu tư, phát triển của giai đoạn 2021-2025.

Ủy ban Kinh tế cũng cho biết, giải ngân vốn đầu tư công 6 tháng đầu năm đạt hơn 29% kế hoạch, thấp hơn mức 34% của cùng kỳ năm trước; vốn nước ngoài giải ngân rất thấp, đạt gần 7,4%.

Vốn đầu tư phát triển của các chương trình mục tiêu quốc gia đã được Quốc hội phân bổ 16.000 tỉ đồng nhưng đến nay chưa được giao kế hoạch, không có khả năng giải ngân trong những tháng cuối năm 2021. Tiến độ triển khai thực hiện dự án đầu tư xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông, giai đoạn 2017-2020 gặp nhiều khó khăn, vướng mắc, dự án có khả năng phải kéo dài, không đáp ứng được yêu cầu hoàn thành trong năm 2022 và 2023.

Bên cạnh đó, những khoản nợ xấu tiềm ẩn còn ở mức cao, tổng nợ xấu nội bảng, nợ bán cho Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng chưa xử lý và nợ tiềm ẩn trở thành nợ xấu của toàn hệ thống các tổ chức tín dụng là 483.200 tỷ đồng, tương đương 4,71%. Nợ xấu nội bảng tiếp tục tăng (cuối tháng 4/2021 là 1,78%).

Nợ xấu tín dụng các dự án BOT, BT giao thông giảm so với cuối năm 2020, tuy nhiên chưa phản ánh chất lượng nợ do nợ nhóm 2 là 5.912 tỉ đồng, chiếm gần 5,48%. Hiện có 54 dự án có doanh thu từ phí không đạt như phương án tài chính.

Mặt bằng lãi suất đã giảm nhưng chưa thực sự mang lại hiệu quả kích thích vay vốn. Hoạt động của doanh nghiệp, hộ kinh doanh gặp nhiều khó khăn.

Báo cáo tại phiên họp, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh cho biết, tăng trưởng kinh tế 6 tháng đầu năm đạt 5,64%, là mức khá cao so với các nước trên thế giới. Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu 6 tháng tăng 32,2% so với cùng kỳ. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội thực hiện tăng 7,2%; vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện đạt trên 9,2 tỷ USD, tăng 6,8%.

Về kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2021-2025, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho hay có 23 chỉ tiêu chủ yếu (tăng 2 chỉ tiêu so giai đoạn 2016-2020), với 8 chỉ tiêu về kinh tế, 9 chỉ tiêu về xã hội và 6 chỉ tiêu về môi trường.

Một số chỉ tiêu quan trọng là: Tốc độ tăng trưởng GDP bình quân 5 năm khoảng 6,5-7%; đóng góp của TFP vào tăng trưởng đạt khoảng 45%; bội chi ngân sách Nhà nước bình quân 3,7% GDP./.