Gánh nặng chi phí nhân công của EVN Hà Nội

VietTimes -- Dù đã tới đầu tháng 5/2019 nhưng EVN Hà Nội mới công bố báo cáo tài chính hợp nhất 6 tháng đầu năm 2018 với kết quả kinh doanh không mấy khả quan. 

Ảnh minh họa (Nguồn: Internet)
Ảnh minh họa (Nguồn: Internet)

Theo báo cáo tài chính hợp nhất 6 tháng đầu năm 2018 mới nhất của Tổng công ty Điện lực Hà Nội (EVN Hà Nội), doanh thu bán hàng đạt 15.953 tỷ đồng, tăng trưởng 16,5%. Điểm tích cực là giá vốn chỉ tăng 15,5% giúp lợi nhuận gộp tăng trưởng tới 52,3%, từ 348 tỷ đồng lên 530,8 tỷ đồng. Tuy vậy, lợi nhuận sau thuế 6 tháng đầu năm 2018, EVN Hà Nội ghi nhận âm 514 tỷ đồng.

Ngoài chi phí tài chính gia tăng 29%, lên 370 tỷ đồng. Đáng chú ý, tổng chi phí hoạt động (gồm chi phí bán hàng và chi phí quản lý doanh nghiệp) lại tăng tới 25,5% (từ 581,3 tỷ đồng lên 729,5 tỷ đồng). Tốc độ tăng cao hơn so với tăng trưởng của doanh thu cho thấy hiệu quả quản lý chi phí hoạt động của EVN Hà Nội chưa thực sự được cải thiện.

Để làm rõ sự gia tăng đáng kể của khoản chi phí hoạt động cần phải xem xét cấu thành của các khoản chi phí này. Tuy vậy, báo cáo tài chính hợp nhất đã được kiểm toán của EVN Hà Nội lại thiếu phần thuyết minh chi tiết về cơ cấu chi phí hoạt động. Dù rằng, bản thuyết minh báo cáo tài chính riêng phải là một bộ phận không tách rời với báo cáo này.

Tìm tới báo cáo tài chính hợp nhất đã được kiểm toán năm 2017 của EVN Hà Nội cho thấy, chi phí nhân công luôn chiếm tỷ trọng lớn nhất (trên 55%) trong tổng chi phí hoạt động của EVN Hà Nội. Trong năm 2017, chi phí nhân công của EVN Hà Nội tăng tới 17%, từ 708 tỷ đồng lên 830 tỷ đồng. 

Khoản mục chi phí bán hàng và chi phí quản lý doanh nghiệp của EVN Hà Nội (Nguồn: EVN Hà Nội)
Khoản mục chi phí bán hàng và chi phí quản lý doanh nghiệp của EVN Hà Nội (Nguồn: EVN Hà Nội)

Bên cạnh đó, một đơn vị thành phần là chi phí khác bằng tiền cũng tăng tới 20% thành 106 tỷ đồng. Theo Thông tư 200/2014/TT-BTC hướng dẫn chế độ kế toán doanh nghiệp, các khoản chi phí khác bằng tiền này gồm chi tiếp khách, hội nghị khách hàng, công tác phí,…..

Sự gia tăng đáng kể của 2 khoản cấu thành này khiến cho chi phí hoạt động của EVN Hà Nội năm 2017 tăng đột biến 22%, lên 1.482 tỷ đồng. Qua đó là nguyên nhân chính khiến cho lợi nhuận trước thuế năm 2017 của EVN Hà Nội giảm 34% so với 2016 (từ 262 tỷ đồng xuống 173 tỷ đồng) dù rằng doanh thu bán hàng vẫn tăng trưởng 5,6%.

Những nhà thầu “ruột” cung cấp thiết bị

Hàng năm, các đơn vị trực thuộc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), trong đó có cả EVN Hà Nội chi ra đến hàng nghìn tỷ đồng mua sắm tập trung rất nhiều mặt hàng thiết bị điện để phục vụ sản xuất kinh doanh.

Theo kết quả lựa chọn nhà thầu được công khai dù có rất nhiều nhà thầu được lựa chọn cung cấp mặt hàng thiết bị điện cho các đơn vị trực thuộc EVN, nhưng nổi lên trong số đó là số ít những doanh nghiệp như Công ty Cổ phần Tập đoàn Hanaka, Công ty CP Thiết bị công nghiệp Hữu Hồng hay Công ty CP Phát triển kỹ thuật công nghệ EDH.

Theo dữ liệu của Viettimes, Hanaka trong vai trò liên danh và đứng một mình trúng hàng chục gói thầu mua sắm trong năm 2018 với tổng giá trị hơn 400 tỷ đồng từ các thành viên của EVN và hơn 380 tỷ đồng trong năm 2017. Còn tính riêng các gói thầu mà Hanaka thực hiện cho các đơn vị thuộc EVN Hà Nội trong năm 2018 có tổng giá trị khoảng 90 tỷ đồng.

Còn đối với Hữu Hồng, tổng giá trị các gói thầu mua sắm tập trung của các đơn vị trực thuộc EVN mà doanh nghiệp này trúng trong năm 2018 lên đến hơn 650 tỷ đồng

Khảo sát quá trình lựa chọn nhà thầu tại một số gói thầu mua sắm tập trung trong năm 2018 của EVN do Hữu Hồng trúng thầu cho thấy có rất ít nhà thầu tham gia cạnh tranh. Hầu hết chỉ có 1-2 nhà thầu bước vào vòng đánh giá tài chính.

Đơn cử, tại gói thầu Mua sắm công tơ điện tử 1 pha đợt 2 phục vụ nhu cầu sản xuất kinh doanh năm 2018 của Tổng công ty Điện lực miền Nam có giá trị hơn 83 tỷ đồng. Chỉ có Công nghệ EDH và Hữu Hồng nộp hồ sơ dự thầu

Hay tại gói thầu mua sắm công tơ điện tử 1 pha đợt 1 phục vụ nhu cầu sản xuất kinh doanh năm 2018 của Tổng công ty Điện lực miền Nam. Nộp hồ sơ dự thầu cùng Hữu Hồng còn có Công nghệ EHD và Công ty TNHH thiết bị điện Gelex. Tuy vậy, trước vòng đánh giá tài chính, Gelex đã bị loại do không đạt đánh giá kỹ thuật. Và sau đó, Hữu Hồng đã loại Công nghệ EDH tại bước đánh giá tài chính để được lựa chọn nhà thầu trúng gói thầu hơn 83 tỷ đồng này./.