Thông tin trên được ông Đặng Quang Tấn – Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế - đưa ra tại hội nghị giao ban trực tuyến về công tác phòng, chống dịch COVID-19 do Bộ Y tế tổ chức vào sáng nay (20/1).
Số ca mắc COVID-19 nhập cảnh liên tục gia tăng
Theo báo cáo của Tổ chức Y tế Thế giới, biến thể virus SARS-CoV-2 được phát hiện đầu tiên ở Anh vào giữa tháng 12/2020 đến nay đã lây lan ra 50 nước và vùng lãnh thổ. Biến thể này đã được phát hiện ở Nam Phi cùng 23 nước và vùng lãnh thổ khác.
Thời gian qua, nước ta đã ghi nhận 1.540 trường hợp mắc COVID-19 gồm 880 người nhập cảnh từ nước ngoài, 660 người mắc trong nước, 35 người tử vong. Đặc biệt, chỉ trong 20 ngày đầu năm nay cả nước đã ghi nhận 75 ca mắc COVID-19 nhập cảnh, tăng thêm 11 ca so với năm ngoái.
Hiện, cả nước đang cách ly 18.008 người (121 người cách ly tại cơ sở y tế, 16.663 người ở khu cách ly tập trung và 1.224 người ở nhà/nơi lưu trú. Các cơ sở cách ly do quân đội quản lý hiện đang cách ly 4.757 người tại 54 điểm cách ly, tổng số đã thực hiện cách ly là 165.145 người, trong đó hết cách ly là 160.388 người.
Nhân viên y tế phun khử khuẩn (Ảnh: Minh Thuý) |
Theo Bộ Công an, trong năm 2020 nước ta đã phát hiện tổng cộng 1.843 công dân Việt Nam nhập cảnh trái phép qua biên giới đường bộ và 177 người nước ngoài (167 người Trung Quốc, 8 người Campuchia, 1 người Canada, 1 người New Zealand) nhập cảnh trái phép.
Nhận định về tình hình dịch bệnh, ông Tấn cho hay: "Dịch COVID-19 đang có tốc độ lây lan chóng mặt ở các nước trên thế giới. Thực tế, nhiều trường hợp nhập cảnh trái phép không được phát hiện hoặc phát hiện muộn. Vì thế, nguy cơ dịch bệnh lây lan vẫn luôn hiện hữu."
Do đó, Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế đề nghị các địa phương triển khai tháng cao điểm phòng COVID-19, tiếp tục duy trì các biện pháp giám sát, ngăn chặn dịch xuất hiện trong cộng đồng, ghi nhận một số trường hợp nhập cảnh trái phép
Theo ông Tấn, các địa phương phải quản lý chặt chẽ việc cách ly người nhập cảnh, bảo đảm thời gian cách ly tập trung tối thiểu 14 ngày và phải có kết quả xét nghiệm ít nhất 2 lần âm tính với virus SARS-CoV-2, đủ thời gian theo dõi y tế sau cách ly tập trung theo quy định. Tuyệt đối không để xảy ra tình trạng lây lan dịch bệnh trong khu cách ly và lây lan từ khu cách ly ra cộng đồng.
Cùng với đó, các hộ gia đình, tổ dân phố, khu dân cư chủ động tham gia phát giác, khai báo các trường hợp từ nước ngoài về nhập cảnh trái phép trong cộng đồng chưa được cách ly, quản lý và thông báo ngay cho chính quyền địa phương để tổ chức cách ly, xử lý theo quy định. Các cơ quan liên quan phải lập danh sách tất cả những người nhập cảnh trái phép lưu trú ở địa phương để tổ chức cách ly ngay, điều tra dịch tễ, lấy mẫu xét nghiệm theo quy định.
Đáng chú ý, ông Tấn lưu ý: "Theo ý kiến chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ Y tế, các đơn vị không tổ chức cách ly tại nhà, chỉ cách ly tập trung. Tất cả các chuyên gia, thành viên tổ bay đều phải cách ly tập trung 14 ngày, không có ngoại lệ để tăng cường công tác phòng, chống dịch."
"Kẽ hở" trong công tác cách ly y tế
Khi tình hình dịch COVID-19 còn nhiều diễn biến phức tạp thì cách ly y tế là biện pháp hàng đầu để phòng, chống dịch bệnh. Vì thế, PGS. TS. Nguyễn Thị Liên Hương – Cục Quản lý Môi trường Y tế, Bộ Y tế - nhấn mạnh: "Thời gian qua, việc tổ chức cách ly và giám sát y tế ở một số đơn vị chưa tốt. Điển hình là việc cách ly ở các khu cách ly. Nhằm giám sát đối tượng cách ly, cơ sở cách ly đã lắp camera giám sát ở các tầng nhưng chỉ giám đốc mới được tiếp cận, theo dõi. Điều này đã dẫn đến tình trạng không phát hiện kịp thời những trường hợp không tuân thủ quy định cách ly."
PGS. TS. Nguyễn Thị Liên Hương – Cục Quản lý Môi trường Y tế, Bộ Y tế (Ảnh: Minh Thuý) |
Không chỉ vậy, việc kiểm tra, giám sát chưa thực hiện thường xuyên; việc bàn giao người cách ly sau khi kết thúc thời gian cách ly còn nhiều lúng túng. Đặc biệt, nhiều người cách ly không tuân thủ đúng quy định cách ly y tế; việc thực hiện vệ sinh, quản lý chất thải y tế trong phòng, chống lây nhiễm dịch bệnh chưa đúng quy định. Ngoài ra, công tác phối hợp liên ngành nhằm tăng cường cách ly phòng, chống dịch bệnh còn nhiều hạn chế.
Những hạn chế, tồn tại trên trong công tác cách ly chính là những “kẽ hở” mà ngành Y tế phải khắc phục để ngặn chặn dịch COVID-19 bùng phát.
Để ngăn chặn những “kẽ hở” nguy hiểm này, PGS. TS. Nguyễn Thị Liên Hương cho hay: Quy định cách ly y tế đã được bổ sung và có nhiều điểm mới. Điểm mới đầu tiên chính là mọi trường hợp nhập cảnh vào Việt Nam đều phải cách ly tập trung đủ 14 ngày, trừ các trường hợp đặc biệt do Bộ Ngoại giao xem xét, quyết định. Người cách ly phải khai báo với Bí thư chi bộ ở thôn, khu phố khi về đến nhà; cam kết tự theo dõi sức khoẻ ở nhà, nơi lưu trú và chủ động thông báo với cơ quan y tế ở địa phương, nơi lưu trú về tình trạng sức khoẻ, đồng thời, ghi nhật ký tiền sử tiếp xúc gần cho đến khi hết 14 ngày tiếp theo.
Khu vực cách ly bệnh nhân COVID-19 (Ảnh: Minh Thuý) |
Cùng với đó, khi người cách ly di chuyển từ khi cách ly tập trung về nơi lưu trú đi bằng phương tiện vận tải đường bộ thì phải đi bằng xe riêng; đeo khẩu trang, sử dụng dung dịch sát khuẩn tay; cài đặt và mở ứng dụng truy vết (Bluezone) liên tục, sử dụng phòng hộ cá nhân; hạn chế tiếp xúc gần (dưới 2m) với người khác trong quá trình di chuyển; hạn chế dừng, đỗ ăn uống dọc đường, tốt nhất đi thẳng về nhà, nơi lưu trú.
Còn khi người cách ly đi bằng phương tiện vận tải hàng không hoặc tàu phải thông báo, liên hệ trước với đơn vị vận chuyển để có phương án bố trí các biện pháp phòng, chống dịch bệnh, đồng thời, nghiêm túc đeo khẩu trang, sử dụng dung dịch sát khuẩn tay và khai báo y tế, mở Bluezone liên tục.
Ngoài ra, Bộ Y tế còn yêu cầu các địa phương phải tăng cường sử dụng ứng dụng công nghệ thông tin trong việc quản lý, theo dõi người cách ly tập trung qua tờ khai y tế trực tuyến và mã QR Code đối với người nhập cảnh, cơ quan quản lý cùng các địa điểm cách ly phòng COVID-19.