Báo cáo về hoạt động trao quyền cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ tại Việt Nam năm 2022 do Amazon vừa công bố, đã cho thấy các doanh nghiệp vừa và nhỏ Việt Nam đang nắm bắt sức mạnh của kinh doanh trực tuyến và cơ hội xuất khẩu để tăng doanh thu và thúc đẩy sự phục hồi sau đại dịch.
Theo số liệu từ báo cáo, bất chấp những thách thức của tình hình kinh tế thế giới, thương mại điện tử xuyên biên giới vẫn cho thấy nhiều tín hiệu tăng trưởng tích cực, đóng góp cho sự phục hồi của doanh nghiệp địa phương. Số lượng đối tác bán hàng Việt Nam trên Amazon tăng hơn 80%, trong đó phần lớn là doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Nguồn: Amazon. |
Sự tham gia đa dạng của các đối tác bán hàng từ nhiều quy mô và ngành hàng khác nhau cho thấy, thương mại điện tử xuyên biên giới giờ đây không còn là sân chơi chỉ dành cho những thương hiệu lớn.
Trong năm 2022, các đối tác bán hàng Việt Nam đã bán gần 10 triệu sản phẩm trên các gian hàng trực tuyến của Amazon trên toàn cầu, giá trị xuất khẩu của các đối tác bán hàng Việt Nam trên Amazon đã tăng hơn 45% . Amazon Global Selling Việt Nam đã góp phần nâng tầm vị thế hàng hóa và giá trị thương hiệu "Made in Vietnam".
Báo cáo chỉ ra, số lượng sản phẩm được bán bởi các đối tác bán hàng Việt Nam trên cửa hàng của Amazon tăng hơn 35% so với cùng kỳ năm ngoái.
Số lượng đối tác bán hàng tại Việt Nam vượt mốc doanh số 500.000 USD khi kinh doanh trên Amazon tăng 60% so với cùng kỳ năm ngoái.
Số lượng doanh nghiệp vừa và nhỏ Việt Nam tận dụng Dịch vụ Hoàn thiện đơn hàng bởi Amazon (FBA) tăng hơn 90% và doanh số bán hàng qua FBA của họ tăng hơn 50%.
Nguồn: Amazon. |
Top danh mục các ngành hàng bán chạy hàng đầu của các đối tác bán hàng Việt Nam trên Amazon bao gồm: Nhà bếp, Nhà cửa, Dệt may, Sản phẩm chăm sóc sức khỏe và cá nhân, Tiện ích gia đình.
Những ngành hàng bán chạy này không chỉ góp phần thúc đẩy sự phát triển của các ngành sản xuất chủ lực tại Việt Nam mà còn chứng minh cho sự tăng trưởng bền vững của doanh nghiệp vừa và nhỏ Việt Nam./.