Fintech VN tăng trưởng nhờ sự hỗ trợ của Chính phủ về mở rộng các hình thức thanh toán số

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes - Đây là nhận định của ông Hoàng Quang Phòng, PCT Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam tại Diễn đàn Quản trị rủi ro và đảm bảo an toàn tài chính, thúc đẩy hoạt động Fintech và ngân hàng số tại Việt Nam.
Ông Hoàng Quang Phóng phát biểu tại Diễn đàn. Ảnh AT
Ông Hoàng Quang Phóng phát biểu tại Diễn đàn. Ảnh AT

Ông Hoàng Quang Phòng, Phó Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) nhấn mạnh việc thiết lập cơ chế thử nghiệm có kiểm soát hoạt động Fintech trong lĩnh vực ngân hàng tại Việt Nam là hết sức cấp bách và cần thiết, đặc biệt trước chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước về phát triển "Chính phủ và nền kinh tế số.

Năm 2021 đã chứng kiến những bước tiến nhảy vọt của thị trường Fintech Việt Nam khi nền kinh tế internet đạt giá trị 21 tỷ USD, đứng ở vị trí 14/50 ở khu vực châu Á và vị trí 70 trên bảng xếp hạng toàn cầu.

Fintech Việt Nam đã tăng trưởng đáng kể nhờ sự hỗ trợ của Chính phủ về việc mở rộng các hình thức thanh toán số cũng như việc áp dụng ngày càng nhiều các giao dịch kỹ thuật số và sự phát triển của thị trường thương mại điện tử.

Theo Ngân hàng Nhà nước, sự phát triển với tốc độ nhanh chóng của Fintech đã khiến các cơ quan quản lý của các quốc gia đối mặt với nhiều khó khăn và thách thức trong công tác quản lý, giám sát do những rủi ro rửa tiền, tài trợ khủng bố, rủi ro liên quan tới an ninh, an toàn, bảo mật thông tin, sử dụng trái phép thông tin cá nhân...

Do đó, nhiệm vụ đặt ra với các cơ quan quản lý là phải đảm bảo đồng thời mục tiêu hỗ trợ thúc đẩy đổi mới sáng tạo trong khi vẫn phải duy trì sự ổn định, an toàn của thị trường tài chính và hỗ trợ tăng trưởng kinh tế.

Ông Trần Minh Tuấn phát biểu tại diễn đàn

Ông Trần Minh Tuấn phát biểu tại diễn đàn

Phát biểu tại diễn đàn, PGS.TS Trần Minh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Kinh tế số và Xã hội số - Bộ Thông tin và Truyền thông đã giới thiệu hiện trạng, mục tiêu, định hướng phát triển hạ tầng số, các giải pháp thúc đẩy chuyển đổi số trong lĩnh vực tài chính - ngân hàng tại Việt Nam.

Nói về hiện trạng nhân lực số, Ông Tuấn cho biết: Tỷ lệ trường đại học có chuyên ngành đào tạo kỹ thuật 160/240; số lượng tốt nghiệp đại học chuyên ngành CNTT hàng năm khoảng 50.000 sinh viên; tổng số nhân lực CNTT/ tổng số lao động trong nền kinh tế số ở Việt Nam là 1,1%.

Nói về mục tiêu phát triển trung tâm dữ liệu và điện toán đám mây, ông Tuấn cho biết Chính phủ sẽ tiên phong việc phát triển hạ tầng điện toán đám mây sử dụng dịch vụ điện toán đám mây là điều kiên tiên quyết đối với các dự án CNTT sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước. Thị trường ĐTĐM tăng trưởng từ 30%-40% năm, phấn đấu đạt từ 0,7% -1% GDP, 20% doanh thu từ khối dịch vụ chính phủ….

Trong khuôn khổ sự kiện, ông Chu Quang Thái, đại diện Trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo quốc gia, Chủ tịch Quỹ đầu tư Liên minh số đã chia sẻ bức tranh tương lai của Fintech, hạ tầng phát triển bền vững và giới thiệu một giải pháp cụ thể trong lĩnh vực Fintech.

Bà Nguyễn Thị Nga phát biểu tại Diễn đàn

Bà Nguyễn Thị Nga phát biểu tại Diễn đàn

Đại diện phía ngân hàng thương mại, bà Nguyễn Thị Nga, Giám đốc Ngân hàng số, Ngân hàng Pvcombank nêu những thách thức chuyển đổi số trong hệ thống ngân hàng thương mại tại Việt Nam, các rủi ro trong hoạt động kinh doanh ngân hàng số và một số biện pháp phòng ngừa rủi ro…

Diễn đàn "Quản trị rủi ro và đảm bảo an toàn tài chính, thúc đẩy hoạt động Fintech và ngân hàng số tại Việt Nam diễn ra ngày 8.12.2022 là một trong chuỗi nhiều chương trình mà VCCI đã và đang tổ chức nhằm hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam chuyển đổi số toàn diện, góp phần thúc đẩy phát triển nền kinh tế số của Việt Nam. Sự chuyển mình kịp thời của các doanh nghiệp sẽ tạo ra thế và lực mới, nâng cao hơn nữa đóng góp của cộng đồng doanh nghiệp vào sự phát triển của đất nước.