“Game” Sữa Quốc Tế: Đứng sau Blue Point là ai?

VietTimes – Được “dọn đường” để thâu tóm CTCP Sữa Quốc tế (IDP), CTCP Blue Point mang hình bóng của một tập đoàn trong nước có tham vọng lớn trong lĩnh vực hàng tiêu dùng.
Ảnh minh họa (Nguồn: Internet)
Ảnh minh họa (Nguồn: Internet)

Theo tìm hiểu của VietTimes, các động thái “dọn đường” cho việc đổi chủ của CTCP Sữa Quốc tế (IDP) diễn ra một cách gấp rút, bài bản, ngay trong ngày 3/7/2020.

Cụ thể, tại phiên họp bất thường diễn ra vào sáng 3/7, Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) IDP đã thông qua việc cho CTCP Blue Point (Blue Point) mua đến 90% số cổ phần có quyền biểu quyết của công ty mà không cần chào mua công khai.

Cùng ngày, Howard Holding PTE (thành viên của VinaCapital) đã bán ra hơn 16,6 triệu cổ phiếu IDP, giảm tỷ lệ sở hữu từ 54,745% xuống chỉ còn 26,496% vốn điều lệ. Sau giao dịch, nhóm VinaCapital và tổ chức có liên quan chỉ còn nắm giữ 37,014% cổ phần của IDP.

Theo tìm hiểu của VietTimes, Blue Point được thành lập từ tháng 2/2015 tại Tp. HCM, hiện do ông Nguyễn Hữu Thành (SN 1975) làm Tổng Giám đốc. Được các quỹ đầu tư chuyên nghiệp “dọn đường” thâu tóm IDP, song Blue Point vẫn là một cái tên còn xa lạ trên thị trường, đặc biệt trong lĩnh vực sữa. Dư luận không khỏi băn khoăn về danh tính, cũng như tiềm lực của ông chủ đứng sau Blue Point.

Ai đứng sau Blue Point?

Trên các diễn đàn báo chí và đầu tư, có nhiều đồn đoán về hình bóng của một tập đoàn trong nước, có tham vọng trở thành "kỳ lân ngành tiêu dùng", đứng sau Blue Point.

Lời đồn đoán càng có cơ sở khi dữ liệu của VietTimes cho thấy, ông Thành sở hữu tới cả triệu cổ phiếu MSN của CTCP Tập đoàn Masan. Số cổ phiếu này được lưu ký tại CTCP Chứng khoán Bản Việt (VCSC).

Ngoài ra, vào giữa năm 2015, ông Thành còn nhận 1.000 cổ phần CTCP Thực phẩm Cholimex từ Công ty TNHH MTV Thực phẩm Masan.

Dù quy mô còn khá nhỏ so với nhiều doanh nghiệp ngành sữa khác, nhưng với việc sở hữu các thương hiệu đã có uy tín như Sữa Ba Vì và Love’in Farm, IDP hẳn sẽ là một “mảnh ghép” giá trị cho cho "hệ sinh thái" hàng tiêu dùng của Masan - nếu điều đó xảy ra.

Những năm qua, Masan đã rót hàng nghìn tỷ đồng cho các thương vụ M&A đình đám, bồi đắp và mở rộng thêm cho “danh mục” các sản phẩm hàng tiêu dùng thiết yếu.

Tập đoàn này nhiều lần bày tỏ tham vọng đưa các sản phẩm của mình đến các hộ gia đình sâu hơn và nhiều hơn. Các sản phẩm sữa có thương hiệu sẽ là sự bổ sung không thể thiếu cho mục tiêu chiến lược này.

Ngoài những biến động trong cơ cấu cổ đông, HĐQT IDP còn được bổ sung thêm 2 thành viên là ông Tô Hải và ông Hồ Sỹ Tuấn Phát.

Ông Tô Hải hiện là Tổng Giám đốc của VCSC - công ty chứng khoán có thế mạnh trong dịch vụ ngân hàng đầu tư (IB) và có vai trò lớn trong các vụ M&A của nhiều tập đoàn hàng đầu tại Việt Nam.

Trong khi đó, ông Hồ Sỹ Tuấn Phát là Tổng Giám đốc của CTCP Lothamilk, doanh nghiệp sữa có nhiều năm hoạt động tại Đồng Nai.

Dữ liệu của VietTimes cho thấy, từ nửa cuối năm 2019 tới nay, Lothamilk liên tục ghi nhận những biến động nhân sự cấp cao.

Cụ thể, hồi tháng 7/2019, vị trí Tổng Giám đốc của Lothamilk được chuyển giao từ ông Nguyễn Từ Mục (SN 1964) sang ông Nguyễn Cao Trí (SN 1970) – đại gia kín tiếng với hệ sinh thái “Capella Holdings”.  

Chưa đầy 1 năm sau, ông Nguyễn Cao Trí đã chuyển giao vị trí này cho ông Đinh Quang Hoàn (SN 1976) – Chủ tịch HĐQT Lothamilk. Chiếc “ghế” CEO Lothamilk mới đây đã được ông Hoàn chuyển giao cho ông Hồ Sỹ Tuấn Phát từ ngày 25/6/2020. Ông Đinh Quang Hoàn hiện là Phó Tổng Giám đốc của VCSC.

Ngoài ra, HĐQT của Lothamilk còn có sự tham gia của ông Lê Phạm Ngọc Phương (SN 1977). Ông Phương là Giám đốc khối tài chính kế toán của CTCP Tập đoàn Capella.

Khác với đồn đoán của thị trường, trao đổi với VietTimes chiều nay (10/7), một đại diện của Masan khẳng định, tập đoàn này không liên quan gì tới Blue Point hay "game" Sữa Quốc tế./.