Sau khi hủy niêm yết, Toshiba sẽ trở thành công ty con thuộc sở hữu hoàn toàn của TBJH, công ty con của quỹ đầu tư tư nhân Japan Industrial Partners (JIP) vào ngày 22/12. Cuộc khủng hoảng tái cơ cấu Toshiba kéo dài gần 3 năm cuối cùng cũng đã đi đến hồi kết.
Toshiba được thành lập vào năm 1875. Tiền thân của nó là Viện Sản xuất Công nghiệp và Shirasasha. Năm 1939, hai công ty sáp nhập thành Tokyo Shibaura Electric, gọi tắt là "Toshiba".
Toshiba đã phát minh ra nhiều sản phẩm đầu tiên của Nhật Bản: đèn sợi đốt đầu tiên, quạt điện đầu tiên, máy phát điện tua-bin nước, tủ lạnh và máy giặt, TV bán dẫn...Thành tựu nổi bật nhất của Toshiba là T1100 - chiếc máy tính xách tay đầu tiên trên thế giới, sản phẩm này đã xác lập nên hình thức tiêu chuẩn của máy tính xách tay trong tương lai và cũng tạo nên sự thống trị về PC của Toshiba trong suốt gần 10 năm. Tại thị trường Trung Quốc và nhiều nước châu Á, sản phẩm Toshiba được người tiêu dùng ưa chuộng, nhất là sản phẩm đồ gia dụng và máy tính.
Vào thời kỳ đỉnh cao, Toshiba không chỉ thống trị lĩnh vực thiết bị gia dụng mà còn tham gia vào lĩnh vực bán dẫn, thiết bị y tế, điện hạt nhân và cơ sở hạ tầng, là một trong những "gã khổng lồ" của ngành sản xuất Nhật Bản.
Sự suy thoái của Toshiba bắt đầu từ việc kinh doanh điện hạt nhân. Năm 2006, khi thế giới đang ra sức xây dựng các nhà máy điện hạt nhân, Toshiba đã mua lại công ty kinh doanh điện hạt nhân của Westinghouse Electric ở Mỹ với giá cao ngất ngưởng 5,4 tỉ USD. Tuy nhiên, sự cố rò rỉ ở nhà máy điện hạt nhân Fukushima năm 2011 khiến số đơn đặt hàng giảm, việc xây dựng các nhà máy điện hạt nhân trên toàn cầu cũng bắt đầu trì trệ, hoạt động kinh doanh của Toshiba gặp trở ngại lớn.
Để che đậy lỗ đen trong hoạt động kinh doanh điện hạt nhân, Toshiba cũng đã gian lận tài chính trong 8 năm. Năm 2015 vụ bê bối này bị vạch trần. Vào thời điểm đó, ước tính có tổng cộng 156,2 tỉ yên lợi nhuận giả đã được họ báo cáo. Trong cùng thời gian đó, Toshiba mua lại hoạt động kinh doanh năng lượng hạt nhân của một công ty Mỹ khác thông qua Westinghouse Electric, nhưng lại phải gánh thêm khoản nợ khổng lồ. Năm 2017, công ty con này tuyên bố phá sản và Toshiba rơi vào tình trạng mất khả năng thanh toán.
Giữa nhiều cuộc khủng hoảng khác nhau, Toshiba đã đóng cửa và bán nhiều hoạt động kinh doanh không cốt lõi. Mảng kinh doanh thiết bị y tế được bán cho Canon, mảng kinh doanh máy tính xách tay được bán cho Sharp và hàng điện tử cho Midea và Hisense.
Cuối cùng, Toshiba phải bắt đầu bán chính mình. Tháng 4/2021, quỹ đầu tư tư nhân Châu Âu CVC đề xuất tư nhân hóa Toshiba với giá 21 tỉ USD, nhưng Toshiba từ chối. Sau đó, các tập đoàn nước ngoài khác như Bain Capital, KKR, Blackstone Group...đều quan tâm đến việc tham gia mua lại Toshiba. Ban lãnh đạo Toshiba cũng đề xuất phương án chia tập đoàn thành hai hoặc ba, tức một bộ phận tập trung vào kinh doanh thiết bị điện tử và lưu trữ, bộ phận còn lại tập trung vào năng lượng và cơ sở hạ tầng nhưng cuối cùng bị các cổ đông bác bỏ.
Tháng 3/2023, Toshiba thông báo ban giám đốc của họ đã thông qua nghị quyết chấp nhận các đề nghị mua lại từ liên minh nội địa Nhật Bản Japan Industrial Partners (JIP). Phương án mua lại của JIP được sự ủng hộ của chính phủ Nhật Bản và nhiều công ty Nhật Bản, bao gồm ROHM Electronics, Chubu Electric Power Co., Ltd., cũng như các khoản vay được cung cấp bởi 5 ngân hàng lớn của Nhật Bản, trong đó có Ngân hàng Mizuho và Ngân hàng Sumitomo Mitsui Trust.
Tháng 9 năm nay, Toshiba thông báo lời mời mua lại trị giá khoảng 2 nghìn tỉ yên do JIP đứng đầu đã được ký kết, trở thành một trong những giao dịch mua và sáp nhập lớn nhất ở châu Á trong năm nay.
Ngày 22/11, Toshiba đưa ra thông báo kế hoạch hủy niêm yết đã được đại hội đồng cổ đông bất thường thông qua. 432,9 triệu cổ phiếu hiện tại của Toshiba sẽ được chia thành 4 cổ phiếu, cứ 93 triệu cổ phiếu sẽ được sáp nhập thành một cổ phần. Việc sáp nhập cổ phiếu sẽ diễn ra vào ngày 22/12. Ngoài ra, cơ cấu quản lý của Toshiba cũng sẽ thay đổi, ngoài Giám đốc điều hành Toshiba Taro Shimada hiện tại, JIP sẽ có quyền điều động tới 4 giám đốc. Đội ngũ quản lý mới cũng sẽ có sự tham gia của các cố vấn cấp cao từ Tập đoàn tài chính Sumitomo Mitsui, bên cho vay chính của Toshiba. Ban quản lý hiện tại cũng sẽ được tổ chức lại, đồng thời việc bổ nhiệm lại sẽ được thực hiện tại cuộc họp hội đồng quản trị vào ngày 22/12.
Toshiba có khoảng 106.000 nhân viên và một số hoạt động kinh doanh của hãng được coi là quan trọng đối với an ninh quốc gia, chính phủ Nhật Bản cũng sẽ hết sức chú ý đến hướng đi của công ty này trong tương lai.
Báo cáo tài chính của Toshiba cho quý tài chính thứ hai năm 2023 kết thúc vào ngày 30/9 cho thấy doanh thu hiện tại của công ty là 1,5 nghìn tỉ yen (khoảng 10,5 tỉ USD), giảm 6,1% so với cùng kỳ năm trước; khoản lỗ ròng có thể quy cho cho các cổ đông của công ty mẹ là 52,1 tỉ yên (364,7 triệu USD). Tính đến ngày 19/12, giá trị thị trường của Toshiba là khoảng 2 nghìn tỉ yen (khoảng 14 tỉ USD).
Toshiba đã bắt đầu hành động, hợp tác với nhà đầu tư Rohm Semiconductor để đầu tư 2,7 tỉ USD xây dựng cơ sở sản xuất nhằm cùng nhau sản xuất chip.
Ulrike Schaede, giáo sư kinh doanh Nhật Bản tại ĐH California, San Diego, cho rằng Toshiba cần loại bỏ những lĩnh vực kinh doanh kém lợi nhuận và phát triển chiến lược kinh doanh mạnh mẽ hơn cho một số công nghệ tiên tiến của mình. Nếu giới quản lý có thể tìm ra cách để các kỹ sư tham gia vào các hoạt động đổi mới thực sự có tính đột phá, thì công ty có thể trở thành một công ty quan trọng trên thị trường.
Vì sao Toshiba, một trong năm nhà sản xuất chất bán dẫn hàng đầu thế giới, rời sàn chứng khoán?
Theo Finance.sina