G7 cải cách thuế doanh nghiệp toàn cầu, thách thức mới cho các nước nghèo?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – G7 thống nhất mức thuế doanh nghiệp 15% đối với các tập đoàn đa quốc gia, các nước nghèo được lợi gì? Câu trả lời là cũng có, nhưng không nhiều.

Nhóm bảy nước có nền kinh tế phát triển (G7) đã đi đến thỏa thuận về cải cách hệ thống thuế doanh nghiệp toàn cầu, trong đó cam kết mức thuế doanh nghiệp toàn cầu ít nhất là 15%.

Động thái mới được kỳ vọng sẽ đem lại nguồn thu đáng kể cho các chính phủ từ khoản thuế mà các doanh nghiệp đa quốc gia hiện vẫn tránh được nhờ các “thiên đường thuế”, đồng thời, chấm dứt “cuộc đua tới đáy” giữa các quốc gia cạnh tranh giảm thuế để thu hút đầu tư nước ngoài.

Ai được hưởng lợi?

Thỏa thuận G7 dẫn đến khả năng thành công về mức thuế chung tối thiểu ở các diễn đàn lớn hơn như G20 (20 nền kinh tế lớn nhất thế giới) và OECD (139 nước, bao gồm chủ yếu các nước giàu). Tuy nhiên, kế hoạch cải cách thuế như thỏa thuận của G7 có vẻ sẽ không giúp ích được nhiều cho các nền kinh tế đang phát triển.

“Theo những gì tôi hiểu, với các quy định hiện đang được phát triển, thì các nước đang phát triển có thể nhận được nhiều hơn số 0 một chút”, Mathew Gbonjubola, đại sứ của Nigeria tại OECD, cho biết.

Thông thường, các nước đang phát triển luôn cần nguồn thu từ thuế, nhất là thuế thu nhập doanh nghiệp, để có thể đầu tư phát triển kinh tế và cải thiện đời sống trong nước, thay vì phụ thuộc vào vay mượn hoặc viện trợ quốc tế.

Năm 2017, các nước châu Phi tăng được 19% tổng thu nhập nhờ nguồn thu từ thuế doanh nghiệp, trong khi mức trung bình này ở OECD chỉ có 9%.

Việc coi trọng thu thuế doanh nghiệp ở các nước đang phát triển một phần là vì chính quyền các nước này khó lòng thu được thuế từ khu vực kinh tế phi chính thức (informal sector - các hoạt động kinh tế không có đăng ký về mặt pháp lý, không có số liệu thống kê và không được kiểm soát bởi nhà nước như bán hàng rong và kinh doanh nhỏ lẻ).

Những điểm bất lợi

Cần nhiều tiền thuế hơn các nước giàu không có nghĩa là các nước nghèo có thể thu được nhiều thuế hơn. Với hệ thống thuế hiện tại, các nước nghèo gặp hai điểm bất lợi.

Đầu tiên, các công ty đa quốc gia chuyển lợi nhuận từ chi nhánh các nước nghèo thuế cao đến các chi nhánh tại các nước “thiên đường thuế thấp”. Sau đó, quyền đánh thuế tiếp theo lại thuộc về bản quốc nơi công ty đặt trụ sở - thường là các nước giàu.

Theo ước tính của Petr Jansky của Đại học Charles và Javier Garcia-Bernado của nhóm vận động vì công bằng thuế Tax Justice Network, khi các công ty đa quốc gia làm như vậy, doanh thu từ thuế của các nước nghèo bị tước mất đến 5% so với khi doanh thu được kê khai thực trên các vùng lãnh thổ có hoạt động kinh doanh. Ngược lại, với cách thức tương tự, các nước giàu cũng chỉ mất đi 1% thu nhập từ thuế.

Những cải cách thuế do G7 thỏa thuận được sẽ giảm tình trạng chuyển lợi nhuận đi nơi khác, giúp các chính phủ thu được nhiều thuế hơn.

Những nước nghèo dĩ nhiên cũng muốn chấm dứt việc tránh thuế này như những nước giàu. Song, sự hạn chế về tiền mặt và nhân lực khiến họ khó lòng tham gia thảo luận chi tiết về mức thuế chung và cách thức thi hành.

Thực tế, mặc dù các nước thu nhập thấp chiếm 22% thành viên tham gia thảo luận của OECD, họ chỉ chiếm có 5% số người tham dự các buổi họp quan trọng.

Chẳng hạn, theo ATAF – một tổ chức tư vấn thuế cho các chính phủ ở châu Phi, việc đánh thuế các công ty đa quốc gia dựa trên lợi nhuận phát sinh từ nước sở tại (routine profit – tức không tính các nguồn thu như từ bằng sáng chế, quyền sở hữu trí tuệ, v.v) là “quá sức phức tạp”, và đề nghị rằng cần đánh thuế dựa trên tổng doanh thu (bao gồm khoản lợi nhuận non-routine thường chuyển đến cho các nước giàu).

Tuy nhiên, sự hiện diện ít ỏi tại các buổi thảo luận sẽ tước đi của các nước nghèo cơ hội lên tiếng vì quyền lợi của mình.

Tính khả thi của thuế doanh nghiệp toàn cầu

Một ví dụ khác, các nước phát triển có thể chỉ nhắm đến khoảng 100 công ty đa quốc gia lớn nhất, nhưng đối với các nước nghèo, nguồn thu thuế có thể đến từ hàng nghìn doanh nghiệp.

Ngưỡng doanh thu đủ để đánh thuế ở các nước phát triển có thể là 24 tỉ EUR, nhưng với các nước nghèo chỉ cần đến 240 triệu EUR.

“Điểm khác biệt quan trọng nhất giữa các nền kinh tế tiên tiến và các nước đang phát triển là một ngưỡng (doanh thu) để quyết định xem bao nhiêu công ty sẽ bị đánh thuế”, theo Sybl Galván, đại sứ Mexico tại OECD.

ATAF lo ngại rằng trong các cuộc đàm phán kéo dài và phức tạp, các nước nghèo hơn có thể không đấu tranh cho quyền lợi của họ.

Theo ATAF, một mức thuế suất chung có thể dẫn tới bất lợi cho các nước nghèo hơn dùng chính sách thuế thấp để thu hút đầu tư nước ngoài.

Mức thỏa thuận tối thiểu 15% của G7 còn thấp hơn rất nhiều mức thuế doanh nghiệp ở nhiều nước đang phát triển. Mức sàn như vậy có thể khuyến khích công ty đa quốc gia báo cáo thuế cao hơn ở bản quốc, khiến nước sở tại không còn mấy để thu thuế.

Do đó, phàn nàn lớn nhất về mức thuế doanh nghiệp toàn cầu đó là nước giàu được thêm nhiều thuế hơn vì kéo được nguồn thuế từ “thiên đường thuế” về, nhưng những nước nghèo cũng chẳng thêm được bao nhiêu. Theo ước tính hồi tháng 10.2020 của OECD, cải cách thuế có thể chỉ giúp những nước nghèo thu thêm được 1% thuế.

Một lo lắng khác đối với các nước nghèo khi áp dụng cải cách thuế mới, đó là việc chính quyền Biden đề nghị cơ chế giải quyết tranh chấp mang tính “ràng buộc, không chọn lựa” để trấn an các công ty rằng họ sẽ không bị đánh thuế chồng chéo. Khi xảy ra tranh chấp, phán quyết cuối cùng thường không đứng về phía các nước nghèo, do đó, cơ chế áp dụng chính sách thuế mới càng bất lợi cho họ.

“Có thể gọi các quy định thuế là toàn cầu, nhưng nếu quá trình ra quyết định không thực sự mang tính toàn cầu, thì lý do gì các quốc gia không tham gia vào ra quyết định lại chấp nhận?”, Tove Maria Ryding, nhà quản lý chính sách tại tổ chức European Network on Debt and Development bày tỏ sự phản đối. “Các quốc gia nghèo nhất thế giới một lần nữa có nguy cơ mất trắng khi chiếc bánh thuế toàn cầu bị phân chia, mặc dù thực tế là họ cần thu nhập từ thuế hơn bất kỳ nước nào khác”./.

Nguồn tham khảo:

https://www.ft.com/content/9f8304c5-5aad-4064-9218-54070981fb4d

https://www.economist.com/finance-and-economics/2021/06/05/will-poorer-countries-benefit-from-international-tax-reform