Dùng AI thúc đẩy chuyển đổi số
Theo Nikkei Asia, FPT, công ty công nghệ hàng đầu Việt Nam, đang nghiên cứu đầu tư mở rộng hoạt động tại Nhật Bản, cung cấp dịch vụ đám mây và AI phục vụ chuyển đổi số.
"Chúng tôi không chỉ cung cấp nguồn nhân lực mà còn cung cấp cơ sở hạ tầng điện toán GPU (bộ xử lý đồ họa) để tạo ra các giải pháp AI tiên tiến cho thị trường Nhật Bản.
AI là một trong những động lực tăng trưởng chính của chúng tôi", ông Phạm Minh Tuấn, giám đốc điều hành FPT Software, cho biết trong một cuộc phỏng vấn tại Tokyo.
Vào tháng 4 vừa qua, FPT đã công bố hoạt động hợp tác chiến lược toàn diện với nhà sản xuất chip Nvidia của Hoa Kỳ để xây dựng nhà máy AI tại Việt Nam đồng thời hợp tác sâu hơn trên quy mô toàn cầu. Việc bắt đầu các dịch vụ mới tại Nhật Bản cho thấy quan hệ đối tác giữa hai công ty này đang dần đi đúng hướng.
"Chúng tôi sẽ ra mắt các dịch vụ vào tháng 1 hoặc tháng 2 năm sau. Đó là lý do tại sao chúng tôi cần mua đồng thời triển khai phần cứng (từ Nvidia) và sẽ bắt đầu vận hành trung tâm dữ liệu vào tháng 12 năm nay", Phạm Minh Tuấn chia sẻ.
Ông Tuấn cho biết công ty hiện vẫn đang trong quá trình tìm kiếm mặt bằng để xây dựng trung tâm dữ liệu tại Nhật Bản cho các dịch vụ đám mây kỹ thuật cao mới và các doanh nghiệp giải pháp AI của riêng mình. Bên cạnh đó, Công ty cũng sẽ mở rộng lực lượng lao động tại Nhật Bản từ 3.500 lên tới 5.000 nhân lực vào năm tới, Nikkei Asia đưa tin.
Mục tiêu chính của dịch vụ AI là thúc đẩy các hoạt động chuyển đổi số cho các tổ chức tài chính tại Nhật Bản. "Họ có rất nhiều dữ liệu. Làm thế nào họ có thể kiếm tiền từ dữ liệu đó và tạo ra giá trị mới bằng cách khai thác dữ liệu là điều quan trọng.
Công nghệ AI và các mô hình ngôn ngữ lớn có thể hỗ trợ khách hàng hiện thực hóa ước mơ của họ, nhưng công nghệ này cũng đòi hỏi một lượng lớn tài nguyên sức mạnh tính toán", ông Tuấn giải thích lý do ra mắt các dịch vụ mới tại Nhật Bản.
FPT Japan, công ty con của FPT Software, gần đây đã mở một văn phòng mới tại tòa nhà 42 tầng ở Mita, Tokyo. Theo đó, ông Tuấn cũng đề cập đến kế hoạch tuyển dụng của FPT Japan.
Tính đến tháng 3, công ty có 3.500 nhân viên và vẫn đang tuyển dụng. "Rất sớm, chúng tôi sẽ đạt 4.000 người, và nếu chúng tôi có thể tăng trưởng 40% như những năm trước, chắc chắn chúng tôi sẽ có 5.000 người vào năm tới", ông Tuấn nói.
Dữ liệu mới nhất cho thấy 63% nhân viên của FPT Japan là người Việt Nam và 31% là người Nhật.
Nhật Bản chiếm 38% tổng doanh thu của bộ phận phần mềm
FPT Corp. được thành lập vào năm 1988 và sớm đã bắt đầu cung cấp dịch vụ hỗ trợ cho các doanh nghiệp công nghệ thông tin của Nhật Bản. Tổng doanh thu năm 2023 là 52.618 nghìn tỉ đồng (2,1 tỉ USD), tăng 19,6% so với năm trước và lợi nhuận sau thuế là 7.788 nghìn tỉ đồng, tăng 20,0%. Tính đến cuối năm 2023, vốn hóa thị trường của tập đoàn đã đạt mức 122.044 nghìn tỉ đồng.
Hoạt động kinh doanh cốt lõi của công ty là phát triển phần mềm, song đã mở rộng sang viễn thông, giáo dục và đầu tư. Công ty hiện đang điều hành hàng loạt trung tâm dữ liệu tại Việt Nam. Năm 2023, công ty đã thành lập một đơn vị kinh doanh mới liên quan đến ô tô và đặt mục tiêu trở thành nhà cung cấp sản phẩm và dịch vụ phần mềm đẳng cấp thế giới cho ngành công nghiệp ô tô, với hy vọng lĩnh vực kinh doanh này sẽ trụ cột tăng trưởng tiếp theo của doanh nghiệp.
FPT đã chuyển từ hỗ trợ các nhà cung cấp dịch vụ sang cung cấp dịch vụ CNTT trực tiếp cho khách hàng. Công ty đã mở rộng hoạt động kinh doanh công nghệ quốc tế của mình một cách nhanh chóng, vượt qua mức 1 tỉ USD doanh thu hàng năm từ các dịch vụ CNTT cho các thị trường nước ngoài, bao gồm Nhật Bản, Hoa Kỳ, Châu Âu và các quốc gia Châu Á - Thái Bình Dương khác.
"Đối với các quốc gia mới, chúng tôi bắt đầu bằng các hoạt động M&A (mua bán và sáp nhập), và sau đó chúng tôi mở rộng hoạt động kinh doanh của mình từ công ty mới", ông Tuấn cho biết.
Nhật Bản là thị trường chính của FPT kể từ những ngày đầu thành lập công ty. Năm 2023, Nhật Bản chiếm 38% tổng doanh thu của bộ phận phần mềm. FPT có nhiều khách hàng lớn trong các lĩnh vực khác nhau tại quốc gia này, từ KDDI, Itochu Corp., Panasonic ITS, Takenaka Corp., Fuji Film Healthcare và cả Microsoft Japan. FPT cũng có mạng lưới văn phòng trên toàn Nhật Bản, bao gồm Sapporo, Nagoya, Osaka, Fukuoka và Okinawa.
"Chúng tôi muốn FPT Nhật Bản trở thành công ty đứng thứ 20 tại Nhật Bản, và Nhật Bản sẽ duy trì vị trí số 1 về doanh thu phần mềm của FPT, sẽ đóng góp khoảng 35-50% để giữ tỷ lệ cân bằng với các thị trường khác", ông Tuấn chia sẻ. Được biết, FPT đã mua lại một công ty công nghệ có trụ sở tại Tokyo - NAC, vào tháng 3. Theo đó, công ty này cung cấp dịch vụ tư vấn thị trường, dịch vụ kỹ thuật và tích hợp hệ thống công nghệ để tăng cường hoạt động kinh doanh tại Nhật Bản.
Dân số người Việt Nam tại Nhật Bản đã tăng đáng kể lên 565.000 người, tăng gần tám lần so với một thập kỷ trước. Hầu hết trong số họ là thực tập sinh kỹ thuật , công nhân lành nghề và sinh viên. FPT cũng đã hưởng lợi chính từ chính sự tăng trường này. Hầu hết nhân viên người Việt Nam đều nói tiếng Nhật lưu loát vì hơn một nửa trong số họ đã sống ở Nhật Bản trước khi gia nhập FPT và hầu hết trong số 800 người được cử đi công tác đều học tiếng Nhật.
Thách thức là mức độ nhận diện tên tuổi thấp trong tuyển dụng và tìm kiếm khách hàng mới tại Nhật Bản. Để khắc phục tình trạng này, FPT rất muốn cung cấp các chương trình thực tập cho sinh viên đại học Nhật Bản tại trường đại học FPT để tăng mức độ nhận diện thương hiệu tại quốc gia mặt trời mọc.
So với các công ty Nhật Bản, "nếu làm việc cho FPT, họ có thể phát triển mỗi ngày bằng cách học hỏi từ khách hàng, đồng nghiệp, dự án thực tế và các công nghệ mới nhất của chúng tôi. Đó là triết lý của chúng tôi. Giá trị cốt lõi của FPT là tốc độ; chúng tôi luôn muốn rút ngắn thời gian học tập của nhân viên", ông Tuấn chia sẻ, đồng thời kêu gọi những nhân lực tiềm năng người Nhật gia nhập công ty.
Theo Nikkei Asia