FLC dự phòng 1.145 tỷ đồng cho khoản góp vốn vào Bamboo Airways

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Tại một hội thảo mới đây, ông Trịnh Văn Quyết chia sẻ rằng nỗi lo lớn nhất hiện nay của ông là hàng không và nghỉ dưỡng. Nỗi lo ấy được thể hiện trực quan qua con số dự phòng “khủng” cho khoản góp vốn vào Bamboo Airways mà FLC vừa công bố.
Trụ sở Bamboo Airways trên đường Cầu Giấy, Hà Nội
Trụ sở Bamboo Airways trên đường Cầu Giấy, Hà Nội

Trên báo cáo tài chính riêng đã soát xét bán niên năm 2020, CTCP Tập đoàn FLC (Mã CK: FLC) cho biết đã dành 8.905 tỷ đồng để góp vốn vào 16 công ty con, tăng 1.519 tỷ đồng so với đầu năm.

Bên cạnh đó, tập đoàn của ông Trịnh Văn Quyết cũng phải trích lập dự phòng 1.857 tỷ đồng cho các khoản đầu tư này, tăng 4,2 lần so với đầu năm. Trong đó, khoản góp vốn vào CTCP Hàng không Tre Việt (Bamboo Airways) được FLC trích lập dự phòng nhiều nhất, ở mức 1.145 tỷ đồng.

Bamboo Airways cũng là công ty con được FLC ưu ái dành nhiều nguồn lực với khoản góp vốn 3.586 tỷ đồng tính đến ngày 30/6/2020, cao nhất trong số 16 công ty con và tăng khoảng 1.516 tỷ đồng so với đầu năm.

Tính đến cuối Quý 2/2020, tỷ lệ sở hữu của FLC tại Bamboo Airways tăng nhẹ lên mức 52,35%.

Ngoài Bamboo Airways, FLC cũng phải trích lập dự phòng hàng trăm tỷ đồng đối với Công ty TNHH FLC Sầm Sơn Golf & Resort (278,7 tỷ đồng), CTCP FLC Quy Nhơn Golf & Resort (167,9 tỷ đồng), Công ty TNHH Đầu tư và Phát triển FLC Hạ Long (131,4 tỷ đồng).

Đáng chú ý, số liệu tài chính của Bamboo Airways được soát xét bởi công ty kiểm toán Công ty TNHH Grant Thornton thay vì công ty kiểm toán quen là Công ty TNHH Kiểm toán và Kế toán Hà Nội (CPA Hà Nội) như nhiều công ty khác cùng “hệ sinh thái” của FLC.

Ban lãnh đạo tập đoàn này cũng nhiều lần chia sẻ về kế hoạch niêm yết cổ phiếu BAV của Bamboo Airways trên sàn chứng khoán ngay trong năm 2020. Tuy nhiên, kế hoạch này đã vấp phải trở ngại lớn là đại dịch Covid-19.

Theo báo cáo tài chính hợp nhất, trong 6 tháng đầu năm 2020, mảng dịch vụ của FLC chỉ đem lại 1.921 tỷ đồng doanh thu, trong khi chi phí trực tiếp cao hơn gấp 2 lần, đạt mức 4.403 tỷ đồng. Các lĩnh vực khác như bất động sản và hàng hóa cũng “hụt hơi” về lợi nhuận.

FLC cho biết, trong nửa đầu năm 2020, giá vốn hàng bán (bao gồm chi phí nhân công, thuê tàu bay, nhiên liệu, thuê văn phòng, căn hộ,…) của các mảng kinh doanh hàng không, khách sạn và du lịch tăng tới 40% so với cùng kỳ.

Chi phí tăng cao đã khiến FLC báo lỗ sau thuế hơn 2.790 tỷ đồng. Trong đó, khoản lỗ sau thuế lũy kế 6 tháng đầu năm 2020 của công ty mẹ ở mức 1.582,1 tỷ đồng./.