Thành lập từ tháng 8/2017, CTCP Seedcom (Seedcom) là doanh nghiệp đứng sau chuỗi The Coffee House, KingFood Mart, Scommerce (Giao Hàng Nhanh Express, Giao Hàng Nhanh Logistic), Haravan.
Dữ liệu của VietTimes cho thấy, ngày 29/6/2022, Seedcom đã hoàn tất đợt phát hành 6,27 triệu cổ phiếu cho Ficus Asia Investment Pte. Ltd (Ficus Asia Investment), để tăng vốn điều lệ từ 690,7 tỉ đồng lên mức 753,4 tỉ đồng.
Đây cũng là đợt tăng vốn duy nhất mà Seedcom thực hiện trong nửa đầu năm 2022.
Thương vụ được thực hiện ngay trước ngày 'chốt sổ' báo cáo tài chính quý 2/2022 có thể đã mang lại cho Seedcom khoản thặng dư vốn cổ phần đáng kể. Tính đến ngày 30/6/2022, thặng dư vốn cổ phần của Seedcom đạt 692,3 tỉ đồng, tăng 482,1 tỉ đồng so với đầu năm.
Kết hợp các dữ kiện kể trên, khoản đầu tư của Ficus Asia Investment có thể lên tới 544,9 tỉ đồng, tương đương mức định giá 6.541,1 tỉ đồng cho Seedcom (86.811 đồng/cp).
Ở một góc nhìn khác, thương vụ của Ficus Asia Investment giúp tổng vốn cổ phần và thặng dư vốn cổ phần của Seedcom tăng tới 60,4% so với đầu năm, đạt mức 1.445,7 tỉ đồng (tại ngày 30/6/2022).
Nguồn vốn 'dày' lên giúp Seedcom 'bù đắp' được khoản lỗ luỹ kế lên tới 1.179,3 tỉ đồng mà công ty ghi này ghi nhận trên báo cáo tài chính hợp nhất tại thời điểm 30/6/2022 (tăng 281,8 tỉ đồng so với đầu năm).
Nói cách khác, nếu không tăng vốn 'kịp thời', Seedcom khả năng đã rơi vào tình trạng âm vốn chủ sở hữu. Dù vậy, báo cáo lưu chuyển tiền tệ thể hiện, trong nửa đầu năm 2022, Seedcom không ghi nhận dòng tiền thu từ phát hành cổ phiếu.
Nên biết, Seedcom đã phát hành tổng cộng 250 tỉ đồng trái phiếu trong giai đoạn 2020 – 2021.
Trong đó, như VietTimes từng đề cập, để đảm bảo cho lô trái phiếu 50 tỉ đồng phát hành ngày 31/12/2020, Seedcom đã sử dụng hơn 1,8 triệu cổ phần của CTCP Thương mại Dịch vụ Cà phê VN (The Coffee House) làm tài sản bảo đảm.
Hạt Giống, Seedcom Group và Ficus Asia Investment
Từng thu hút được nhiều sự quan tâm khi nhận được khoản đầu tư 50 triệu USD từ eWTP do Alibaba hậu thuẫn, Ficus Asia Investment không phải là cái tên xa lạ đối với Seedcom và giới chủ của doanh nghiệp này.
Quỹ đầu tư này được sáng lập bởi ông Đinh Anh Huân (SN 1980) – một trong những thành viên sáng lập của Thế Giới Di Động (Mã CK: MWG). Năm 2014, sau khi MWG IPO, ông Huân đã bán ra toàn bộ số cổ phiếu nắm giữ và được cho là đã thu về hàng trăm tỉ đồng từ thương vụ này.
"Không còn phải lo lắng về vấn đề tài chính, nhà sáng lập sinh năm 1980 quyết định rời Thế Giới Di Động để theo đuổi những điều mà mình muốn làm từ lâu. Đó cũng là thời điểm Seedcom ra đời – với từ Seed mang nghĩa là “hạt giống” trong tiếng Anh", một tờ báo viết.
Ông Huân từng khẳng định rằng, Seedcom không phải là quỹ đầu tư mà là một công ty cổ phần, phát triển theo mô hình 'new retail', cụ thể là xây dựng hệ thống công nghệ để cung cấp trải nghiệm tốt nhất cho khách hàng.
Ông Đinh Anh Huân - nhà sáng lập Seedcom và Ficus Asia Investment |
Dữ liệu của VietTimes cho thấy, Seedcom ban đầu đăng ký ngành nghề kinh doanh chính là hoạt động tư vấn quản lý, với quy mô vốn điều lệ 58 tỉ đồng.
Cơ cấu cổ đông sáng lập của công ty này bao gồm: ông Lê Quang Hưng (góp 55,9 tỉ đồng, chiếm 96,513% vốn điều lệ); ông Nguyễn Duy Linh (góp 1,3 tỉ đồng; nắm giữ 2,385% VĐL); và ông Mai Hoàng Phương (góp 0,6 tỉ đồng; nắm giữ 1,102% VĐL).
Đến tháng 10/2017, 99,99% cổ phần Seedcom được chuyển nhượng cho Ficus Asia Investment. Quỹ đầu tư này trực tiếp nắm chi phối ở Seedcom tới tháng 6/2020, trước khi nhượng lại toàn bộ cổ phần cho CTCP Seedcom Group (Seedcom Group).
Đây khả năng chỉ là động thái tái cơ cấu khoản đầu tư của giới chủ Seedcom.
Bởi lẽ, từ tháng 5/2020, Ficus Asia Investment đã trở thành công ty mẹ, nắm giữ tới 99% cổ phần Seedcom Group. Và như VietTimes đề cập ở đầu bài viết, Ficus Asia Investment đã 'tái xuất' tại Seedcom vào cuối tháng 6/2022.
Nhắc tới 'hệ sinh thái' của ông Đinh Anh Huân, khó có thể bỏ qua CTCP Hạt giống (Seed Corp) – pháp nhân được thành lập từ tháng 3/2014.
Đến tháng 5/2022, Seed Corp bất ngờ công bố giải thể với lý do hoạt động kinh doanh không hiệu quả./.