|
Trụ sở FED ở thủ đô Washington, Mỹ. Ảnh: AFP/TTXVN |
Theo các nhà phân tích, sở dĩ giới quan chức FED vẫn băn khoăn về quyết sách trên là do lo ngại về “sức khỏe” nền kinh tế toàn cầu cũng như khả năng xảy ra Brexit – thuật ngữ chỉ việc Anh rời Liên minh châu Âu (EU).
Bên cạnh đó, FED cũng cần thêm thời gian để chắc chắn rằng nền kinh tế Mỹ đã “bứt” khỏi tình hình tăng trưởng ảm đạm trong ba tháng vừa qua.
Hiện các chuyên gia kinh tế Mỹ vẫn chưa chắc chắn liệu nền kinh tế lớn nhất thế giới này đã đủ khỏe để “miễn nhiễm” với sự rung lắc của thị trường tài chính toàn cầu cũng như tình trạng giảm tốc của các nền kinh tế khác trên thế giới, khi mới đây, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đã đồng loạt hạ dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu cũng như kinh tế Mỹ do lo ngại về các cú sốc từ bên ngoài, bao gồm xung đột trong khu vực cũng như khả năng Anh rời EU.
Biên bản phiên họp mới nhất vào ngày 15-16/3 của FED cho thấy FED nhìn chung vẫn quan ngại về khả năng kinh tế toàn cầu tăng trưởng chậm lại sẽ tác động đến kinh tế Mỹ và dự kiến sẽ có hai lần tăng lãi suất trong năm nay (thay vì bốn lần như kế hoạch trước đó).
Cũng theo biên bản cuộc họp, hầu hết trong số 17 quan chức FED tham gia cuộc họp hài lòng với đà tăng trưởng của kinh tế Mỹ, cho rằng nền kinh tế sẽ tăng trưởng với nhịp độ vừa phải trong trung hạn, với chính sách tiền tệ được thắt chặt từ từ.
Tuy nhiên, nhìn chung các quan chức thấy rằng tình hình kinh tế và tài chính toàn cầu tiếp tục là yếu tố rủi ro đối với triển vọng kinh tế và thị trường việc làm của Mỹ.
Một số người đã nhắc tới sự biến động đầu năm nay trên các thị trường tài chính toàn cầu và cho rằng những căn nguyên của nó vẫn còn tồn tại. Các nhà hoạch định chính sách của FED cũng quan ngại về tình trạng đầu tư kinh doanh trong nước chậm và các kế hoạch chi tiêu vốn hạn hẹp của các doanh nghiệp.
Theo TTXVN