Fed có thể sẽ tăng lãi suất từ tháng 3/2022

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Fed có thể sẽ sớm tăng lãi suất sau kỳ họp vào tháng 3/2022. Động thái này có thể khiến đà phục hồi của nền kinh tế châu Á chững lại, theo IMF.
Ông Jerome Powell - Chủ tịch Cục dự trữ liên bang Mỹ (Ảnh: Reuters)
Ông Jerome Powell - Chủ tịch Cục dự trữ liên bang Mỹ (Ảnh: Reuters)

Kết thúc cuộc họp chính sách trong các ngày 25 và 26/1, Ủy ban Thị trường Mở Liên bang (FOMC) – cơ quan lập chính sách của Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) - đã phát đi thông báo cho biết sẽ giữ nguyên mức lãi suất từ 0-0,25% như dự đoán của thị trường.

Thông báo của FOMC không nêu mốc thời gian cụ thể nhưng các dấu hiệu cho thấy họ có thể sớm tăng lãi suất như một phần của việc thắt chặt chính sách tiền tệ. Đây sẽ lần tăng lãi suất đầu tiên của Fed kể từ tháng 12/2018.

Đáng chú ý, tuyên bố đã được FOMC thông qua mà không có bất đồng quan điểm.

Chủ tịch Jerome Powell nói thêm rằng Fed có thể đi theo con đường tích cực.

“Tôi nghĩ rằng có khá nhiều dư địa để tăng lãi suất mà không đe dọa thị trường lao động”, tờ CNBC dẫn lời ông Powell nói tại cuộc họp báo sau cuộc họp. Sau tuyên bố của ông Powell, thị trường chứng khoán đảo chiều theo hướng tiêu cực.

Tuyên bố được FOMC đưa ra nhằm phản ứng lại tình trạng lạm phát ở Mỹ đang ở mức cao nhất trong gần 40 năm qua. Mặc dù động thái nâng lãi suất đã được thông báo rõ ràng trong vài tuần qua, nhưng thị trường trong những ngày gần đây đã biến động đáng kể khi các nhà đầu tư lo ngại rằng Fed có thể thắt chặt chính sách nhanh hơn dự kiến.

Tác động tới nền kinh tế châu Á

Tờ CNBC cũng dẫn lời một chuyên gia của Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) cho rằng động thái tăng lãi suất và thắt chặt tiền tệ của Fed có thể sẽ cản trở sự phục hồi kinh tế ở khu vực châu Á, dù nhiều nước ở khu vực này có mức thặng dư tài khoản vãng lai và dự trữ cao hơn nhiều so với năm 2013.

Ông Changyong Rhee, Giám đốc bộ phận châu Á và Thái Bình Dương của IMF, cảnh báo gánh nặng nợ cao hơn trước đang là vấn đề đối với khu vực này.

“Nhìn chung, khối nợ đã tăng lên khá nhiều sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu. Vào năm 2007, châu Á chiếm khoảng 27% tổng số nợ toàn cầu. Tới năm 2021, châu Á chiếm gần 40% nợ toàn cầu”, vị này nói với CNBC“ Squawk Box Asia ”.

Năm 2013, Fed đã bắt đầu quá trình ‘taper tantrum’ khi bắt đầu ngừng chương trình mua tài sản của mình. Các nhà đầu tư hoảng loạn và điều này đã gây ra một đợt bán tháo trái phiếu, khiến lợi suất trái phiếu kho bạc tăng đột biến.

Hệ quả, dòng vốn đã chảy ra mạnh ở các thị trường mới nổi ở châu Á và khiến đồng tiền mất giá vào thời điểm đó, buộc các ngân hàng trung ương trong khu vực phải tăng lãi suất để bảo vệ tài khoản vốn (capital accounts).

Lần này, lãi suất cao hơn của Fed “có thể không gây ra cú sốc lớn cho thị trường tài chính, nhưng chúng chắc chắn có thể làm chậm sự phục hồi và tăng trưởng của châu Á”, ông Rhee nói thêm./.

Nguồn tham khảo:

https://www.cnbc.com/2022/01/26/fed-decision-january-2022-.html

https://www.cnbc.com/2022/01/26/imf-feds-move-to-hike-interest-rates-will-slow-down-asias-recovery-.html