Thị trường phản ứng với… tin cũ
Ngày 5-1-2022, Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) công bố biên bản cuộc họp chính sách tiền tệ đã diễn ra vào ngày 14 và 15-12-2021. Biên bản họp cho thấy Fed “diều hâu” hơn thị trường nghĩ. Hồi giữa tháng 12, ngay sau cuộc họp, thị trường chỉ biến động ít sau khi Fed công bố sẽ đẩy nhanh tiến trình “khóa van” bơm tiền ra thị trường, chấm dứt việc mua trái phiếu ngay trong quí 1-2022 và đa số các thành viên thị trường cũng cho thấy quan điểm Fed sẽ cần phải tăng lãi suất ba lần trong năm 2022.
Ở thời điểm đó, người ta hình dung phản ứng của thị trường là tương đối bình tĩnh, thậm chí lợi suất trái phiếu 10 năm còn giảm lại xuống dưới 1,5% ngay trước ngày giao dịch cuối cùng trước kỳ nghỉ Giáng sinh. Có trang tin tài chính còn chế giễu rằng thị trường không tin rằng Fed có thể làm được việc mà hội đồng tiền tệ (FOMC) muốn làm.
Theo thông lệ, biên bản của cuộc họp chính sách tiền tệ sẽ được công bố vài tuần sau đó. Và ngày 5-1, khi biên bản họp này được công bố, nhiều thành viên thị trường nhận ra họ đã đánh giá thấp độ “diều hâu” của các nhà hoạch định chính sách.
Khi biên bản cuộc họp được công bố, lợi suất trái phiếu tăng mạnh từ dưới 1,5% lên hẳn 1,7%. Khi công bố biên bản cuộc họp, lợi nhuận của các trái phiếu đã giảm hơn 4,2%, mức giảm trong một tuần tệ nhất trong vòng 42 năm qua, trong khi trái phiếu kỳ hạn 30 năm đã giảm 9,35%, mạnh nhất trong gần 50 năm (lợi suất tăng thì giá trái phiếu giảm).
Nhiều quỹ đầu tư trái phiếu chưa kịp “bán hàng” chắc chắn đang thua lỗ mạnh và một số tin đồn trên thị trường cho rằng một vài nhà đầu tư lớn đang buộc một số quỹ đóng vai trò trung gian phải mua lại số trái phiếu xếp hạng “rác” (junk bond) đã bán cho họ. Các cổ phiếu công nghệ của Mỹ cũng giảm giá mạnh kể từ khi công bố báo cáo. So với giai đoạn đỉnh cao của chỉ số Nasdaq vào tháng 11-2021, thì chỉ số này đã giảm 9%, trong khi nhiều cổ phiếu công nghệ từng rất “nóng” đã giảm hơn 60%.
Thực tế thì với những người quan sát và phân tích kỹ thông tin sau cuộc họp FOMC, biên bản không cho thấy nhiều thông tin khác biệt. Brian Nick, chiến lược gia trưởng của Nuveen, cho rằng “tôi không nghĩ là có gì khác biệt với điều chúng ta đã biết, hay họ đã trở nên diều hâu hơn. Tôi nghĩ rằng có thể nhà đầu tư vào thời điểm đầu năm mới đã chú ý kỹ hơn với thông tin này”.
Nói cách khác, những chuyện như Fed không bơm tiền mua trái phiếu nữa, giảm quy mô bảng cân đối, rồi tăng lãi suất ba lần trong năm 2022 thì đều đã được đưa tin từ giữa tháng 12 năm ngoái rồi, vì sao bây giờ thị trường mới phản ứng?
Do tâm lý!
Có ba nguyên nhân chính cho vấn đề này. Thứ nhất, kiểu tâm lý chờ đợi chưa muốn cắt lỗ từ tháng 12. Một số quỹ đầu tư phòng hộ đã đặt cược sai khi Fed công bố ba lần tăng lãi suất sau cuộc họp, nhưng vì thị trường phản ứng không quá mạnh, nên các nhà đầu tư này tiếp tục giữ vị thế, hy vọng gỡ gạc lại ở mấy tháng đầu năm rồi rút lui. Nay thị trường phản ứng trở lại với thông tin này thì họ buộc phải đóng vị thế chấp nhận cắt lỗ.
Lý do thứ hai, quan trọng hơn, là tâm lý bi quan với dòng cổ phiếu công nghệ có sẵn từ cuối năm 2021. Hầu như rất ít nhà đầu tư lạc quan với triển vọng cổ phiếu ngành công nghệ trong các nhận định về triển vọng thị trường nửa đầu năm 2022. Hãng tin Bloomberg đã nhận định “tâm lý bi quan được khuếch đại sau khi biên bản họp tháng 12 của Fed được công bố”.
Như vậy vấn đề không phải là tin tức là mới với nhà đầu tư, mà là khi tâm lý đã chực chờ muốn bán cổ phiếu công nghệ nhưng “còn tiếc”, thì biên bản họp của Fed chỉ là chất xúc tác mà thôi. Khi một người ở vị trí sắp rơi xuống lầu, đẩy nhẹ một cái là sẽ rơi. Biên bản họp khẳng định quan điểm “diều hâu” cộng với mức tăng mạnh của lợi suất trái phiếu chính là chất xúc tác này.
Lý do thứ ba, là do kỳ vọng về hồi phục của nền kinh tế trong năm 2022 có vẻ sẽ suôn sẻ hơn dự đoán từ cuối quí 3 tạo ra kỳ vọng về dòng cổ phiếu “mở cửa nền kinh tế” như bán lẻ, nhà hàng, hàng không và ngân hàng. Một số cổ phiếu bán lẻ công bố số liệu kém hơn dự đoán nhưng vẫn tăng mạnh như Bed Bath & Beyond là một ví dụ. Nhà đầu tư quay vòng tiền sang dòng cổ phiếu mở cửa cũng góp phần rút tiền ra khỏi dòng cổ phiếu công nghệ, mà trong đó có nhiều trụ cột của các chỉ số chứng khoán Mỹ.
Điều thú vị là có một số nhà đầu tư nhỏ lẻ vẫn cứ tưởng rằng đầu năm 2022 thì Fed lại họp, nhưng thực tế là người ta chỉ lấy một cái biên bản họp đã diễn ra từ giữa tháng 12-2021 và “bỏ lên mạng Internet”. Thế là đợt bán tháo cổ phiếu và trái phiếu Mỹ đã bắt đầu.
Liệu thị trường cổ phiếu sẽ xấu khi Fed tăng lãi suất?
Tôi không nghĩ như vậy.
Cho dù là với ba đợt tăng lãi suất, hay thậm chí bốn đợt tăng lãi suất như Goldman Sachs vừa dự đoán, thì lãi suất của Mỹ vẫn sẽ ở mức thấp kỷ lục trong lịch sử. Nhà đầu tư vẫn sẽ phải tìm nơi sinh lợi tốt hơn cho tiền của mình trong bối cảnh lãi suất thấp kỷ lục đó. Và cổ phiếu vẫn sẽ là kênh sinh lợi tốt hơn, đặc biệt là khi trái phiếu đã giảm giá rất mạnh.
Một ví dụ điển hình là nhiều cổ phiếu ngành tài chính của Mỹ vẫn đang tăng giá tốt từ đầu năm, bên cạnh một số cổ phiếu đại diện cho dòng cổ phiếu “phục hận” sau dịch Covid-19 như hàng không và bán lẻ.
Trong quá khứ, không phải cứ lãi suất tăng là cổ phiếu sẽ mất giá. Strategas Securities vừa công bố phân tích cho thấy trong ba thập kỷ qua, trong chu kỳ tăng lãi suất của Fed, giá cổ phiếu vẫn đi lên. Thú vị là dòng cổ phiếu công nghệ vẫn tăng giá mạnh. Vấn đề là khi lãi suất chỉ mới vừa tăng, lựa chọn của nhà đầu tư không có nhiều, vì lãi suất trong nền kinh tế vẫn thấp. Giá cổ phiếu công nghệ càng giảm mạnh trong giai đoạn ban đầu thì càng tăng mạnh về sau, vì đây vẫn làm nhóm dẫn đầu về tăng trưởng tỷ suất lợi nhuận.
Điều quan trọng là mặc dù Fed tăng lãi suất, thanh khoản trong nền kinh tế sẽ vẫn dồi dào do “của để dành” của hệ thống tài chính tích lũy trong suốt thời gian bơm thanh khoản vừa qua vẫn quanh quẩn trong hệ thống.
Đoạn cuối của chu kỳ tiền rẻ nhất đang kết thúc, nhưng lãi suất vẫn sẽ ở trong giai đoạn thấp nhất lịch sử. Cổ phiếu vẫn sẽ hút tiền vì không có nhiều sự lựa chọn. Tuy nhiên, tỷ suất sinh lợi có thể không còn cao nhưng năm 2021, vì dòng tiền mới không thể tăng mạnh một cách bất thường như vậy nữa. Nếu cuộc sống hậu Covid-19 dần về bình thường, thì năm 2022 cũng sẽ là năm thị trường tài chính bắt đầu trở lại bình thường.
(*) Giảng viên Đại học Bristol, Anh
Theo TBKTSG