Rạng sáng thứ 5 (21/3 - theo giờ Việt Nam), Cục dự trữ liên bang Mỹ - Fed đã ra quyết định giữ nguyên lãi suất cho vay, đồng thời thông báo sẽ không nâng lãi suất trong năm 2019.
Sau 2 ngày họp liên tiếp, FED đã chính thức ra thông cáo báo chí, nêu rõ sẽ không tăng lãi suất và tiếp tục duy trì mức lãi suất cho vay ở mức 2.25%-2.5%. Đây là tin vui cho nền kinh tế thế giới nói chung, sau những lần Cục dự trữ liên bang Mỹ đều đặn tăng lãi suất kể từ năm 2015.
Trong bối cảnh các các nền kinh tế thế giới tăng trưởng chậm, cũng như không thấy rõ áp lực về lạm phát, FOMC (cơ quan tạo lập chính sách tiền tệ của Fed) đã phát tín hiệu cho biết sẽ “kiên nhẫn” trước các kế hoạch tăng lãi suất, và sẽ cân nhắc kỹ các yếu. tố trong tương lai để phù hợp hỗ trợ cho sự tăng trưởng.
Đi đôi với việc tạm dừng tăng lãi suất, FED cũng hạ thấp những dự báo của mình về tình hình kinh tế Mỹ. Hồi tháng 12/2018, Fed dự đoán tốc độ tăng trưởng kinh tế Mỹ trong năm 2019 là 2,3%, tuy nhiên, Cục Dự trữ Liên bang đã hạ mức dự đoán này xuống còn 2,1% sau 2 ngày họp vừa qua. Fed cũng hạ dự báo về lạm phát trong năm 2019 từ 1,9 % xuống 1,8%, nâng dự báo về tỷ lệ thất nghiệp lên 3,7% so với 3,5%.
Cũng tại cuộc họp vừa qua, Fed đã tuyên bố chấm dứt chương trình cắt giảm số dư trên bảng cân đối kế toán.
Fed đã bắt đầu giảm bớt số dư trên bảng cân đối kế toán từ tháng 10/2017 bằng cách thoái vốn ở một mức nhất định mỗi tháng và tái đầu tư khoản còn lại. Đây cũng là một trong những hành động của FED nhằm gỡ bỏ chính sách thắt chặt tiền tệ vốn đã được thực hiện trong suốt 3 năm qua.
Động thái tạm dừng tăng lãi suất của Fed được cho là tin vui đối với các nền kinh tế mới nổi, đặc biệt là đối với các quốc gia có những khoản vay USD hay phụ thuộc lớn vào xuất khẩu các mặt hàng cơ bản như dầu, kim loại, nông sản.
Sở dĩ như vậy là bởi nếu Fed tiếp tục tăng lãi suất sẽ khiến đồng USD trở nên mạnh hơn, từ đó những khoản nợ bằng USD của các công ty và chính phủ trở nên nặng nề và khó trả. Về phía các quốc gia phụ thuộc lớn vào việc xuất khẩu các mặt hàng cơ bản như kim loại, dầu, nông sản, những mặt hàng này chủ yếu được định giá bằng đồng USD, nên áp lực từ việc đồng USD tăng giá sẽ khiến những mặt hàng này bị định giá thấp hơn.
Việc FED giảm lãi suất cũng là cơ hội để các quốc gia đang phát triển và mới nổi thu hút dòng vốn đầu tư từ các nhà đầu tư ngoại. Những dòng vốn đầu tư mà vốn đã tháo chạy khỏi những nền kinh tế mới nổi và chảy ngược về Mỹ sau những đợt tăng lãi suất và thắt chặt thanh khoản của FED trong thời gian qua.
Động thái tạm dừng tăng lãi suất của FED cũng là tin vui cho các doanh nghiệp vay USD của Việt Nam. Theo lý thuyết, khi lãi suất cơ bản của đồng USD tại Mỹ được điều chỉnh tăng thì lãi suất đồng USD ở các thị trường khác trên thế giới cũng khó đứng yên, đồng nghĩa với việc các doanh nghiệp sẽ phải chịu chi phí tài chính tăng nếu đồng USD tiếp tục mạnh lên.
Ngoài ra việc Fed không tăng lãi suất cũng sẽ là tin vui cho đồng nhân dân tệ, mà đồng tiền này lại có tác động rất lớn đến đồng Việt Nam, bởi mối quan hệ xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và Trung Quốc./.