Facebook, TikTok, Instagram đang "bóp chết" các kênh mua sắm truyền thống

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Các trang web mua sắm sẽ dần bị cho vào quên lãng bởi sự nhàm chán mà nó tạo ra.
Facebook, TikTok, Instagram đang "bóp chết" các kênh mua sắm truyền thống (Ảnh: Business Insider)
Facebook, TikTok, Instagram đang "bóp chết" các kênh mua sắm truyền thống (Ảnh: Business Insider)

Mua sắm trên mạng xã hội dự kiến sẽ bùng nổ phổ biến trong vài năm tới và nó có thể mở ra con đường mới cho các doanh nghiệp nhỏ hơn.

Theo một báo cáo mới từ tập đoàn tư vấn Accenture, thương mại trên mạng xã hội ước tính sẽ tăng trưởng nhanh hơn gấp ba lần so với thương mại điện tử truyền thống trong bốn năm tới.

Theo Accenture, thương mại trên mạng xã hội ước tính sẽ trở thành thị trường toàn cầu trị giá 1,2 nghìn tỉ USD vào năm 2025, chiếm 16,7% tổng chi tiêu cho thương mại điện tử.

Thương mại trên mạng xã hội bao gồm mọi thứ, từ việc mua sắm trên các trang Facebook hoặc Instagram của các nhãn hàng, trang cả nhân của người nổi tiếng hay thậm chí là mua sắm qua các video livestream. Theo Accenture, không giống như mua sắm thương mại điện tử truyền thống, thương mại mạng xã hội là một sân chơi cân bằng giữa những gã khổng lồ như Amazon và các thương hiệu nhỏ hơn vì nó giúp cho các doanh nghiệp nhỏ dễ dàng tiếp cận với nhiều khách hàng hơn.

Livestream bán hàng đang trở thành trào lưu trong những năm gần đây (Ảnh: Bigo)

Livestream bán hàng đang trở thành trào lưu trong những năm gần đây (Ảnh: Bigo)

Các chuyên gia của Accenture viết trong báo cáo: “Bất kỳ thương hiệu nào, dù lớn hay nhỏ, đều có thể bán hàng qua mạng xã hội. Bất kỳ cá nhân nào cũng có thể trở thành hay tạo ra một thương hiệu riêng và trực tiếp tiếp cận thị trường. Điều này có tác động tích cực lớn đối với các doanh nghiệp, doanh nhân nhỏ lẻ vì họ được tiếp cận thị trường tiềm năng khổng lồ, vốn không có sẵn trước đó”.

Cuộc khảo sát của Accenture với hơn 10.000 người dùng mạng xã hội toàn cầu cho thấy 59% trong số này có khả năng mua hàng từ các thương hiệu nhỏ hơn khi mua sắm trên mạng xã hội hơn là khi mua sắm qua các kênh thương mại truyền thống. Gần một nửa số người được hỏi (44%) cho biết học có nhiều khả năng mua một thương hiệu mà họ chưa từng nghe đến qua các kênh thương mại trên mạng xã hội.

Báo cáo của Accenture cho biết thuật toán đang thay đổi đáng kể. Thay vì chỉ có một số ít nhà bán lẻ và thương hiệu lớn bán cho hàng triệu người tiêu dùng, chúng ta hiện đang chứng kiến hàng triệu cá nhân và doanh nghiệp nhỏ bán hàng cho người khác thông qua hệ sinh thái thương mại mạng xã hội. Do đó, các thương hiệu lớn tiếp tục đối mặt với cạnh tranh ngày một tăng từ hàng ngàn doanh nghiệp nhỏ.

Trung Quốc hiện là thị trường phát triển nhất trong lĩnh vực thương mại mạng xã hội khi xét trên quy mô và mức độ tăng trưởng. Accenture kỳ vọng các thị trường đang phát triển như Ấn Độ và Brazil sẽ chứng kiến sự tăng trưởng mạnh nhất ở thị trường này trong vài năm tới.

Xu hướng mua sắm trên các phương tiện truyền thông xã hội đã phát triển mạnh mẽ trong thời kỳ đại dịch vì ngày càng có nhiều người tiêu dùng bị "mắc kẹt" ở nhà và không thể đi đến các cửa hàng truyền thống. Các chuyên gia nói rằng thương mại trên mạng xã hội được kỳ vọng sẽ trở thành nền tảng mới trong lĩnh vực mua sắm kỹ thuật số.

"Thương mại trên mạng xã hội sẽ trở thành trung tâm mua sắm thế hệ tiếp theo", Rob Garf, Phó Chủ tịch tại bộ phận Bán lẻ và hàng hóa tiêu dùng của Salesforce chia sẻ. “Đừng bỏ qua nó”, ông nhắn nhủ trong một sự kiện được tổ chức vào tháng 11 năm 2020.

Trong một cuộc trò chuyện với Insider vào tháng 5 năm 2021, Suketu Gandhi, một đối tác của công ty tư vấn quản lý Kearney, nói rằng nhu cầu về trải nghiệm mua sắm trực tuyến mang tính tương tác và cá nhân hơn đang thúc đẩy sự thay đổi. "Các trang web mua sắm sẽ dần bị cho vào quên lãng bởi sự nhàm chán mà nó tạo ra. Nó cần phải có một nền tảng thay thế", Suketu Gandhi chia sẻ.

Theo Business Insider