Chia sẻ tại buổi tọa đàm, ông Nguyễn Quốc Dũng (Trưởng ban Kinh doanh của EVN) cho biết mức sử dụng điện bình quân của người dân tăng lên qua từng năm, nếu như trong năm 2016 mức sử dụng điện bình quân là 105 kWh/tháng thì nay đã tăng lên 189 kWh/tháng.
Ông Dũng cho biết nguyên nhân chủ yếu là do thu nhập người dân tăng lên, dùng nhiều thiết bị điện hơn. Tuy nhiên, các quốc gia càng giàu, họ càng tiết kiệm điện.
“Gần như tất cả các nước đều áp dụng giá điện bậc thang. Biểu giá điện bậc thang có mục tiêu rõ ràng, là khuyến khích việc tiết kiệm điện. Việc áp dụng biểu giá điện bậc thang, người dùng ít điện sẽ trả ít điện hơn” – ông Dũng nói.
Cũng theo đại diện của EVN, nếu hướng tới việc tiết kiệm điện, giúp đỡ người nghèo thì phải tiếp tục áp dụng giá điện bậc thang.
Theo số liệu được đại diện EVN công bố tại buổi tọa đàm, hầu hết các tháng trong năm 2020 đều có sản lượng điện tiêu thụ tăng mạnh so với năm 2019, đặc biệt là trong giai đoạn nắng nóng đỉnh điểm vừa qua.
Ông Nguyễn Quốc Dũng cho biết, theo quy luật hàng năm, tới tháng 7 mới là thời gian lượng điện tiêu thụ lớn nhất. Tuy nhiên, ngay từ tháng 6/2020, sản lượng điện tiêu thụ đã ở mức rất cao.
Ông Nguyễn Quốc Dũng – Trưởng ban Kinh doanh của EVN (Ảnh: HB)
|
Theo đó, sản lượng điện thương phẩm tiêu thụ trong tháng 6/2020 đạt 19,76 tỷ kWh, tăng 4,14% so với tháng 6/2019 và tăng 12,19% so với tháng 5/2020.
Trong đó, sản lượng điện cấp cho công nghiệp và kinh doanh dịch vụ lại có phần suy giảm so với cùng kỳ. Song, sản lượng điện sinh hoạt lại có sự gia tăng đáng kể.
Cụ thể, sản lượng điện cấp cho quản lý tiêu dùng trong tháng 6/2020 đạt 6.290 triệu kWh, tăng 12,84% so với cùng kỳ và tăng 18,1% so với tháng trước. Khu vực miền Bắc có sản lượng tiêu thụ điện tăng trưởng mạnh nhất với mức tăng 15,49% so với năm trước, tiếp đến là khu vực miền Trung với mức tăng 11,44% so với cùng kỳ năm trước.
Riêng khu vực miền Nam lại có sản lượng điện tiêu dùng giảm nhẹ. Theo lý giải của EVN, khu vực miền Nam đã bước vào mùa mưa nên điện năng tiêu thụ đã giảm nhẹ.
Toàn EVN có 28,5 triệu công tơ bán điện, bao gồm: 15,4 triệu công tơ điện tử, 13,5 triệu công tơ đo xa, 0,65 triệu công tơ được ghi chỉ số bằng hình thức chụp ảnh.
Nếu lượng điện tiêu thụ trong tháng mà vượt ngưỡng 30% thì hệ thống sẽ phát cảnh báo, EVN sẽ thực hiện phúc tra việc ghi chỉ số công tơ.
Còn theo đại diện EVN Hà Nội, trong tháng 6 và tháng 7/2020, tỷ trọng số lượng khách hàng dùng trên 1.000 kWh, tăng từ 1,06% của tháng 5 lên 4,71% của tháng 6 và tháng 7 tăng lên 6,58%.
Ông Nguyễn Mạnh Hùng – Chủ tịch Hiệp hội bảo vệ người tiêu dùng - cho biết người tiêu dùng có một số phản ánh, thắc mắc.
“Công tơ có được kiểm định, kiểm tra theo quy định không? Nhiệt độ ngoài trời có gây ảnh hưởng sai lệch chỉ số hay không? Có nên đấu 1 công tơ song song với công tơ của ngành điện để đối chứng hay không? Tại sao người dùng nhiều điện phải chịu mức giá cao hơn? Tại sao không dùng điện 1 giá mà lại dùng bậc thang? Sao không áp dụng giá sử dụng cao hơn tại thời điểm cao điểm và thấp hơn ở thời điểm thấp điểm?” – ông Nguyễn Mạnh Hùng nêu những phản ánh phổ biến của người tiêu dùng.
Đối với các trường hợp phản ánh giá điện tăng cao bất thường, đại diện hiệp hội cho biết đã tiến hành kiểm tra cùng EVN.
Theo số liệu được EVN công bố tại buổi tọa đàm, trong tháng 6/2020, số yêu cầu của khách hàng liên quan đến hóa đơn tiền điện là 63.441 chiếm 5% tổng số yêu cầu.
Trong đó, số yêu cầu khách hàng phản ánh đúng là 419 trường hợp, chiếm tỷ lệ 0,66% số yêu cầu liên quan tiền điện và 0,033% của tổng số yêu cầu.
Mời quý độc giả xem trực tiếp diễn biến buổi tọa đàm tại đây: