EVN bị phản đối tới tấp vì tự làm giá điện

Sáng 22-9, Tập đoàn Điện lực VN (EVN) chính thức xin ý kiến các chuyên gia về biểu giá điện bán lẻ mới được công bố với ba phương án đề xuất. Nhiều ý kiến băn khoăn về cách cải tiến của ngành điện…
Ông Nguyễn Đình Cung nói ông ngạc nhiên khi EVN đứng ra làm hội thảo về biểu giá và cho rằng cần tăng tính cạnh tranh trong ngành điện - Ảnh: Việt Dũng
Ông Nguyễn Đình Cung nói ông ngạc nhiên khi EVN đứng ra làm hội thảo về biểu giá và cho rằng cần tăng tính cạnh tranh trong ngành điện - Ảnh: Việt Dũng

EVN không thực sự minh bạch

Ông Nguyễn Tiến Thỏa - nguyên cục trưởng Cục Quản lý Giá, Bộ Tài chính, đại diện Công ty tư vấn cho EVN xây dựng ba phương án biểu giá điện vừa qua - cho rằng lý do cần cải tiến biểu giá cũ là vì cơ cấu biểu giá điện hiện tại không còn phù hợp.

Ông Thỏa nhấn mạnh về lâu dài phải cải tiến cả biểu giá điện sinh hoạt, điện sản xuất, điện kinh doanh… Nhưng trước mắt cần cải tiến biểu bán lẻ điện sinh hoạt, bởi có rất nhiều ý kiến cho rằng biểu giá điện cần hợp lý hơn.

Biểu giá điện hiện hành gồm 6 bậc, có nhược điểm, có nhiều khó khăn trong quản lý, ghi chỉ số công tơ. Người tiêu dùng cũng rất khó theo dõi.

Theo ông Thỏa, khi xây dựng biểu giá ở VN, công ty tư vấn đã xem xét cách tính của các nước thế nào, xem cách làm của VN có “trái khoáy” không. Theo đó, các nước đều có nét riêng nhưng có điểm chung là đều phân biệt điện theo mục đích sử dụng: điện sinh hoạt, điện công nghiệp... ; Hàn Quốc 6 bậc, Hong Kong 7 bậc, Malaysia 5 bậc…

Phát biểu góp ý, chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long cho rằng ngành điện có “nhiều vấn đề”. Mỗi lần tăng giá, từ 2009 đến nay, đều không tạo được đồng thuận. Có lý do người tiêu dùng không muốn giá tăng, nhưng cũng có lý do EVN không thực sự minh bạch.

Với biểu giá mới, ông Long hỏi biểu giá cũ đã gây bức xúc, EVN lại đưa tiếp làm phương án một liệu có phải bảo thủ?

Cần xem lại thẩm quyền của EVN

Theo ông Long, biểu giá mới cần tìm gốc gác vấn đề trong biểu giá cũ để điều chỉnh nhằm đảm  bảo hài hòa nhà nước, doanh nghiệp và người dân. Bởi thực chất người dân dùng nhiều điện thì nhà nước đã thu được thuế VAT nhiều hơn.   

Vậy nên cải cách thế nào? Theo ông Long, VN là nước nghèo, phân tầng xã hội lớn. Nên công cụ giá phải phân ra, để người dân có thể dùng được theo đúng thực trạng của họ.

Cho rằng trong 6 bậc hiện nay, thì hai bậc đầu chỉ giảm khoảng 5% so với giá bình quân. Mức giá này chỉ không có lãi, trong khi các bậc sau, có cái tăng khoảng 50% so với giá bình quân.

Với cơ chế này, ông Long nghi ngờ sẽ vi phạm mức giá bình quân điện sinh hoạt 1.747 đồng/kwh. Cho rằng đời sống đã nâng lên, vì vậy nên để các bậc thang giãn ra nhiều hơn. Bậc giá tăng 1,5 lần chỉ nên áp dụng cho người dùng trên 600kwh/tháng….  

Ông Nguyễn Đình Cung - viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế trung ương - thì nói thẳng không hiểu biểu giá điện, không hiểu sao EVN đưa ra được các con số biểu giá.

Vấn đề, theo ông Cung, là phải tăng tính thị trường, chứ hiện tại cả khía cạnh về thể chế và kỹ thuật đều chưa thấy cách giải quyết để tiến đến thị trường cạnh tranh. Vì thế đến năm 2021-2022 VN sẽ có thị trường bán lẻ cạnh tranh theo lộ trình Bộ Công thương đưa ra.

Đặc biệt, ông Cung nói ông ngạc nhiên khi EVN đứng ra làm hội thảo về biểu giá.

"Đúng ra phải là Bộ Công thương, vì EVN không thể làm giá điện cho nhà nước. EVN chỉ làm giá điện cho chính EVN chứ không nên làm giá cho cả ngành điện. Cần xem xét đúng chức năng, thẩm quyền của EVN ", ông Cung nói và đề nghị phải thúc đẩy cạnh tranh để giảm chi phí…

Ba phương án EVN đề xuất

Phương án 1: giữ nguyên 6 bậc như hiện nay. Theo ông Nguyễn Tiến Thỏa, biểu giá hiện hành phức tạp, khi nhu cầu sử dụng cao thì tốc độ giá nhảy vọt, tăng nhanh hơn tốc độ sử dụng điện.

Phương án 2: EVN đề nghị sẽ chỉ có một mức giá điện sinh hoạt là 1.747 đồng/kwh - là mức giá trung bình của biểu giá điện theo bậc thang hiện hành.

Với phương án này, EVN công nhận những người đang sử dụng điện dưới 240kwh/tháng sẽ bị thiệt, vì không được hưởng mức giá thấp nữa, người nghèo bị ảnh hưởng. Người dùng trên 240kwh/tháng sẽ được lợi. Nhưng theo EVN phương án này có lợi là mở ra hướng giúp 1 quý chỉ ghi chỉ số công tơ một lần.

Phương án 3: EVN đề xuất chỉ còn 3 bậc hoặc 4 bậc thang điện. Phương án này lại có 5 kịch bản, với các cách phân chia khác nhau, nhưng dễ hiểu nhất là phân ra sử dụng 100kwh/tháng giá 1.501 đồng/kwh; 200kwh/tháng giá 1.907 đồng/kwh và trên 300kwh/tháng giá 2.557 đồng/kwh.

EVN cho biết phương án 3 này cũng có giá trung bình các bậc thang là 1.747 đồng/kwh.

Theo Tuổi trẻ