EuroCham kiến nghị bỏ trần giá sữa

VietTimes -- Tiểu ban Thực phẩm dinh dưỡng thuộc Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) cho rằng việc áp giá trần sữa trẻ em khiến nhiều khoản chi phí của doanh nghiệp sữa đã tăng như tỷ giá, chi phí điện, chi phí nhân công... khiến các nhà sản xuất và phân phối sữa khó khăn
Ảnh minh họa. Nguồn Internet

Các thành viên của Tiểu ban Thực phẩm dinh dưỡng thuộc EuroCham (NFG), đại diện cho 5 công ty sữa đa quốc gia có mặt tại Việt Nam, vừa kiến nghị cơ quan quản lý gỡ bỏ chính sách áp giá trần lên mặt hàng sữa bột dành cho trẻ em dưới 6 tuổi mới được Bộ Công Thương gia hạn áp dụng.

Nhắc đến khó khăn của ngành sữa trẻ em hiện nay, NFG nhắc lại việc một trong những công ty sữa lớn nhất thế giới như Danone - nhà sản xuất sữa Dumex - đã phải quyết định rời khỏi thị trường Việt Nam vào năm 2016.

NFG cho rằng, biện pháp áp giá trần với sữa bột dành cho trẻ em dưới 6 tuổi đi ngược lại với chủ trương hoàn thiện nền kinh tế thị trường của Chính phủ Việt Nam, đồng thời sẽ tác động tới kết quả hoạt động ngắn và trung hạn của doanh nghiệp cũng như thương mại và triển vọng đầu tư trong dài hạn.

“Việc Chính phủ đưa ra các quy định can thiệp vào quyền tự chủ kinh doanh của doanh nghiệp là một lời cảnh báo đáng lo ngại về một môi trường đầu tư chưa thực sự ổn định, thân thiện và hội nhập của Việt Nam”,NFG nhấn mạnh.

Với những lý lẽ này, NFG đề xuất gỡ bỏ chính sách giá trần, cho phép quay trở lại với cơ chế giá do thị trường quyết định và cũng không ban hành các biện pháp quản lý giá khác.

Đối với việc kê khai giá, NFG cho rằng nên được giữ đơn giản như đúng tên gọi của biện pháp này và không nên kèm theo các yêu cầu cung cấp cơ cấu giá, văn bản giải trình về mức giá mới (trừ khi Chính phủ nhận thấy việc điều chỉnh giá là bất hợp lý, dựa trên các bằng chứng rõ ràng và đúng đắn), thông báo phê duyệt mức giá mới từ phía cơ quan nhà nước… Bởi lẽ, các yêu cầu này thực chất đã biến việc kê khai giá trở thành một hình thức khác của việc đăng ký giá.