EU lạnh nhạt với cuộc diễu binh lớn nhất của Trung Quốc?

Giới quan chức hàng đầu của Liên minh Châu Âu (EU) có thể sẽ không đến tham dự cuộc diễu binh hoành trángcủa Trung Quốc kỷ niệm ngày kết thúc Chiến tranh Thế giới thứ II ở Châu Á, Đại sứ của EU tại thủ đô Bắc Kinh hôm qua (3/7) cho biết.
EU lạnh nhạt với cuộc diễu binh lớn nhất của Trung Quốc?

Thông tin này được đưa ra trong bối cảnh đang có cảm giác bất an, lo ngại về việc những cuộc phô diễn sức mạnh quân sự như vậy có thể làm leo thang căng thẳng trong khu vực.
 

EU lạnh nhạt với cuộc diễu binh lớn nhất của Trung Quốc? ảnh 1

Ảnh minh họa


Đại sứ Hans Dietmar Schweisgut cho hay, đang có những câu hỏi được đặt ra về việc liệu sự kiện sắp tới ở Trung Quốc có giúp gì cho việc tăng cường sự hòa giải trong khu vực hay tiếp tục gây ra sự oán hận. Đây là phát biểu ám chỉ đến mối thù hận của Trung Quốc với Nhật Bản về lịch sử thời chiến tranh và và cuộc tranh chấp hiện nay giữa hai nước đối với quần đảo Senkaku/Điếu Ngư ở biển Hoa Đông.
 
Cho đến nay, chỉ có Nga là xác nhận sẽ cử các quan chức và binh lính đến tham dự và tham gia vào cuộc diễu binh ngày 3/9 tới ở thủ đô Bắc Kinh.
 
"Hiện giờ, tôi biết rằng sự kiện đó được coi như là một cái gì đó tượng trưng, đại diện cho cam kết với hòa bình, nhưng tôi nghĩ mọi người cần phải hiểu rằng sẽ luôn có cảm giác bất an về những cuộc diễu binh quân sự như vậy”, ông Schweisgut phát biểu trước các phóng viên.
 
Đại sứ Schweisgut nhấn mạnh, việc không đến tham dự lễ diễu binh không có nghĩa là EU không tôn trọng vai trò của Trung Quốc trong cuộc chiến tranh hay nỗi đau mà nhân dân Trung Quốc phải gánh chịu trong cuộc chiếm đóng của phát xít Nhật kéo dài từ năm 1937-1945.
 
Các nhà quan sát cho rằng, một số quốc gia nước ngoài đang phải đối mặt với một sự lựa chọn khó khăn giữa một bên là khiến Bắc Kinh bị tổn thương khi không đến tham dự lễ diễu binh và bên kia là đến tham dự và cổ vũ cho sức mạnh quân sự ngày càng gia tăng của Trung Quốc. Năng lực không quân và hải quân ngày càng gia tăng của Trung Quốc được xem như là công cụ để Bắc Kinh thực hiện tham vọng tranh giành chủ quyền ở Biển Đông và biển Hoa Đông, làm dấy lên sự quan ngại ở Washington, Tokyo và các nơi khác.
 
Trung Quốc năm nay sẽ tổ chức một cuộc diễu binh hoành tráng nhất, quy mô nhất từ năm 2009 đến nay để kỷ niệm 70 năm ngày kết thúc Chiến tranh Thế giới thứ II. Sự kiện diễn ra vào ngày 3/9 này sẽ là cuộc diễu binh đầu tiên dưới thời ông Tập Cận Bình kể từ khi ông tiếp nhận vị trí lãnh đạo cao nhất của Đảng Cộng sản và quân đội Trung Quốc vào cuối năm 2012 và Chủ tịch nước Trung Quốc vào đầu năm 2013.
 
Binh lính Trung Quốc trong thời gian qua đã bí mật diễn tập ở khu vực ngoại ô thủ đô Bắc Kinh. Trung tướng Song Puxuan – cựu Chủ tịch của trường Đại học Quốc phòng Trung Quốc và cũng là người được bổ nhiệm làm Chỉ huy Quân khu Bắc Kinh của Trung Quốc hồi tháng 1 mới đây, sẽ dẫn đầu cuộc diễu binh vào tháng 9 tới.
 
Trung Quốc lâu nay vẫn tránh việc tổ chức các cuộc diễu binh hàng năm nhằm phô trương sức mạnh quân sự - một hoạt động được coi là dấu ấn riêng của Liên Xô. Tuy nhiên, trong hai dịp kỷ niệm lần thứ 50 và 60 Ngày Quốc khánh Trung Quốc vào các năm 1999 và 2009, Bắc Kinh đều tổ chức các cuộc diễu binh.
 
Trong một thông báo cách đây vài tháng, tờ People's Daily – cơ quan ngôn luận chính thức của Đảng Cộng sản Trung Quốc, đã dẫn lời một bản tin từ Hồng Kông cho biết, cuộc diễu binh năm nay sẽ được Bắc Kinh  tổ chức để kỷ niệm ngày kết thúc chiến tranh.
 
Một lý do để tiến hành cuộc diễu binh là “làm cho Nhật Bản khiếp sợ và tuyên bố với thế giới về quyết tâm của Trung Quốc trong việc duy trì trật tự thế giới sau chiến tranh”, tác giả của bài báo trên tờ People’s Daily – ông Hu Zhanhao – một nhà bình luận về các vấn đề tài chính và toàn cầu, đã cho biết như vậy.
 
"Chỉ bằng cách phô trương các khả năng quân sự Trung Quốc mới có thể cho Nhật Bản thấy được thái độ và quyết tâm của mình đồng thời cũng để cho mọi người biết rằng bất kỳ ai dám thách thức trật tự sau chiến tranh liên quan đến Trung Quốc và động đến lợi ích cốt lõi của Trung Quốc thì sẽ là kẻ thù của Trung Quốc và sẽ phải chuẩn bị sẵn tâm lý để đối với với cuộc phản công mạnh mẽ của Trung Quốc”, bài báo trên People’s Daily cho hay.
 
Các lý do khác khiến Trung Quốc tổ chức một lễ diễu binh hoành tráng bao gồm việc phô trương sức mạnh quân sự của Trung Quốc và niềm tự hào ngày càng tăng của Trung Quốc. Bắc Kinh cũng muốn dùng sự kiện này để khuấy động tình yêu đất nước và chủ nghĩa dân tộc dưới thời của Chủ tịch Tập Cận Bình.
 
Mối quan hệ giữa hai nền kinh tế lớn nhất Châu Âu đã trở nên xấu đi nghiêm trọng vì cuộc tranh chấp lãnh thổ, lãnh hải nóng bỏng trở lại giữa hai nước quanh quần đảo Senkaku/Điếu Ngư ở biển Hoa Đông. Tokyo đang kiểm soát quần đảo này và Bắc Kinh được cho là đang tìm cách phá vỡ thế nguyên trạng ở khu vực tranh chấp. Ngoài ra, Bắc Kinh cũng nổi giận đùng đùng về chuyến thăm hồi tháng 12 năm 2013 của Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đến đền thờ chiến tranh Yasukuni Shrine ở thủ đô Tokyo. Đây là đền thờ thờ những người đã chết trong chiến tranh của Nhật Bản, trong đó có những tội phạm chiến tranh bị kết án thời Chiến tranh Thế giới thứ II.

Theo: VnMedia