Elon Musk tiết lộ được yêu cầu cam kết không đưa Starlink sang Trung Quốc

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Ông chủ SpaceX, người đàn ông giàu nhất thế giới Elon Musk, mới đây tiết lộ chính phủ Trung Quốc đã yêu cầu ông đảm bảo sẽ không mang internet vệ tinh Starlink đến Trung Quốc.
Chính phủ Trung Quốc kiên quyết nói "không" với internet vệ tinh Starlink của Elon Musk (Ảnh: Getty).
Chính phủ Trung Quốc kiên quyết nói "không" với internet vệ tinh Starlink của Elon Musk (Ảnh: Getty).

Giới quan sát cho rằng việc Starlink cung cấp truy cập internet miễn phí tới các điểm nóng xung đột trên thế giới đã khiến giới chức Trung Quốc cảnh giác.

Dự án Internet vệ tinh Starlink của người sáng lập SpaceX gần đây đã dấy lên rất nhiều tranh cãi. Tờ Financial Times của Anh ngày 7/10 đưa tin, Elon Musk tiết lộ Bắc Kinh đã yêu cầu ông đảm bảo không bán Starlink ở Trung Quốc.

Hiện không rõ liệu Musk có đồng ý với yêu cầu này của chính phủ Trung Quốc hay không. Dự án Starlink trước đây chưa bao giờ công khai bày tỏ mong muốn thâm nhập vào Trung Quốc. Trong một bài báo gây tranh cãi được xuất bản vào đầu năm nay theo đặt hàng của một ấn phẩm thuộc sở hữu của Cục quản lý không gian mạng của Trung Quốc, Musk không đề cập đến SpaceX hoặc dự án Starlink.

Các phân tích cho rằng chính phủ Trung Quốc đưa ra yêu cầu này với Musk, thể hiện ý muốn kiểm soát mạng của chính quyền. Ông Rogier Creemers, người đồng sáng lập trung tâm DigiChina của Đại học Stanfort nói: "Chính phủ Trung Quốc muốn chặn bất kỳ kết nối mạng nào mà họ không kiểm soát được". Theo ông, cũng với lý do tương tự, "Loon", một dự án Internet khinh khí cầu thử nghiệm thuộc sở hữu của Google, cũng bị chính phủ Trung Quốc cảnh báo vào năm 2014.

Hệ thống vệ tinh của Starlink phủ sóng khắp thế giới (Ảnh: FT).

Hệ thống vệ tinh của Starlink phủ sóng khắp thế giới (Ảnh: FT).

Lưu Lập Bằng, biên tập viên của China Digital Times và là cựu chuyên gia đánh giá nội dung trên Sina Weibo của Trung Quốc, nói kể từ khi Starlink ra đời và Musk bắt đầu phóng vệ tinh Starlink phục vụ thông qua SpaceX, trên mạng Internet của Trung Quốc, đặc biệt là trên Weibo, nhiều cư dân mạng đang lan truyền quan điểm: "Với Starlink, bạn có thể kết nối Internet mọi lúc, mọi nơi và GFW (tường lửa Great Firewall) sẽ không còn có thể ngăn cản truy cập Internet được nữa".

Sau khi Nga bắt đầu “Chiến dịch Quân sự đặc biệt” ở Ukraine vào tháng 2 năm nay, Musk đã đáp ứng yêu cầu hỗ trợ của Ukraine, ngay lập tức bắt đầu các dịch vụ của Starlink tại Ukraine, và chuyển giao thiết bị đầu cuối phần cứng kết nối Starlink cho Ukraine với sự hợp tác của chính phủ Mỹ.

Người phụ nữ Iran Amini đột ngột qua đời khi bị "cảnh sát đạo đức" giam giữ vào tháng trước, làm dấy lên các cuộc biểu tình quy mô lớn trên khắp Iran. Hôm 23/9, Musk tuyên bố sẽ kích hoạt dịch vụ vệ tinh Starlink cho Iran sau khi nhà chức trách cắt các dịch vụ mạng để kiểm soát thông tin. Trước đó, Bộ Ngoại giao Mỹ đã thông báo điều chỉnh các biện pháp trừng phạt công nghệ với Iran để cho phép người dân nước này sử dụng các dịch vụ thông tin dữ liệu.

Các hành động của Starlink Internet có thể trở thành cái gai trong mắt Bắc Kinh. Tờ Financial Times đưa tin, Trung Quốc đã thông báo với Musk về sự bất bình của họ đối với việc triển khai các dịch vụ Starlink ở Ukraine.

Tên lửa Falcon-9 của SpaceX phóng hôm 21/4 mang theo 53 vệ tinh Starlink lên quỹ đạo (Ảnh: AP).

Tên lửa Falcon-9 của SpaceX phóng hôm 21/4 mang theo 53 vệ tinh Starlink lên quỹ đạo (Ảnh: AP).

Abishur Prakash, một nhà tương lai địa chính trị và đồng sáng lập Trung tâm Đổi mới Tương lai của Canada nói: “Người Trung Quốc đang rất chú ý đến khả năng của Internet không gian trong việc ảnh hưởng đến chính trị trên mặt đất và địa chính trị trong các tình huống cụ thể, đặc biệt là đối với Ukraine. Trung Quốc không coi SpaceX là công ty công nghệ điển hình của Mỹ. Họ coi nó là kẻ tham dự địa chính trị thực sự, nhưng cũng là một công ty có lúc hành động thay mặt chính phủ Mỹ”.

Dự án Starlink có kế hoạch sử dụng một chuỗi vệ tinh siêu lớn được hình thành bởi hơn 12.000 vệ tinh nhỏ trong quỹ đạo Trái đất thấp để cung cấp cho thế giới tiềm năng về các dịch vụ mạng tốc độ cao và thoát khỏi trói buộc của các trạm gốc trên mặt đất. Tính đến tháng 9/2022, đã có tổng cộng 2.300 vệ tinh Starlink đang hoạt động trong quỹ đạo Trái đất thấp,

Ngày càng có nhiều khu vực và quốc gia mở dịch vụ Starlink. Công ty SpaceX ngày 11/10 thông báo rằng Nhật Bản đã trở thành quốc gia châu Á đầu tiên khai trương dịch vụ Starlink. SpaceX có kế hoạch sử dụng dịch vụ Starlink để đáp ứng nhu cầu liên lạc của các khu vực như vùng núi và hải đảo xa xôi của Nhật Bản.

Đài Loan gần đây cũng cho biết có kế hoạch thúc đẩy mạng lưới internet vệ tinh lấy cảm hứng từ kinh nghiệm của Ukraine. Bà Đường Phong, Bộ trưởng Phát triển kỹ thuật số của Đài Loan, hồi tháng 9 nói có kế hoạch đầu tư 550 triệu Đài tệ trong hai năm tới để đảm bảo hoạt động bình thường của các dịch vụ mạng của Đài Loan.

Đường Phong mới đây đã nói với Washington Post rằng sẽ bắt đầu nhận đơn đăng ký của các nhà cung cấp dịch vụ trong tháng 11 tới. Mặc dù không nêu tên mối đe dọa từ Trung Quốc, nhưng bà nhấn mạnh kế hoạch này là để đối phó với tình huống "bị tấn công quân sự nghiêm trọng", thiên tai hoặc cáp ngầm bị sự cố.

Chính phủ Philippines cũng đang tìm cách chào mời Starlink tham gia vào kế hoạch cung cấp dịch vụ internet miễn phí của quốc gia này. Truyền thông Philippines đưa tin rằng công ty con của Starlink tại Philippines dự kiến ​​sẽ ra mắt dịch vụ trong nửa đầu năm 2023.

Bản đồ chính thức của Starlink cho thấy các dịch vụ dự kiến ​​của dự án bao gồm Nhật Bản, Hàn Quốc, cũng như nhiều quốc gia Trung Á và Nam Á và Đông Nam Á. Sự phát triển nhanh chóng của Starlink đã gây ra những lo ngại và cảnh giác về an ninh ở Trung Quốc. Một số bình luận quân sự của Trung Quốc nói rằng vệ tinh Starlink giống như con mắt của quân đội Mỹ, có thể giám sát tình hình ở nhiều khu vực khác nhau.

Tạp chí công nghệ Trung Quốc Hiện đại phòng ngự kỹ thuật đã đăng một bài báo của các nhà nghiên cứu vào đầu năm nay, nói rằng Starlink đã hợp tác chặt chẽ với quân đội Mỹ. Đồng thời, SpaceX độc lập sở hữu và kiểm soát toàn bộ chuỗi công nghiệp, tiềm ẩn những nguy cơ và thách thức đối với Trung Quốc.

Bài báo kiến nghị Trung Quốc cần áp dụng phương thức “kết hợp tiêu diệt mềm và tiêu diệt cứng” đối với Starlink, làm một số vệ tinh Starlink mất chức năng và phá hủy hệ thống vận hành của chuỗi vệ tinh. Một phân tích khác kiến nghị giảm ảnh hưởng của vệ tinh bằng cách can thiệp gây nhiễu dải tần số sóng điện từ của vệ tinh là một biện pháp hiệu quả chống lại Starlink hiện nay.

Tuy nhiên, có những dấu hiệu cho thấy khả năng hỗ trợ kết nối mạng của Starlink đối với các môi trường gián đoạn liên lạc nhiều lúc không ổn định.

Tờ Financial Times đưa tin, các nguồn tin quân sự Ukraine tuần trước tiết lộ rằng các dịch vụ của Starlink đã bị gián đoạn trên tuyến đầu tác chiến, ảnh hưởng tiêu cực đến vận hành của các thiết bị quân sự. Quân đội Ukraine sử dụng các thiết bị di động của Starlink để liên lạc trên chiến trường nơi truy cập internet bị ngắt. Các quan chức Ukraine vào tuần trước cho biết sự cố dịch vụ đã xảy ra trong bối cảnh các cuộc phản công ở miền nam và miền đông nước này.

Financial Times ngày 12/10 đưa tin, một số thiết bị bị trục trặc đã hoạt động bình thường trở lại trong vài ngày qua.

Binh sĩ Ukraine sử dụng thiết bị đầu cuối của Starlink để liên lạc trên ngoài mặt trận (Ảnh: QQ).

Binh sĩ Ukraine sử dụng thiết bị đầu cuối của Starlink để liên lạc trên ngoài mặt trận (Ảnh: QQ).

Đồng thời, các dịch vụ của Starlink tới Iran cũng đang khó khăn. Tờ Washington Post nhận xét rằng tiền đề của hoạt động bình thường của Starlink là cư dân mạng ở quốc gia mục tiêu phải lắp đặt thiết bị thu. Tuy nhiên, bộ định tuyến Starlink nặng 30 pound và rất khó để đưa vào Iran với số lượng lớn theo cách lén lút; ăng-ten Starlink cần phải được lắp đặt trong một môi trường tương đối thoáng và khó tránh khỏi sự tìm kiếm của chính quyền.

Washington Post cho rằng bộ máy quan liêu quốc tế là trở ngại lớn nhất trong việc triển khai Starlink. Liên minh Viễn thông Quốc tế phải phê chuẩn dải tần cho các công ty internet vệ tinh đang cố gắng gửi tín hiệu internet đến một quốc gia, thường phải được quốc gia mục tiêu cho phép.

Nhưng đối với những người Trung Quốc muốn thoát khỏi tường lửa GFW, Starlink không hẳn là giải pháp thiết thực nhất.

Ngoài các hạn chế quy định khác nhau của chính phủ tương tự như những hạn chế mà Iran phải đối mặt, biên tập viên Lưu Lập Bằng của China Digital Times cũng hoài nghi rằng các cư dân mạng bình thường của Trung Quốc sẵn sàng trả mức giá cắt cổ cho Starlink. Ông cho rằng chức năng hiện tại của Starlink là giải quyết nhu cầu truy cập Internet ở những vùng sâu vùng xa và tình trạng mất kết nối mạng cực đoan. Ông chỉ ra rằng cư dân mạng Trung Quốc thực sự có nhiều cách để vượt tường lửa, và họ không cần sử dụng đến công nghệ "cứng của lõi cứng" như Starlink.