Tuy nhiên, Elon Musk mới đây đã phác thảo lại bản kế hoạch này và đã được đăng trên tạp chí New Space. Bài báo này giống như một bản tóm tắt lại buổi nói chuyện hồi tháng 9 năm ngoái của vị tỷ phú gốc Nam Phi. Theo đó, vị tỷ phú này muốn tái sử dụng các tên lửa đẩy nhằm giảm chi phí chuyến bay xuống "vài nghìn" lần. Bản thảo này cũng bao gồm cả thiết kế sơ khai của con tàu vũ trụ khổng lồ mà Elon Musk muốn tạo ra.
Bản thảo này không có nhiều chi tiết mới nên vào hôm 16/6, ông Elon Musk hé lộ việc sẽ sớm ra mắt bản thảo thứ hai của kế hoạch ‘chinh phục Sao Hỏa’. Vị tỷ phú này cho biết bản kế hoạch mới này sẽ giải quyết cái mà ông gọi là "thiếu sót căn bản" của bản thảo đầu tiên: “Làm cách nào để phát triển và vận hành những quả tên lửa đẩy khổng lồ?”
Đây không phải là một chi tiết bất ngờ bởi nhiều sự kiện quan trọng đã diễn ra kể từ khi Elon Musk công bố tham vọng của mình. Vào tháng 10 năm ngoái, vị tỷ phú này đã chia sẻ rất cặn kẽ về kế hoạch của mình trong buổi nói chuyện "Ask Me Anything" trên Reddit. Ông đã vạch ra một kế hoạch gồm 4 bước để định cư trên Sao Hỏa, trình bày cách mà ông sẽ tạo ra nhiên liệu và không khí trên hành tinh này cũng như tiết lộ tên của con tàu vũ trụ trong kế hoạch – Heart of Gold (Trái tim vàng), cũng là tên con tàu không gian trong tác phẩm nổi tiếng "The Hitchhiker’s Guide to the Galaxy" (tạm dịch là "Cẩm nang đi nhờ vào dải thiên hà").
Trong buổi nói chuyện, Elon Musk cũng hé lộ về sự tồn tại của khoang nhiên liệu dành cho phi thuyền khổng lồ đó. Elon Musk cho biết khoang nhiên liệu này được chế tạo hoàn toàn từ sợi các-bon và đã vượt qua các bài kiểm tra áp suất cao vào tháng 11. Hơn nữa, cuộc điều tra về sự cố tên lửa đẩy Falcon 9 phát nổ ngay trên bệ phóng tại sân bay hàng không vũ trụ Cape Canaveral, Florida cũng đã kết thúc vào tháng 1 vừa qua. Công ty SpaceX cũng đã tuyên bố sẽ nối lại các cuộc phóng thử tên lửa trong tháng đó.
Công ty hàng không vũ trụ này cũng đã thành công trong việc tái phóng và tái hạ cánh một tên lửa đẩy từng được phóng đi. Điều này chứng tỏ sự khả thi trong việc tiết kiệm chi phí của kế hoạch ‘Sao Hỏa’ thông qua dự án đầu tư 1 tỷ USD nghiên cứu công nghệ tên lửa tái sử dụng.
SpaceX cũng đang đẩy mạnh việc phát triển mạng lưới của mình. Trong tháng 3, công ty này có 473 chi nhánh được mở cửa và đã tăng lên 487 vào thời điểm hiện tại. Rất nhiều trong số đó đang tích cực tập trung chuẩn bị cho kế hoạch khai phá Sao Hỏa của Elon Musk. Công ty này cũng đang chuẩn bị thử nghiệm hệ thống tên lửa đẩy lớn nhất thế giới Falcon Heavy. Vào hôm 8/6 vừa qua, CEO của SpaceX cho biết nguyên mẫu đầu tiên của siêu hệ thống tên lửa đầy này sẽ được phóng thử vào tháng 9 sắp tới.
Nếu mọi thứ theo đúng kế hoạch, tên lửa Heavy Falcon sẽ đưa hai hành khách đầu tiên bay vòng quanh Mặt Trăng vào năm 2018.