|
Sản xuất tinh gọn là một phương pháp quản trị vận hành sản xuất, phát triển từ mô hình vận hành nhà máy Toyota từ những năm 1930. Mục đích của phương pháp này là loại bỏ các giai đoạn thừa thãi hoặc các hoạt động không mang lại giá trị, từ đó, đơn giản hóa quy trình sản xuất và giảm chi phí.
Cách công nghệ được khai thác để tinh gọn hóa hơn nữa quy trình sản xuất truyền thống đã được thảo luận tại DxTalks mùa 2, số 8 cùng khách mời là ông Hou Lei - Giám đốc Sản phẩm và Vận hành xuất sắc, Auk Industries; ông Nguyễn Chánh Phương - Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký, Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TP. HCM; ông Hoàng Tuấn Phong - Chuyên gia tư vấn Chuyển đổi số, FPT Digital.
Tới đầu thế kỷ 21, sự song hành của công nghệ mới cùng các nguyên tắc bất biến của Sản xuất tinh gọn đã tạo nên khái niệm Sản xuất tinh gọn số (Digital Lean Manufacturing), thay thế hoàn toàn phương thức sản xuất truyền thống. Chẳng hạn, thiết bị IoT có thể kết nối hàng ngàn điểm trên dây chuyền sản xuất, tự động ghi lại thông tin về hiệu suất máy móc, chất lượng sản phẩm, và các dữ liệu khác có liên quan. Công nghệ AI có thể phân tích dữ liệu về quy trình sản xuất và dự đoán khi nào có khả năng xuất hiện lỗi, giúp ngăn chặn lỗi trước khi chúng trở nên nghiêm trọng.
Ông Hoàng Tuấn Phong cho rằng, việc ứng dụng các công nghệ số trong sản xuất đã góp phần hiện thực hóa những nguyên tắc tinh gọn vốn đã trường tồn gần một thế kỷ. Các doanh nghiệp sản xuất giờ đây có thể tự động hóa nhiều quy trình, tăng cường hoạt động giám sát và đưa ra quyết định chính xác hơn dựa trên dữ liệu. Hơn nữa, sự sẵn có của dữ liệu cùng với sức mạnh xử lý ngày càng tăng, đã mang lại những phân tích gần như không thể thực hiện được trước đây.
Tuy nhiên, ông Hou Lei nhấn mạnh, doanh nghiệp sản xuất không chỉ cần quan tâm đến dữ liệu lịch sử, mà còn cả những dữ liệu dự báo. Dữ liệu lịch sử chỉ mô tả những thứ xảy ra trong quá khứ: Năng suất của bạn tuần vừa rồi ra sao? Tháng vừa rồi ra sao? Cấp độ tiếp theo của dữ liệu còn dự đoán những khả năng có thể xảy ra trong tương lai: Nếu bạn vẫn tiếp tục theo xu hướng này thì điều gì sẽ xảy ra vào cuối tuần này, cuối tháng này, cuối năm này?
“Nếu khai thác dữ liệu chỉ tập trung vào việc phân tích dữ liệu lịch sử, nó sẽ chỉ cho bạn biết bạn đang ở đâu. Một tập hợp dữ liệu tốt phải cho bạn biết mình có thể đi tới đâu và làm thế nào để đi đến đó”, ông Hou Lei nhấn mạnh.
Bằng cách tích hợp thông tin từ cả dữ liệu lịch sử và dữ liệu dự báo, doanh nghiệp có thể tối ưu hóa hiệu suất, giảm lãng phí, và nhanh chóng thích ứng với biến động trong môi trường sản xuất và thị trường.
Hiểu được tầm quan trọng của dữ liệu nhưng không ít doanh nghiệp vẫn còn ngần ngại chuyển đổi số vì sợ phải chi rất nhiều tiền cho công nghệ. Ông Hou Lei cho rằng: “Mọi người nói nhiều về chi phí bởi vì họ không nhìn thấy lợi ích. Nếu thấy được lợi ích thì đó không phải chi phí, đó là một khoản đầu tư”.
Công nghệ số đã mở ra một kỷ nguyên mới cho Sản xuất tinh gọn, giúp hiện thực hóa và thúc đẩy mạnh mẽ những nguyên tắc vượt thời gian.
Để bắt đầu bước đi trên hành trình sản xuất tinh gọn số, các chuyên gia đưa ra lời khuyên: doanh nghiệp cần Bắt đầu nhỏ; Ưu tiên chuyển đổi con người; và Xây dựng nhà máy “tinh gọn” trước, “số” sau.
Vì sao bước đầu tiên nên “Bắt đầu nhỏ”? Theo chuyên gia Hoàng Tuấn Phong, sự dịch chuyển từ quy trình sản xuất hiện tại sang sản xuất tinh gọn số là một sự thay đổi có thể tác động lớn tới kết quả, nhưng điều này không có nghĩa là các nhà máy cần triển khai càng nhanh càng tốt mà cần bắt đầu nhỏ để kiểm soát được những tác động tiếp theo. Doanh nghiệp có thể số hóa từng quy trình nhỏ, ví dụ bắt đầu bằng “văn phòng không giấy”, rồi mới số hóa toàn bộ quy trình lớn hơn liên quan liên phòng ban.
Trong vấn đề chuyển đổi con người, các diễn giả đều chia sẻ quan điểm rằng: Trong quá trình xây dựng lại nhà máy theo hướng tinh gọn số, các nhà máy sẽ trở nên tối ưu và tự động hóa, đồng nghĩa với việc có thể một số bộ phận công nhân, quản lý cần được nâng cao năng lực để đáp ứng với những yêu cầu của công việc mới. Các công tác đào tạo, truyền thông và quản trị thay đổi đóng vai trò vô cùng quan trọng trong việc đảm bảo lực lượng lao động có đủ năng lực, kiến thức sẵn sàng đáp ứng với các quy trình mới, đảm bảo quá trình sản xuất tinh gọn sẽ diễn ra suôn sẻ.
Và cuối cùng, tập trung xây dựng nhà máy “tinh gọn” trước, “số sau” bởi công nghệ số dành được rất nhiều sự quan tâm của các nhà lãnh đạo, các nhà sản xuất nhưng như đã bàn luận ở trên, phần “số” chỉ là phần hỗ trợ, tạo điều kiện cho phần “tinh gọn” được hoạt động hiệu quả hơn. Do vậy, để có thể ứng dụng phương pháp sản xuất tinh gọn số, các nhà máy cần tập trung tối ưu quy trình, loại bỏ các lãng phí trong quá trình sản xuất trước khi nghiên cứu phương thức ứng dụng công nghệ số nhằm hỗ trợ quản lý, vận hành sản xuất.
Nếu không thực hiện “Sản xuất tinh gọn”, không số hóa quy trình, doanh nghiệp của bạn sẽ không chết vào ngày mai. Tuy nhiên, “Thời điểm tốt nhất để làm là ngày hôm qua, thời điểm tốt thứ hai để làm là ngay bây giờ”, ông Lou Hei nhấn mạnh. Hãy đảm bảo rằng bạn đang cố gắng hết sức để khai thác công nghệ, khai thác sức mạnh của dữ liệu trước khi quá muộn.
Chuỗi DxTalks được FPT Digital sản xuất với sự tham gia của nhiều chuyên gia hàng đầu về chuyển đổi số cùng nhiều lãnh đạo doanh nghiệp trong và ngoài nước nhằm giúp các tổ chức, doanh nghiệp tìm hiểu thêm về chuyển đổi số tại Việt Nam và trường quốc tế. Theo dõi toàn bộ các tập về chuyển đổi số tại đây.
Để giúp các doanh nghiệp khi bước vào chuyển đổi số, FPT Digital đã phát triển bộ công cụ DxRank - đánh giá mức độ trưởng thành số, đăng ký miễn phí sử dụng DxRank tại đây.