BOT là hình thức đầu tư được ký kết giữa cơ quan Nhà nước có thẩm quyền và nhà đầu tư. Nhà đầu tư xây dựng, kinh doanh công trình kết cấu hạ tầng trong một thời hạn nhất định, hết thời hạn, chuyển giao không bồi hoàn công trình đó cho Nhà nước.
80% là vốn vay ngân hàng
Đặc điểm chung của các dự án BOT giao thông là đều đươc tài trợ khoảng 80% bằng vốn vay ngân hàng. Theo quy định tại Nghị định 15/2015/NĐ-CP của Chính phủ, tỷ lệ vốn chủ sở hữu tối thiểu của nhà đầu tư là 15% đối với dự án có quy mô đến 1.500 tỷ đồng và 10% đối với dự án có quy mô trên 1.500 tỷ đồng. Thời hạn trả nợ kéo dài, tương ứng với thời gian thu hồi vốn của dự án.
Thời gian thu phí của các dự án BOT giao thông được xác định dựa trên giá trị quyết toán thực tế của công trình, sản lượng xe lưu thông thực tế, phí BOT và lãi suất hoàn vốn nội bộ (phổ biến từ 12%-16%) được xác định khi lập dự án. Thời gian thu phí đối với các dự án BOT thường kéo dài, khoảng 10-11 năm đối với các dự án có mức đầu tư khoảng 1.000 tỷ đồng, khoảng 20-30 năm đối với các dự án có mức đầu tư 2.000-3.000 tỷ đồng.
Phí được thu đối với từng loại xe lưu thông theo biểu phí và khung phí quy định bởi Bộ Tài chính. Định kỳ 3 năm/lần kể từ năm 2016 trở đi, Bộ tài chính điều chỉnh mức phí sử dụng đường bộ, căn cứ tình hình thực tế, chỉ số giá cả, chi phí sửa chữa thường xuyên, bảo trì, trung tu đại tu và đề xuất của Bộ Giao thông vận tải.
Dòng tiền ổn định cũng là đặc trưng cơ bản của các dự án BOT với tiền thu hồi ngay, phải thu thấp, tồn kho thấp, do vậy các chủ đầu tư hầu như không phải đối mặt với rủi ro nợ xấu.
Theo một thống kê gần đây của Công ty Chứng khoán Ngân hàng BIDV (BSC) về biên lợi nhuận gộp của các dự án thu phí BOT giao thông của các doanh nghiệp niêm yết, cả 3 doanh nghiệp đang hoạt động trong lĩnh vực này là CTCP Tasco (HUT), CTCP Đầu tư Phát triển Cường Thuận Idico (CTI), CTCP Đầu tư Phát triển hạ tầng IDICO (HTI) và CTCP Đầu tư Hạ tầng kỹ thuật thành phố Hồ Chí Minh (CII), đều đạt trên 40% về biên lợi nhuận gộp đối với các dự án thu phí BOT.
Theo BSC, điều này là do chiếm chủ yếu trong cơ cấu giá vốn hàng bán của các dự án này là chi phí khấu hao với thời gian khấu hao dài. Chẳng hạn như chi phí khấu hao chiếm đến 51% tổng chi phí sản xuất kinh doanh của HTI và chiếm đến 85% giá vốn hàng bán mảng thu phí BOT của CTI trong năm 2015.
Doanh thu và biên lợi nhuân mảng thu phí BOT năm 2015 của 4 doanh nghiệp niêm yết. Nguồn: BCTC các công ty, BSC. |
Đáng chú ý, các dự án BOT giao thông thường được hưởng ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp với mức thuế suất 10% trong 15 năm, đồng thời, doanh nghiệp đầu tư mới các dự án BOT được miễn thuế 4 năm và giảm thuế 50% trong 9 năm tiếp theo. Đối với CTI, 2 dự án BOT Quốc lộ 1A, đoạn tránh thành phố Biên Hòa và BOT Quốc lộ 91 Cần Thơ-An Giang đều được hưởng các ưu đãi thuế này.
Theo báo cáo tài chính của CTI, năm 2015, tổng doanh thu phí BOT của công ty đạt 238 tỷ đồng, tăng 83% so với năm 2014. “Miếng bánh” BOT hấp dẫn đến mức CTI chuẩn bị tăng thêm 3-4 tuyến thu phí. Ngoài 2 dự án BOT hiện tại, năm 2016, công ty dự kiến đưa vào vận hành 2 trạm thu phí Quốc lộ 91A, 91B Cần Thơ-An Giang (Quốc lộ 91), năm 2017 đưa vào vận hành trạm thu phí Đường vận chuyển vật liệu xây dựng và nút giao 319 nối cao tốc TP. Hồ Chí Minh-Long Thành-Dầu Giây. Công ty cũng đang đàm phán mua lại 49% quyền thu phí tại Quốc lộ 51. Nếu thành công, CTI và các công ty con sẽ vận hành 6 tuyến đường thu phí BOT với 9 trạm thu phí, doanh thu ước tính hàng năm lên tới hơn 1.000 tỷ đồng.
Sẽ minh bạch hơn với BOT
Tại buổi tọa đàm “Minh bạch - Hiệu quả BOT, cách nào?” do báo Tiền Phong tổ chức mới đây, Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Hồng Trường khẳng định, Bộ sẽ rà soát lại tất cả các trạm thu phí BOT trên cả nước và công khai số thu, lưu lượng xe lên cổng thông tin Chính phủ để nhân dân nắm được, tạm dừng triển khai các dự án BOT mới.
Theo Thứ trưởng Trường, Bộ Giao thông vận tải đã đưa ra 2 kế hoạch để điều chỉnh. Thứ nhất, đánh giá lại các trạm thu phí hiện nay, nhất là cự ly, khoảng cách, mức phí…; với các trạm có tổng mức đầu tư cao sẽ kéo dài thời gian thu để có mức thu có thể chấp nhận được. Thứ 2, sẽ ghép trạm để giảm số lượng trạm thu phí trên đường.
Cũng tại buổi tọa đàm, ông Khúc Hữu Thanh Hải, Giám đốc CTCP Vận tải, Thương mại và Dịch vụ Đất Cảng cho rằng, doanh nghiệp vận tải đang gặp nhiều gánh nặng do phí BOT quá cao. “Trung bình 1 đầu xe khách của chúng tôi hiện đang mất 40 triệu đồng/tháng để trả phí BOT tại cao tốc Hà Nội - Hải Phòng. Nhân với cả năm là quá lớn. Khó khăn như vậy nhưng doanh nghiệp cũng không còn lựa chọn tuyến đường nào khác khi QL5 do ngân sách Nhà nước đầu tư cũng bị chuyển giao cho nhà đầu tư BOT”, ông Hải nêu thực tế.
Theo Infonet