Lúc này, các bộ, ngành và Chính phủ có lẽ đang và sẽ dồn dập nhận được những đề xuất hỗ trợ, giải cứu của các doanh nghiệp bị thiệt hại nặng nề vì covid 19. Riêng các trụ cột doanh nghiệp nhà nước, theo Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, có 19 tập đoàn, tổng công ty do Ủy ban này quản lý đã báo cáo về thiệt hại và đề xuất các giải pháp hỗ trợ.
Đáng chú ý trong số này có một số trụ cột doanh nghiệp nhà nước thua lỗ nặng. Doanh thu của Tập đoàn Dầu khí giảm từ 23.000 đến 141.000 tỷ đồng, nộp ngân sách từ nguồn thu dầu thô giảm từ 3.000 – 18.600 tỷ đồng, nộp ngân sách của tập đoàn giảm từ 5.000 đến 27.000 tỷ đồng; Tập đoàn Xăng Dầu Việt Nam ước tính lỗ 1.100 tỷ trong năm nay; Tập đoàn Hóa chất lỗ 4.300 tỷ; Tổng công ty Hàng không Việt Nam lỗ 19.600 tỷ và để bảo đảm khả năng thanh toán trong năm 2020, hãng cần nhà nước hỗ trợ 12.000 tỷ đồng ngay từ tháng 4 này.
Ủy ban Quản lý vốn nhà nước đã đề xuất hàng loạt các giải pháp như giãn nộp thuế, khoanh nợ, miễn, giảm thuế, phí. Các bộ cũng ban hành theo thẩm quyền các chính sách, giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp.
Điều đáng nói là trong số các giải pháp này có những thứ hỗ trợ mang tính bảo hộ, điều tối kỵ đối với môi trường cạnh tranh công bằng, bình đẳng giữa các doanh nghiệp, thành phần kinh tế ở trong, ngoài nước, nhất là với nền kinh tế Việt Nam đã hội nhập sâu, rộng với nền kinh tế thế giới.
Hơn thế, chính chúng ta gần đây đã có hẳn một hội nghị chuyên đề rồi ban hành Nghị quyết 10, Khóa 12. Theo đó, Đảng ta đã đánh giá rất chuẩn xác về vai trò quan trọng của kinh tế tư nhân và cho rằng phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.
Tuy nhiên, trong thực tế, tôi chỉ xin đơn cử như câu chuyện gần đây tại một ngành hàng không trong những ngày đại dịch là đủ hiểu phần nào giữa lý luận và thực tiễn vẫn còn một khoảng cách không nhỏ.
Mới đây, Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) giao Cục Hàng không Việt Nam khẩn trương nghiên cứu “chính sách bảo hộ đối với Hãng Hàng không Quốc gia (Vietnam Airlines -VNA) trong vấn đề phân bổ slot (khung giờ cất/hạ cánh), kiểm soát tăng trưởng vận tải hàng không nội địa để giúp hãng phát triển bền vững, giữ vị thế chủ đạo”.
Các hãng bay nhà nước đang được ưu ái hơn so với các hãng tư nhân?
|
Trong khi chính sách này còn chưa ban hành thì Cục Hàng không đã thực hiện ngay chính sách bảo hộ với VNA. Ngày 31/3, Cục Hàng không gửi công văn hỏa tốc số 1350A về việc điều chỉnh phân bổ khai thác các chuyến bay thương mại chở khách nội địa giai đoạn 1-15/4/2020.
Theo đó, VNA và Jetstar (công ty con của VNA) được giao tới 50/60 chuyến bay (riêng VNA là 45/60 chuyến bay).
Nhìn vào lịch bay có thể thấy sự ưu ái bất thường cho VNA. Bằng quyết định của Cục Hàng không, VNA “ngồi mâm trên”, nuốt trọn gần hết slot bay, còn Vietjet Air và Bamboo Airways phải “ngồi chiếu dưới, cùng mâm” và chia phần còn lại của “miếng bánh”. Tức là mỗi hãng được tổng cộng vỏn vẹn 5 chuyến khứ hồi.
Nếu xét căn cứ đóng góp trong giải cứu khách khi đại dịch hoành hành gây biết bao thiệt hại thì các hãng đều bay giải cứu.
Nếu xét về an toàn cho khách thì 3 hãng an toàn hơn hẳn VNA (trong tháng 3, VNA gặp 2 sự cố máy bay và đặc biệt là để 4 nhân sự của hãng bị dương tính virus corona và 2.000 cán bộ, nhân viên bị cách ly).
Với hãng hàng không, bay là nguồn sống, là uy thế. Nên, việc bảo hộ VNA nói trên của Cục Hàng không đã gây nên sự bất bình đẳng, là sự cạnh tranh không lành mạnh trong ngành hàng không.
Tới đây, Bộ GTVT lại tiếp tục ưu ái slot bay cho VNA, và khống chế slot bay của các hãng Bamboo, Vietjet thì… VNA lại một mình một chợ.
Ngược lại, các hãng khác sẽ bị kìm hãm ngay tại trong nước chứ chưa nói gì đến cạnh tranh với các hãng hàng không thế giới.
Như vậy, kinh tế tư nhân đâu phải và làm sao có thể trở thành động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng XHCN?
Với doanh nghiệp tư nhân, “bảo hộ doanh nghiệp nhà nước” sẽ là “bóng ma” mà họ luôn lo sợ. Nền kinh tế nước ta trong nhiều chục năm trở lại đây đã từng “lĩnh đủ” vì sự bảo hộ này. Ngay cả hàng không, trước khi các hãng tư nhân ra đời. Còn VNA dù được nhà nước đầu tư rất lớn nhưng kém sức cạnh tranh, lợi nhuận rất thấp. Nay, ngân sách đang thất thu, VNA lại đề nghị Chính phủ hỗ trợ 12.000 tỷ đồng, số tiền đủ để lập một hãng hàng không mới. Tình cảnh này của VNA chẳng khác nào nhà nghèo lại phải nuôi con nghiện!
Trong lĩnh vực viễn thông, trước khi Viettel ra đời, cước viễn thông thuộc loại dịch vụ xa xỉ, do VNPT độc quyền. Tương tự là các sản phẩm, dịch vụ độc quyền như điện, nước sạch, sản xuất, lắp ráp ô tô… Chính sự bảo hộ cho các sản phẩm này nên người dân luôn phải sử dụng với giá đắt đỏ, doanh nghiệp tư nhân không thể cạnh tranh được.
Ngay trong nghị quyết Trung ương 10 nói trên, Đảng ta đã nêu rất rõ: “Kinh tế tư nhân là một động lực quan trọng để phát triển kinh tế. Kinh tế nhà nước, kinh tế tập thể cùng với kinh tế tư nhân là nòng cốt để phát triển nền kinh tế độc lập, tự chủ. Khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi để kinh tế tư nhân phát triển nhanh, bền vững, đa dạng với tốc độ tăng trưởng cao cả về số lượng, quy mô, chất lượng và tỉ trọng đóng góp trong GDP.”
Việc một số bộ, ngành có tư tưởng quay lại cơ chế bảo hộ doanh nghiệp sẽ làm méo mó môi trường kinh doanh, triệt tiêu cạnh tranh, phát triển và sẽ chỉ làm cho doanh nghiệp nhà nước được bảo hộ dựa dẫm, thụ động, lãng phí, thất thoát, tiêu cực.
Trong lúc cả nước đang khó khăn vì dịch Covid-19, nhiều doanh nghiệp điêu đứng, xin đừng để “bóng ma bảo hộ” trở lại./.