Mỹ, nước đang theo đuổi các mục tiêu riêng của họ, không nên can thiệp vào tranh chấp khí đốt giữa Nga và Ukraine, đây là cách duy nhất để Nga và Ukraine tiến gần hơn tới việc ký kết một thỏa thuận mới - ông Steffen Kotre, một thành viên Quốc hội Đức, nhận xét.
"Tôi không đưa ra dự đoán gì về khả năng đạt thỏa thuận. Tuy nhiên, tôi nhận thấy rằng Ukraine đang nhận được sự ủng hộ một chiều từ Mỹ trong các yêu sách có phần không rõ ràng của họ. Mỹ, với lợi ích của riêng họ, nên tránh sang một bên" - ông Kotre nói, thêm rằng "không có bên nào, kể cả Nga, bị buộc phải cung cấp các nguồn tài nguyên hay phải lựa chọn một tuyến đường vận chuyển".
"Mọi chuyện đều là về vấn đề cung cấp khí đốt cho châu Âu. Bởi vậy, tôi không thấy bất kỳ sự liên quan nào giữa các nguồn cung ứng và tuyến đường vận chuyển" - ông Kotre nhấn mạnh.
Vị quan chức Đức thêm rằng, các hành động phản đối của Ukraine đối với đường ống "Nord Stream 2" - vốn đóng vai trò cực kỳ quan trọng trong việc cung cấp khí đốt cho châu Âu - là hoàn toàn không công bằng.
"Có vô số cơ hội để đảm bảo nguồn cung khí đốt của chúng ta, Nord Stream 2 sẽ sớm đi vào hoạt động" - ông Kotre nói thêm.
Các hợp đồng hiện tại quy định Nga cung cấp khí đốt và vận chuyển thông qua Ukraine sẽ hết hạn vào cuối tháng này. Tới thời điểm đó, Nga có kế hoạch khởi động hai tuyến dẫn khí tới châu Âu thông qua lãnh thổ Ukraine là Nord Stream 2 và TurkStream.
Hai bên đang thảo luận về khả năng ký kết một thỏa thuận mới cùng các diều khoản liên quan trong các cuộc họp ba bên giữa Nga, Ukraine và Liên minh châu Âu (EU). Moscow nhấn mạnh rằng thỏa thuận mới cần phải có lợi cho Nga, cùng lúc đề nghị Kiev đưa ra một bản kế hoạch hiện đại hóa hệ thống dẫn khí đốt của họ.
Nga cũng khẳng định rằng thỏa thuận sẽ chỉ đạt được nếu phía Ukraine ngừng các vụ kiện tục hiện tại. Tuy nhiên, phía Kiev cho rằng điều kiện trên là không thể chấp nhận. Tập đoàn dầu khí Naftogaz của Ukraine thậm chí còn dọa sẽ kiện Gazprom của Nga để kiếm thêm 22 tỷ USD nữa.
(Theo Sputnik)