|
Ngoại trưởng Đức Heiko Mass: sự ổn định của khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương có ý nghĩa then chốt đối với nền kinh tế Đức (Ảnh: Deutsche Welle). |
Theo trang Deutsche Welle (Tiếng nói nước Đức) tiếng Trung, chính phủ Liên bang Đức hôm thứ Tư (3/9) đã thông qua phương châm chỉ đạo chính sách châu Á trong lĩnh vực đối ngoại. Sau cuộc họp, Ngoại trưởng Đức Heiko Maas tuyên bố rằng văn kiện được gọi là Phương châm chỉ đạo chính sách Ấn Độ - Thái Bình Dương này quy định sẽ tăng cường quan hệ với khu vực này, với các nước lớn trong khu vực bao gồm Trung Quốc, Ấn Độ và Nhật Bản. Đức cũng sẽ hợp tác với khu vực này về chính sách an ninh và thúc đẩy giao lưu hơn nữa trong các lĩnh vực chính sách khí hậu, nhân quyền, thương mại tự do và số hóa.
Trước vai trò ngày càng quan trọng của khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương trong các lĩnh vực địa chính trị và kinh tế, ông Maas nhấn mạnh rằng mặc dù dãy Himalaya và eo biển Malacca bị ngăn cách bởi khoảng cách lớn, nhưng liệu sự giàu có và ảnh hưởng địa chính trị của Đức trong những thập kỷ tới có được liên tục hay không phụ thuộc vào cách Đức hợp tác với khu vực này, “khu vực này sẽ là nơi quan trọng nhất để xây dựng trật tự quốc tế trong tương lai”.
Ngoại trưởng Heiko Maas nói rằng chính phủ liên bang Đức hy vọng sẽ tham gia vào việc xây dựng một trật tự quốc tế mới, “dựa trên các quy tắc và hợp tác quốc tế, thay vì dựa trên cơ sở của mạnh bắt nạt yếu”. Vì lý do này, Đức đang hợp tác chặt chẽ với các quốc gia “chia sẻ với chúng ta các nguyên tắc dân chủ và tự do”. Ông nói rằng trong quá trình này, chúng ta sẽ củng cố khái niệm về một thế giới đa cực và ngăn chặn một quốc gia trở thành nạn nhân của sự tranh giành quyền lực giữa các nước lớn.
|
Đức và EU đang nhận thức lại về mối quan hệ với các quốc gia trong khu vực Ấn Độ-Thái Bình dương
|
Trong vài năm qua, đã có nhiều cuộc xung đột địa chính trị ở khu vực Ấn Độ-Thái Bình Dương, sự thù địch giữa Trung Quốc với Mỹ và các tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc ở Biển Đông là nguồn gốc bùng phát khủng hoảng. Ông Maas nói thêm, chúng tôi rất lo lắng khi chứng kiến cuộc chạy đua vũ trang ngày càng gia tăng trong khu vực. Một khi xung đột nổ ra ở đó, toàn thế giới chắc chắn sẽ bị cuốn vào.
Ngoại trưởng Maas nhấn mạnh, sự ổn định của khu vực có ý nghĩa then chốt đối với nền kinh tế Đức. “Là một quốc gia thương mại lớn, sự giàu có của chúng ta liên quan trực tiếp đến tự do thương mại và tự do hàng hải. Một phần lớn hàng hóa thương mại của chúng ta đi qua khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương”. Theo thông tin được Bộ Ngoại giao Đức tiết lộ, Đức sẽ tiếp tục thúc đẩy việc ký kết các hiệp định thương mại tự do với các nước trong khu vực và tăng cường trao đổi trong lĩnh vực khoa học, công nghệ mới.
Theo phân tích của truyền thông Đức, Đức rõ ràng không muốn đơn giản chọn một bên giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc, mà đưa ra lập trường của mình một cách chủ động và tự tin hơn.
Đức cũng gửi một tín hiệu đến các nước châu Âu khác. Ông Maas cho biết, “Chính phủ Đức đang làm việc với các đối tác EU của chúng ta, đặc biệt là Pháp, để hình thành một chiến lược châu Âu cho Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương dựa trên các nguyên tắc và giá trị của chúng tôi”, thực hiện đa dạng hóa ở cấp độ châu Âu.
Các nước châu Âu trước đây đã có những khác biệt lớn trong chính sách của họ đối với Trung Quốc. Ví dụ, Vương quốc Anh đã tự coi mình là “phái diều hâu” và thể hiện lập trường mạnh mẽ chống lại Trung Quốc về các vấn đề 5G và Hồng Kông. Trong khi đó, các nước như Hy Lạp, Hungary và Italy hy vọng sẽ tăng cường đầu tư vào Trung Quốc, do đó thực hiện kiềm chế trong chính sách với Trung Quốc.
Ngoại trưởng Maas kêu gọi châu Âu đoàn kết hơn, ông nói: "Trong một thế giới khổng lồ bao gồm Trung Quốc, Nga và đối tác của chúng ta là Mỹ, chúng ta chỉ có thể tồn tại nếu đoàn kết với tư cách là Liên minh châu Âu”.
|
Gới quan sát cho rằng với chiến lược ngoại giao Ấn Độ - Thái Bình Dương mới, Đức đã có sự thay đổi về chính sách đối với Trung Quốc (Ảnh: Reuters).
|
Tờ Die Welt (Thế giới) của Đức chỉ ra rằng Liên minh châu Âu từ lâu đã cố gắng thuyết phục chính quyền Bắc Kinh áp dụng chính sách mậu dịch công bằng với các nước châu Âu. Kể từ năm 2013 đến nay, EU và Trung Quốc đã tiến hành nhiều cuộc đàm phán với mục đích tạo thêm khả năng tiếp cận thị trường và cạnh tranh bình đẳng, dỡ bỏ các rào cản đầu tư nhưng đến nay vẫn chưa có kết quả cụ thể nào.
Theo một cuộc khảo sát do Phòng Thương mại Đức thực hiện vào tháng 7, 44% công ty Đức yêu cầu được đối xử công bằng ở Trung Quốc. Theo Die Welt, trong suốt thời gian dài, Đức đã thận trọng và kiềm chế trong các chính sách đối với Trung Quốc, vì cộng đồng doanh nghiệp cảnh báo rằng các cơ hội việc làm của Đức phụ thuộc vào mối quan hệ tốt đẹp với Trung Quốc, đặc biệt là trong ngành công nghiệp xe hơi. Nhưng bây giờ chính phủ Đức rõ ràng không muốn bị mắc kẹt bởi thương mại, xoa dịu Trung Quốc một cách mù quáng nữa.
Các nước phương Tây dần dần nhận ra rằng dù trong công bằng thương mại hay cải thiện nhân quyền việc thỏa hiệp với Trung Quốc đều không mang lại hiệu quả. Ông Christian Lindner, chủ tịch Đảng Dân chủ Tự do Đức (FDP), gần đây đã tuyên bố rằng chính sách xoa dịu của phương Tây đối với Trung Quốc cuối cùng sẽ đe dọa tự do của chính mình. Chuyên gia về vấn đề Trung Quốc Winzer nói: “Nếu Trung Quốc vẫn muốn đóng một vai trò quan trọng trên thế giới, họ phải chuẩn bị thỏa hiệp và đạt được sự đồng thuận về các giá trị chung”.