Dự luật về Trí tuệ nhân tạo của EU vấp phải sự phản đối của một số quốc gia châu Á

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

VietTimes – Mục tiêu của EU là biến dự luật AI trở thành một chuẩn mực toàn cầu về công nghệ nhằm đáp ứng các tiêu chuẩn về quyền riêng tư.

Dự luật về AI của EU vấp phải sự phản đối của một số quốc gia châu Á (Ảnh: SCMP)
Dự luật về AI của EU vấp phải sự phản đối của một số quốc gia châu Á (Ảnh: SCMP)

Theo các quan chức cấp cao của EU và châu Á, Liên minh châu Âu đang vận động hành lang các quốc gia châu Á đi đầu trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo trong việc áp dụng các quy tắc mới cho các công ty công nghệ, bao gồm việc thông tin về nội dung có bản quyền và nội dung do AI tạo ra.

EU và các quốc gia thành viên đã cử các quan chức đến đàm phán về các quy định sử dụng AI với ít nhất 10 quốc gia châu Á bao gồm Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore và Philippines.

Mục tiêu của khối là các quy định AI được đề xuất trở thành một chuẩn mực toàn cầu về công nghệ nhằm đáp ứng các tiêu chuẩn về quyền riêng tư.

Tuy nhiên, một số quốc gia châu Á đang tỏ ra thờ ơ với các quy định này. Nhiều quốc gia đang hướng tới một cơ chế quản lý các dịch vụ AI linh hoạt hơn.

Singapore, một trong những trung tâm công nghệ hàng đầu châu Á, có xu hướng xem xét các công nghệ phát triển như thế nào trước khi đưa ra các quy định về việc quản lý, một quan chức của thành phố chia sẻ với Reuters. Các quan chức từ Singapore và Philippines bày tỏ lo ngại rằng việc thay đổi quy định quá vội vàng có thể kìm hãm sự đổi mới của AI.

Về phần mình, Nhật Bản đang nghiêng về các quy tắc nhẹ nhàng hơn so với cách tiếp cận nghiêm ngặt mà EU đề ra. Lý do là bởi Nhật Bản trông đợi công nghệ này sẽ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và đưa nước này trở thành quốc gia dẫn đầu về chip tiên tiến.

Những nỗ lực ở châu Á là một phần trong nỗ lực toàn cầu của các quốc gia châu Âu, bao gồm các cuộc đàm phán với các quốc gia như Canada, Thổ Nhĩ Kỳ và Israel, Bộ trưởng kỹ thuật số Hà Lan Alexandra van Huffelen nói với Reuters trong một cuộc phỏng vấn.

“Chúng tôi đang cố gắng tìm cách để áp dụng các quy định về quản lý AI mà EU đề ra sao cho phù hợp với quốc gia của mình và không làm ảnh hưởng đến sự phát triển của thị trường AI trong nước".

Sự xuất hiện của AI đã được ca ngợi là một bước đột phá sẽ mở ra một kỷ nguyên tiến bộ nhanh chóng của khoa học và công nghệ, cách mạng hóa tất cả các khía cạnh hoạt động của con người, nhưng cũng được coi là một mối đe dọa hiện hữu.

Các nhà lập pháp EU vào tháng 6 đã đồng ý với một bộ quy tắc dự thảo tiên phong, điều này sẽ khiến các công ty như OpenAI thông báo nội dung do AI tạo ra, giúp phân biệt dễ dàng hơn đâu là hình ảnh do AI tạo ra và đâu là hình ảnh thật, đảm bảo các biện pháp bảo vệ chống lại nội dung bất hợp pháp.

Các quy định mà EU đưa ra cũng bao gồm các hình phạt tài chính đối với các doanh nghiệp vi phạm quy định. Điều này đã vấp phải sự phản đối của rất nhiều công ty công nghệ, với hơn 160 giám đốc điều hành đã ký vào một lá thư cảnh báo rằng các quy định này có thể gây ảnh hưởng xấu đến khả năng cạnh tranh, đầu tư và đổi mới của châu Âu.

Tuy nhiên, các quan chức EU vẫn bày tỏ sự lạc quan về việc họ có thể tìm thấy điểm chung với các đối tác quốc tế để thúc đẩy hợp tác về các công nghệ bao gồm cả AI.

Các nhà lãnh đạo của Nhóm G7 bao gồm Canada, Pháp, Đức, Ý, Nhật Bản, Anh, Hoa Kỳ và Liên minh Châu Âu, hồi tháng 5 đã kêu gọi áp dụng các tiêu chuẩn để tạo ra AI “đáng tin cậy”. EU cũng đang có kế hoạch sử dụng các cuộc họp G20 sắp tới để thúc đẩy hơn nữa sự hợp tác toàn cầu về AI.

Theo SCMP