Hôm 21/4 vừa qua, Hạ viện Mỹ đã bỏ phiếu thông qua dự luật về TikTok. Tuy nhiên, dự luật còn cần sự phê chuẩn của Thượng viện và cần chữ ký ban hành của Tổng thống Joe Biden.
Đây là lần thứ hai các nhà lập pháp Hạ viện thông qua dự luật. Trước đó, hồi tháng 3, Hạ viện đã thông qua dự luật cho phép TikTok có 6 tháng để kiếm đối tác mua lại công ty. Nếu không tuân thủ, ứng dụng này sẽ bị cấm trên tất cả các cửa hàng ứng dụng ở Mỹ cũng như trên "các dịch vụ Internet có hỗ trợ TikTok".
Điểm khác biệt so với dự luật hồi tháng 3 là thay vì thời hạn 6 tháng, TikTok sẽ có thời hạn 9 tháng để tìm đối tác mua lại công ty. Thời hạn này có thể được chính phủ Mỹ kéo dài thêm 3 tháng nữa nếu Tổng thống Biden xác định rằng đã có tiến triển trong việc mua bán.
Việc nới lỏng cho TikTok thời hạn tới 1 năm là sự thay đổi trong tính toán chính trị của chính quyền Tổng thống Biden. Một số nhà lập pháp trước đây tỏ ra hoài nghi giờ đã quay sang ủng hộ dự luật. Một trong số đó là Thượng nghị sĩ đảng Dân chủ Maria Cantwell, người đứng đầu Ủy ban Thương mại Thượng viện.
Một yếu tố khác biệt nữa so với hồi tháng 3 là đảng Cộng hòa tại Hạ viện đã gắn dự luật cấm TikTok với một gói viện trợ nước ngoài. Thay vì yêu cầu Thượng viện bỏ phiếu riêng biệt về dự luật TikTok, việc kết hợp dự luật với viện trợ nước ngoài cho Ukraine và Israel khiến các nhà lập pháp khó phản đối dự luật TikTok hơn.
Điều gì xảy ra khi Thượng viện thông qua dự luật?
Theo Paul Gallant, nhà phân tích chính sách tại Công ty nghiên cứu thị trường Cowen, nói rằng khả năng Thượng viện thông qua dự luật là 80%. Cuộc bỏ phiếu tại Thượng viện có thể được tiến hành trong 1-2 tuần tới.
Nếu Thượng viện thông qua dự luật, nó sẽ được chuyển đến bàn của Tổng thống Joe Biden. Ông vốn đã tán thành bản dự luật hồi tháng 3, nên nhiều người cho rằng Tổng thống sẽ nhanh chóng phê chuẩn dự luật.
Sau khi dự luật được phê chuẩn, TikTok có 270 ngày để tìm người mua. Nếu TikTok không thể tách rời khỏi công ty mẹ ByteDance, nó sẽ bị cấm hoàn toàn trên đất Mỹ.
Về phía TikTok, các lãnh đạo của công ty này không giấu giếm khả năng đưa vụ việc ra tòa. Hồi tháng 3, Giám đốc điều hành TikTok Shou Chew đã tuyên bố sẽ tiếp tục đấu tranh, bao gồm cả việc "thực hiện các quyền hợp pháp của chúng tôi".
TikTok và một số nhóm xã hội dân sự đã chỉ trích dự luật mà Hạ viện vừa thông qua là vi hiến, và cho rằng nó vi phạm quyền truy cập thông tin hợp pháp trong Tu chính án thứ nhất của người dùng TikTok.
Sẽ ra sao nếu TikTok được bán cho một công ty khác?
Vấn đề là ByteDance, công ty mẹ của TikTok, phải tuân thủ luật pháp Trung Quốc, và chính phủ Trung Quốc luôn phản đối việc mua bán.
Trong những năm gần đây, Trung Quốc đã siết chặt việc xuất khẩu thuật toán công nghệ. Chính sách này bao trùm công cụ đề xuất, thuật toán vốn đem lại thành công rực rỡ cho TikTok.
Nếu chính phủ Trung Quốc không muốn ByteDance từ bỏ thuật toán của TikTok, nước này có thể chặn hoàn toàn việc mua bán. Ngoài ra, Trung Quốc cũng có thể cho phép bán TikTok nhưng không kèm thuật toán nói trên.
TikTok liệu có thể thành công nếu không có thuật toán nói trên? Đó là câu hỏi khó mà công ty phải đối mặt trong trường hợp buộc phải bán. Nếu không có thuật toán đã đưa ứng dụng này đến với 170 triệu người dùng ở Mỹ, TikTok có thể coi như vô dụng.