Chính quyền Bắc Kinh khi đó nói, họ tiến hành cái gọi là “Chiến tranh phản kích tự vệ” để đáp trả “những hành động khiêu khích chống Trung Quốc của Việt Nam”, “chi viện cuộc kháng chiến của nhân dân Campuchia”... Rằng, họ đã giành chiến thắng và cuộc chiến “phản kích tự vệ” đó đã đạt được mục đích đề ra” v.v. và v.v.. Tuy nhiên, sau 40 năm, ngày càng có nhiều người Trung Quốc hiểu biết, tôn trọng lẽ phải, nhất là các học giả và những người lính đã từng tham gia cuộc chiến tranh năm ấy nhận rõ sự thực, dũng cảm phản bác lại những điều mà họ từng ngộ nhận; công bố và phân tích về những thực tế phũ phàng của “cuộc chiến tranh vô nghĩa” trái đạo lý ấy...
“Một cuộc chiến tranh gây tranh cãi”
Dưới tiêu đề “Cựu binh tham chiến vạch ra 11 vấn đề bên trong của Chiến tranh phản kích tự vệ chống Việt Nam”, diễn đàn Cường quốc của báo điện tử “Nhân dân Nhật báo” (bbs1.people.com.cn) ngày 13.7.2016 đã đăng hình ảnh cô nữ du kích người Tày súng trong tay đang dẫn giải toán tù binh Trung Quốc kèm theo chú thích: “Nữ binh Việt Nam giám sát các binh lính Trung Quốc bị bắt trong Chiến tranh phản kích tự vệ chống Việt Nam năm 1979; mà đó là cả một đại đội đầu hàng tập thể”.
Dưới bức ảnh, tác giả viết: “Vào tết Thanh Minh năm nay, có cựu binh từng tham gia cuộc Chiến tranh Trung – Việt năm 1979 đã bằng những điều bản thân trải qua, lật tẩy 11 vấn đề bên trong cuộc chiến đang được yêu cầu phải quên đi ấy. Rất nhiều người lại nêu ra: tính mạng các binh sĩ chỉ có giá tiền ngang một con lợn liệu có đáng phải tham gia cuộc chiến tranh đó? Vì sao Trung Quốc đem tiền đi viện trợ nước khác ở khắp nơi mà không có những người bạn thực sự?
Trên Diễn đàn mạng Thiên Nhai (Chân trời, “Tianya.cn”) có đăng bài viết của tác giả lấy nick là “Shuqinghaigui” là biên tập viên của một tòa soạn báo, từng tham gia cái gọi là “Chiến tranh phản kích tự vệ chống Việt Nam”. Người này cho biết ông 16 tuổi vào lính, 19 tuổi bị thương trở thành quân nhân tàn phế, nhiều năm nay đã viết bài và đi khắp nơi đói quyền lợi hợp pháp cho các lính bị thương khi xưa.
Cựu binh này viết với giọng thương cảm: “Chúng tôi đã tuổi quá ngũ tuần, đang già đi, một số chiến hữu bắt đầu nhớ lại cuộc chiến tranh mình đã trải qua năm xưa, cũng tức là “Chiến tranh phản kích tự vệ chống Việt Nam”. Cùng với thời gian qua đi, nay nhớ lại những hiện tượng kỳ quái khi đó, bỗng rút ra những kết luận mà chính bản thân cũng cảm thấy lạ lẫm”.
Cựu binh này ý thức được rằng, khi mô tả liên quan đến cuộc chiến tranh sinh tử, mọi người thường thích nói quá lên. Mỗi khi đọc những bài viết kể lại cuộc chiến đó đều cảm thấy rất nhiều điều không đúng thực tế;.Đều tự mình thấy mình là người tự thân trải qua cuộc chiến, cần phải đứng ra nói vài điều, sửa đổi tận gốc. Ông ta bày tỏ, tuy ông không có quyền uy, nhưng những điều ông nói đều là sự trải nghiệm, cảm nhận hoặc khảo chứng chân thực về cuộc chiến tranh ấy.
Một nghĩa địa lính Trung Quốc bị chết trong Chiến tranh Tháng 2.1979 tại huyện Malipho, Vân Nam (Ảnh tư liệu Trung Quốc)
|
Tác giả này viết: “Chiến tranh phản kích tự vệ chống Việt Nam là một cuộc chiến có vấn đề nghiêm trọng về cả hoạch định lẫn chỉ huy, cần phải nhìn nhận lại… Cuộc chiến đó thương vong quá nhiều. Quân đội ta (tức Trung Quốc) không thể hiện được ưu thế về trang bị và chiến thuật; hệ thống hậu cần và tiếp tế hỗn loạn, thiếu sự hiệp đồng giữa bộ binh - xe tăng và mặt đất - trên không, không quân và tên lửa chiến lược không tham chiến. Vũ khí nhẹ quân lính sử dụng quá cũ, không thực hiện được áp chế hỏa lực…
Sĩ quan chỉ huy chiến trường hầu như không biết tác chiến hiệp đồng binh chủng, bộ thống soái cao nhất thì chiến lược hỗn loạn. Chiến tranh không đạt được mục đích “trừng phạt Việt Nam, phá hủy tiềm lực và tài nguyên, sát thương quân chủ lực và phá hoại chiến lược quân sự”, cũng không đạt mục tiêu chiến lược chính trị “làm Việt Nam tan rã, giúp chính phủ mới thân Hoa lên cầm quyền”. Tuy nhiên mục tiêu chính trị quan trọng trong nước là giải quyết vấn đề nắm quyền chỉ huy quân đội thì đã được giải quyết thuận lợi”.
Tác giả “Shuqinghaigui” nêu lên “11 vấn đề bên trong cuộc chiến tranh cần được làm sáng tỏ”, bao gồm:
“1. Về nguyên nhân gây chiến tranh, đến nay vẫn chưa được giải thích công khai, chính thức và khiến người ta tin phục. Thậm chí tướng Trương Thắng, nguyên Cục trưởng Cục Tác chiến/Tổng bộ Tham mưu (con trai nguyên Bộ trưởng Quốc phòng Trương Ái Bình) cũng thừa nhận trong hai cuốn sách của ông “Đi ra từ chiến tranh” và “Đặc công cuối cùng náu mình ở Đại lục”: về nguyên nhân của cuộc chiến tranh ấy, ngay Bộ trưởng Quốc phòng khi đó cũng không rõ vì sao phải tiến hành.
2. Mục đích chiến lược cơ bản không đạt được. Trong cuộc chiến tranh đó, chúng ta chiếm ưu thế tuyệt đối cả về binh lực lẫn hỏa lực, nhưng chúng ta không đạt được mục đích chiến lược là tiêu diệt 2 sư đoàn chủ lực 316A và 316B của Việt Nam.
3. Trang bị tiên tiến chỉ để trưng bày. Khi đó ta có các trang bị hiện đại máy bay, xe tăng, tên lửa, nhưng do những người chỉ huy không biết tác chiến hiệp đồng nên các trang bị đó trở thành đồ trang trí. Vốn ra một chiếc máy bay có thể giải quyết được vấn đề phong tỏa, nhưng phải dùng đến cả trung đoàn bộ binh, đi ngược lại quan niệm giá trị trong chiến tranh.
4. Bảo đảm hậu cần cực kỳ kém cỏi. Tôi (tác giả) bị thương ngày 19.2, nhưng mãi tới ngày 27.2 mới được chữa chạy bài bản, trong suốt thời gian đó chỉ được cho uống 1 viên Sulfonamide tác dụng chậm khiến vết thương nhiễm trùng, buộc phải tháo bỏ ngón chân cái ở chân trái. Nhiều thương binh do chưa được học cách sơ cứu đơn giản đã bị đưa ra chiến trường nên sau khi bị thương vì mìn, không biết cách cầm máu đã bị chết vì chảy kiệt máu. Một thương binh trước khi chết còn nắm tay tôi chửi rủa “Bọn quân y chó má, chết mẹ chúng nó đi!”.
Chiến tranh đã mang lại nỗi đau mất con cho hàng vạn bà mẹ Trung Quốc (Ảnh tư liệu Trung Quốc)
|
5. Tấn công không có bài bản. Vừa khai chiến, bộ đội đã ào ạt kéo lên. Khi tôi (tác giả) ở điểm cao 796, nhìn xa nhìn gần, khắp mặt đất toàn là lính ta. Khi đó tôi đã phẫn nộ nói với Tham mưu trưởng: “Vào trong xóm tìm một đứa trẻ cũng không chỉ huy tồi như thế”. Một quả pháo, một loạt đạn của đối phương cũng quét sạch cả một mảng lớn lính ta.
6. Pháo nhỏ bắn bừa, pháo lớn thì hạn chế. Hỏa lực pháo đi kèm bắn không hạn chế đạn, các loại trọng pháo 152 ly và 130 ly thì đều hạn chế, có lúc phải được Tổng bộ tham mưu phê chuẩn mới được bắn, nhưng lính thì tung không hạn chế.
7. Hiện tượng tự thương trên chiến trường liên tiếp xảy ra. Để trốn tránh đi đánh nhau, một số binh lính sau khi vượt biên “đánh kẻ xâm lược” đã tự bắn vào chân mình.
8. Mức tiền trợ cấp cho người bị thương vẫn là tiêu chuẩn thời Chiến tranh giải phóng (tức trước khi Cộng hòa nhân dân Trung Hoa thành lập năm 1949). Chính sách chúng ta đề ra đã quá lạc hậu. Sau khi bị thương, tôi chỉ được cấp 15 tệ (Nhân dân tệ) tiền thương tật, đó là tiêu chuẩn thời Chiến dịch Hoài Hải (nội chiến với Tưởng Giới Thạch trước 1949); chỉ bằng 1/100.000 mức tiêu chuẩn của Anh, Mỹ cùng thời kỳ, trong khi lúc đó GDP của Trung Quốc cũng không chênh lệch với các nước này lớn đến mức ấy.
9. Tiền tuất cho lính tử trận chỉ tương đương giá một con lợn. Khi đó mỗi liệt sĩ chỉ được 300 tệ tiền tuất, đúng bằng giá một con lợn. (1 Nhân dân tệ hiện nay tương đương 3.500 VND)
10. Tiền cho lính bị thương xuất ngũ còn thê thảm hơn. Sau khi tôi (tác giả) bị thương xuất ngũ, hơn chục năm đầu mỗi năm chỉ được nhận 30 tệ tiền xương máu. Năm 2010 sau 31 năm bị thương mới nhận được quà úy lạo của chính phủ. Đêm hôm đó, tôi nắm cái quà kỉ niệm ấy (cũng trị giá 300 tệ), một mình ngồi uống rượu; uống mãi, uống mãi, nước mắt chảy giàn giụa. Hơn 30 năm rồi, những cựu binh chúng tôi nhiều người vẫn chưa có nhà ở, chưa lấy được vợ!
Một người lính Trung Quốc kêu khóc bên cạnh người bạn bị chết (Ảnh tư liệu Trung Quốc)
|
11. Những sách ghi chép chân thực về cuộc chiến tranh ấy không thể xuất bản được. Năm 2010, tôi (tác giả) căn cứ vào những gì mình đã trải qua viết được hai cuốn sách “Ghi chép của một thương binh chiến tranh Việt Nam” và “Thực sắc”, đăng lên mạng, gây bùng nổ khắp nước. Nhưng cuốn đầu được thông báo là “không thể xuất bản”. Sách về “Chiến tranh phản kích tự vệ chống Việt Nam” không được kích động quá, chỉ được gọi là “Xung đột vũ trang cục bộ ở phía Nam”. Một cuộc chiến tranh làm đổ máu mấy chục vạn người mà không cho nói đến như thế, trong tương lai ai sẽ đi đánh nhau cho các người đây?
Cuộc “Chiến tranh phản kích tự vệ chống Việt Nam” năm 1979, rất nhiều binh sĩ Trung Quốc đã trở thành vật hy sinh. Họ chết vì cái gì?”.
11 vấn đề được người cựu binh đó nêu lên đã gây cộng hưởng trong cộng đồng mạng. Có cư dân mạng nêu lên quan điểm của bản thân về cuộc chiến tranh đó: cái gọi là “Chiến tranh phản kích tự vệ chống Việt Nam” khiến mấy vạn người đổ máu hy sinh đó, về đối ngoại là để giải cứu “người anh em Khmer Đỏ”, về đối nội là để Đặng Tiểu Bình nắm quyền chỉ huy quân đội và thiết lập uy quyền.
Cũng có cư dân mạng đưa ra lời cảnh báo: đất nước này có đáng để anh đi liều mạng hay không? Liều mạng mà không được thừa nhận, sinh mạng chỉ đáng giá tiền một con lợn, chỉ dám ở đây oán trách, không cẩn thận sẽ bị đàn áp, bắt giam.
Cũng có người nêu lên điều đáng phải suy nghĩ: vì sao Trung Quốc viện trợ nước khác khắp nơi nhưng lại rất ít bạn bè?...”.