Tại cuộc họp báo, Bộ trưởng Ngoại giao Hoàng Hoa tuyên bố: “Quân đội chúng tôi đã hoàn thành nhiệm vụ tác chiến ở biên giới phía Nam và đã rút hết về nước!”. Dừng vài giây, Hoàng Hoa nói tiếp: “Hiện không còn bất cứ một người lính nào trên đất Việt Nam nữa!”.
Nhưng thực tế, trong số hơn nửa triệu binh lính, dân binh, quân dự bị tham gia trận chiến này, vẫn còn mấy trăm người hiện đang không rõ tung tích. Trên chiến trường, không rõ tung tích có nghĩa thế nào thì ai cũng biết. Nên trong các buổi truy điệu, họ đều được coi là tử sĩ. Ngoài ra, còn có 239 người khi đó đang bị Việt Nam giam giữ trong các trại tù binh. Trong số đó, có nguyên vẹn một đại đội sau khi bị bao vây, mất liên lạc với trên đã họp chi bộ với sự có mặt của các cán bộ cấp trên và ra nghị quyết đầu hàng tập thể. Vụ này được coi là “sự kiện nhục nhã nhất” trong lịch sử quân đội Trung Quốc (PLA).
Vụ việc này nhiều lần được báo chí bàn luận, mổ xẻ, phân tích trong suốt nhiều năm qua, mới nhất là trên trang Tin hàng đầu mỗi ngày (kknews.cc) các ngày 1.5.2018, 22.7.2018, ngày 9.11.2018; news.qq.com ngày 21.4.2018, trang DWNews ngày 28.4.2018 và Sohu.com ngày 6.9.2018.
Toàn bộ Đại đội 8 và các sĩ quan sở chỉ huy tiền phương của Trung đoàn 448 bị dẫn giải về trại giam
|
“Trận chiến nhục nhã nhất” là nhan đề bài báo đăng trên mạng “Chiến lược” Trung Quốc (Chinaiiss.com) ngày 12.11.2013. Bài báo cho rằng đây là vết nhơ, sự kiện ô nhục trong lịch sử quân đội Trung Quốc. Trang Sohu.com ngày 6.9.2018 cũng chạy tiêu đề “Trận nhục nhã nhất trong toàn bộ cuộc chiến tranh, sau khi về nước Trung đoàn trưởng bị tống giam, Phó tư lệnh quân đoàn bị bãi chức”. Trang Tin tức hàng đầu mỗi ngày thì viết: Tuy Trung Quốc tuyên bố đã giành thắng lợi trong cuộc chiến tranh này, nhưng lại lựa chọn cách quên nó đi.
Trong chiến tích được công bố, phần thương vong không hề đả động đến những người bị bắt. Theo ghi chép về trao đổi tù binh dưới sự trung gian của Hội Chữ thập đỏ quốc tế thì số lính Trung Quốc bị phía Việt Nam bắt làm tù binh tổng cộng 239 người, trong đó có 219 người ở cùng một trung đoàn. Phía sau 219 tù binh này là sự kiện đầu hàng có tính chất xấu xa nhất trong lịch sử đạo quân mang tên “Giải phóng quân nhân dân Trung Quốc – PLA”.
Theo thông tin trên báo chí Trung Quốc, “sự kiện nhục nhã chưa từng có trong lịch sử quân đội Trung Quốc” này diễn ra như sau:
Trước khi xảy ra cái gọi là “Chiến tranh phản kích tự vệ chống Việt Nam” sư đoàn 150, quân đoàn 50 của Quân khu Thành Đô được khẩn cấp mở rộng biên chế từ sư đoàn loại B nâng lên thành sư loại A, được bổ sung thêm nhiều cựu binh đã qua rèn luyện điều động từ các đơn vị phía Bắc xuống và số lớn tân binh mới nhập ngũ, quân số từ hơn 6.000 tăng vọt thành hơn 11.000 người. Cán bộ các cấp phần lớn chưa có kinh nghiệm chiến đấu, sĩ quan chỉ huy cấp đại dội, trung đội đều mới được đề bạt. Tuy đã được huấn luyện khẩn cấp trước khi xảy ra chiến tranh nhưng chất lượng quân sự chưa được kiểm nghiệm. Sư đoàn trưởng là Lưu Đồng Sinh, Chính ủy Dương Chấn Đạo, sư đoàn 150 gồm 3 trung đoàn bộ binh có phiên hiệu 448, 449, 450 và trung đoàn pháo binh.
Ngày 21.2.1979, sư đoàn 150 hành quân bằng xe lửa và ô tô từ Tứ Xuyên vượt qua 3.000km tới mặt trận Quảng Tây, tập kết tại các khu vực Ninh Minh, Minh Giang trước ngày 5.3 làm nhiệm vụ dự bị, đề phòng quân đội Việt Nam đánh sang. Sau khi chính phủ Trung Quốc tuyên bố rút quân, hầu hết sư đoàn 150 (trừ trung đoàn pháo binh) nhận lệnh của Sở chỉ huy tiền phương Quân khu Quảng Châu vượt biên sang Việt Nam qua cửa khẩu Thủy Khẩu làm nhiệm vụ càn quét ở phía Tây Cao Bằng dưới sự chỉ huy của Bộ Tư lệnh quân đoàn 41. Để giúp phối hợp với đơn vị bạn và tăng cường chỉ huy, quân đoàn 50 đã cử hai Phó tư lệnh quân đoàn là Quan Khoát Minh, Lâm Trung Hòa và Phó chính ủy Hầu Bồi Tụ lập thành tổ công tác về nằm vùng tại sư đoàn 150.
Tù binh Trung Quốc xếp hàng đi ăn cơm trong trại. Ảnh tư liệu.
|
Sáng 7.3, trung đoàn 448 vào đến thị xã Cao Bằng theo đường số 3 qua cửa khẩu Thủy Khẩu sang Tà Lùng, huyện Phục Hòa, ít giờ sau tổ công tác nằm vùng của Quan Khoát Minh cũng tới. Theo hiệp đồng với quân đoàn 41 thì sư đoàn 150 được giao nhiệm vụ trong vòng 7 ngày phải càn quét, lùng sục tiêu diệt đối phương, tìm kiếm các kho vật tư của đối phương (nói trắng ra là cướp bóc, vơ vét của cải) và tìm kiếm, thu dung lính Trung Quốc bị thương, tử trận... trong khu vực phía tây Cao Bằng rộng 280km2 mà sư đoàn 121, quân đoàn 41 đã bị quân dân Việt Nam đánh cho tơi tả trước đó.
Trung đoàn 448 được khẩn cấp nâng từ loại B lên loại A trước khi xảy ra chiến tranh, cán bộ chỉ huy các cấp đều chưa qua đánh trận. Ê-kíp chỉ huy bao gồm: trung đoàn trưởng Lý Thiệu Văn, Chính ủy Lý Triệu Bích, 3 trung đoàn phó: Hồ Khánh Trung, Lan Văn Bân, Vương Bảo Nhân, 3 phó chính ủy: Long Đức Xương, Điền Văn Siêu, Vương Khiêm Trí và Tham mưu trưởng Cao Lập Hoa, Tham mưu phó Phó Bồi Đức còn có 3 trung đoàn bộ binh và 5 đại đội trực thuộc, tổng quân số hơn 2.500 người.
Trong 3 ngày từ 7 đến 10.3, hoạt động của sư đoàn 150 được đánh giá là “hoàn thành nhiệm vụ”. Tối 10.3, quân đoàn 41 ra lệnh cho sư 150 ngừng tiến công, trong vòng 3 ngày phải tiến theo hướng Bắc vừa truy quét đối phương vừa hành quân về nước, ngày 14.3 phải rút về nước qua đường Bình Mãng (tức hướng Sóc Giang, Hà Quảng). Tuy nhiên khi lựa chọn đường rút về, giữa Phó tư lệnh quân đoàn 50 Quan Khoát Minh và Sư đoàn trưởng 150 Lưu Đồng đã bộc lộ mâu thuẫn. Lưu Đồng cho rằng đơn vị đã hoàn thành nhiệm vụ nên cứ rút quân theo đúng đường cũ đã sang (tức quốc lộ 3 qua cửa khẩu Tà Lùng), về nước an toàn là thắng lợi.
Còn Quan Khoát Minh lại cho rằng sư đoàn 150 chưa hoàn thành nhiệm vụ tìm diệt sinh lực và lùng sục tìm kiếm kho tàng của Việt Nam, nếu rút quân về theo hướng bắc hướng Thiên Phong Lĩnh thì có thể mở rộng chiến quả (vơ vét được nhiều của cải hơn). Hai bên mâu thuẫn gay gắt, không ai chịu ai. Sau khi biết tin, Bộ Tư lệnh quân đoàn 41 đã gửi điện ra lệnh cho sư đoàn 150 rút về theo đường cũ; nhưng bức điện quan trọng đã mã hóa đó đã bị một nhân viên cơ yếu sơ xuất hủy đi mà không dịch ra. Vì thế, cuối cùng Quan Khoát Minh đã ra lệnh cho sư đoàn chia làm 3 cánh rút về theo hướng Bắc như ý ông ta.
Hai trung đoàn 449 và 450 rút quân khá trót lọt, nhưng trung đoàn 448 thì không may mắn như họ. Theo ý Quan Khoát Minh, để thu được thêm nhiều vật tư, hàng hóa của Việt Nam thì phải “vạch cỏ đánh Thỏ” nên đã chia thành 2 cánh vừa rút vừa lùng sục tìm kiếm kho tàng trong các hang động
Sáng 11.3, cánh Tây của tiểu đoàn 2 gồm đại đội 8 đặc nhiệm có Sở chỉ huy tiền phương trung đoàn 448 với Trung đoàn trưởng Hồ Khánh Trung và Phó chính ủy Long Đức Xương đi kèm bị quân đội Việt Nam tập kích ở thôn Nà Ca (xã Minh Tân, huyện Nguyên Bình). Quân Việt Nam không đông, nhưng chiếm được địa thế có lợi, dùng súng máy bắn quét. Phía Trung Quốc bất ngờ, không kịp trở tay nên thương vong nặng nề.
Trung đoàn báo cáo lên trên, xin cứu viện. Sư đoàn 150 thấy tình hình nghiêm trọng nên đồng ý, định lệnh cho 2 trung đoàn 449, 450 quay lại cứu viện, nhưng bị tổ công tác của quân đoàn 50 bác bỏ, cho rằng tiểu đoàn 2 có thể tự phá vây được, chỉ đồng ý để trung đoàn 448 cử 2 đại đội do Tham mưu phó trung đoàn Phó Bồi Đức chỉ huy quay lại hỗ trợ phá vây, nhưng cả 2 đại đội này đều bị quân dân Việt Nam phục kích, đánh cho tan tác...
Sau mấy ngày bị bao vây, tiểu đoàn 2 và Sở chỉ huy tiền phương của trung đoàn 448 bị đánh tơi tả, đạn dược lương thực cạn dần, không thấy quân cứu viện đến, tinh thần binh sĩ sa sút nghiêm trọng, triệt để mất ý chí chiến đấu chỉ biết co cụm chờ cứu viện. Ngày 13.3, Quân đoàn 41 được báo cáo tình hình một bộ phận trung đoàn 448, sư đoàn 150 bị bao vây, đã lệnh cho các đơn vị gần đó tới cứu viện, nhưng có đơn vị chưa đến nơi đã quay đầu. Sau này, có tin Quân ủy Trung Quốc cho rằng trung đoàn 448 bị bao vây ở vùng núi non hiểm trở, không huy động lực lượng lớn thì khó giải vây. Mà lúc này Trung Quốc đã tuyên bố rút quân, nếu triển khai hành động quân sự quy mô lớn sẽ gây ảnh hưởng xấu trên quốc tế nên đã ra lệnh các đơn vị cứu viện quay về.
Ngày 19.3.1979, Phó Bồi Đức, Long Đức Xương và các cán bộ chỉ huy gồm đại đội trưởng, chính trị viên đại đội 8, tiểu đoàn 2 đã tổ chức họp chi bộ đảng mở rộng, ra nghị quyết quyết định hạ vũ khí, kéo cờ trắng cả tập thể ra đầu hàng quân đội Việt Nam. Đây được cho là điều chưa từng có trong lịch sử quân đội Trung Quốc từ xưa đến nay.
Tấm ảnh đã trở thành biểu tượng cho sự thất bại của phía Trung Quốc trong Chiến tranh Tháng 2 năm 1979
|
Sau này khi tổng kết, chỉ riêng trong trận Nà Ca, Lãng Trang này, trung đoàn 448 bị tập kích thất lạc cả thảy 542 người, để mất vào tay đối phương 407 khẩu súng các loại, 202 người bị bắt làm tù binh, trong đó có Phó chính ủy Long Đức Xương, Tham mưu phó Phó Bồi Đức, Tiểu đoàn trưởng tiểu đoàn 2, đại đội trưởng, chính trị viên đại đội 8 cùng các cán bộ đại đội, trung đội... Số còn lại đều bị chết hoặc mất tích.
Sau chiến tranh, Dương Dũng, Phó Tổng tham mưu trưởng quân đội Trung Quốc đích thân dẫn đoàn cán bộ xuống quân đoàn 50 điều tra, tổng kết, xử lý vụ việc được coi là “ô nhục chưa từng có trong lịch sử quân đội” này. Phó tư lệnh quân đoàn Quan Khoát Minh bị kỷ luật cách chức, giáng cấp xuống cấp sư đoàn, trong quyết định kỷ luật ghi rõ: “tham sống sợ chết”, Phó tư lệnh Lâm Trung Hòa bị giáng chức, Phó chính ủy Hầu Bồi Tụ bị cảnh cáo trong đảng, các cán bộ chỉ huy cấp sư đoàn, trung đoàn cũng bị kỷ luật hoặc điều chỉnh. Vụ việc được đưa thành giáo trình phản diện điển hình của việc tăng cường chỉ huy trong quân đội.
Từ tháng 5 đến tháng 6.1979, hai nước Trung – Việt tiến hành 5 đợt trao trả tù binh tại cửa khẩu Hữu Nghị nằm giữa Lạng Sơn và Quảng Tây. Đến ngày 22.6.1979, 239 tù binh Trung Quốc (thực ra là 238 người và hài cốt 1 tù binh bị chết trong trại do bị thương) đã được Việt Nam trao cho phía Trung Quốc. Tất cả họ bị đưa về “Lớp học tập” ở sân bay Ngô Vu ở ngoại ô Nam Ninh để thẩm tra, một số cán bộ chỉ huy có trách nhiệm trong vụ đầu hàng tập thể của trung đoàn 448 bị xử lý kỷ luật và chuyển cho tòa án quân sự trừng phạt. Lý Hòa Bình, đại đội trưởng và Phùng Tăng Mẫn, chính trị viên Đại đội 8 đặc nhiệm thuộc Tiểu đoàn 2 bị nhận án 10 năm tù giam vì tội “phản bội đầu hàng”.
Về biên chế tổ chức, trong đợt điều chỉnh biên chế quân đội năm 1985, quân đoàn 50 và Sư đoàn 150 với 4 trung đoàn trực thuộc cũng bị xóa phiên hiệu, vĩnh viễn không tồn tại trong biên chế của quân đội Trung Quốc nữa.
Lời kết:
Đã 40 năm trôi qua kể từ khi xảy ra cuộc Chiến tranh biên giới phía Bắc năm 1979; hai nước Việt Nam và Trung Quốc đã bình thường hóa quan hệ, Hiệp định phân định biên giới trên bộ đã được ký kết và công tác phân giới cắm mốc đã hoàn thành, biên giới trên bộ đã thực sự là đường biên giới hòa bình, hợp tác. Quan hệ về chính trị, ngoại giao hai bên chặt chẽ; hợp tác về kinh tế, thương mại, du lịch đang phát triển rất nhanh. Hai nước hiện nay đang tích cực phát triển quan hệ hợp tác toàn diện trên các mặt...
Chiến tranh bảo vệ biên giới phía bắc Tháng 2.1979 là một câu chuyện buồn trong lịch sử, một câu chuyện buồn trong quan hệ Việt Nam - Trung Quốc. Dẫu vậy, nó vẫn là lịch sử, cần phải được nhìn nhận với sự thật đầy đủ. Cần thiết phải nhắc để nhân dân ta và các thế hệ sau ghi nhớ, biết ơn và tôn vinh những chiến sĩ và đồng bào đã hy sinh để bảo vệ biên cương Tổ quốc, như chúng ta đã và sẽ vẫn tôn vinh bao nhiêu anh hùng liệt sĩ trong các cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc. Chiến tranh bảo vệ biên giới Tháng 2.1979 không thể bị lãng quên.
Cần phải đưa vào sách giáo khoa những sự thật lịch sử về Hoàng Sa, Trường Sa và cuộc Chiến tranh biên giới phía Bắc. Con em chúng ta cần biết và có quyền biết lịch sử, biết những gì mà ông cha đã làm, để tự hào và tiếp nối truyền thống. Chúng ta tôn trọng lịch sử, sòng phẳng với lịch sử không có nghĩa là chúng ta kích động hận thù. Mọi người dân Việt Nam cần được biết sự thật, để hiểu đâu là lẽ phải và để rút ra bài học cho các mối quan hệ quốc tế trong bối cảnh phức tạp ngày nay.