Du lịch cần làm gì để chiếm 1/3 tỷ trọng GRDP kinh tế Đà Nẵng?

VietTimes – Đà Nẵng đặt mục tiêu đến năm 2030, tổng lượt khách cơ sở lưu trú tăng 17,5-18%/năm; doanh thu lưu trú, ăn uống, lữ hành tăng 12,5-13%/năm; tỷ trọng đóng góp của du lịch trong GRDP TP ước đạt 32-34%.
Ông Trần Chí Cường - Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng.

Để hiểu rõ hơn nội dung này, VietTimes đã có cuộc trò chuyện với ông Trần Chí Cường - Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng - về định hướng phát triển du lịch Đà Nẵng trở thành ngành kinh tế mũi nhọn và định vị Đà Nẵng là điểm đến của châu Á - Trung tâm sự kiện, lễ hội quốc tế

- Theo Quy hoạch TP Đà Nẵng vừa được Chính phủ phê duyệt, từ nay đến 2030, Đà Nẵng sẽ tập trung phát triển kinh tế theo 3 trụ cột: Du lịch - Kinh tế tri thức và Trung tâm dịch vụ chất lượng cao. Vậy Đà Nẵng đã làm gì chuẩn bị cho sự phát triển của trụ cột kinh tế du lịch theo định hướng đưa ra, thưa ông?

Ông Trần Chí Cường: Để tập trung phát triển du lịch tương xứng là một trong 3 trụ cột phát triển kinh tế, Đà Nẵng đặt mục tiêu đến năm 2030, tổng lượt khách cơ sở lưu trú phục vụ tăng 17,5-18%/năm, doanh thu lưu trú, ăn uống, lữ hành tăng 12,5-13%/năm và tỷ trọng đóng góp của du lịch trong GRDP TP ước đạt 32-34%.

Vì thế, UBND TP đã ban hành Đề án định hướng phát triển du lịch TP Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 về không gian phát triển du lịch; sản phẩm du lịch; thị trường du lịch; kết cấu hạ tầng và nguồn nhân lực; nguồn lực đầu tư; chuyển đổi số; xúc tiến quảng bá; liên kết, hợp tác và đảm bảo cảnh quan, an ninh trật tự, an toàn trong hoạt động du lịch.

Đà Nẵng liên tục xúc tiến các đường bay trực tiếp, nối thị trường du lịch đến với địa phương

Đồng thời, tích hợp định hướng phát triển du lịch vào các quy hoạch: Phân khu sông Hàn, bờ Đông; ven vịnh Đà Nẵng; các khu du lịch thuộc phân khu sinh thái phía Tây, phân khu đô thị sườn đồi, quy hoạch phân khu đô thị sân bay…) và triển khai kế hoạch phát triển ẩm thực thành sản phẩm du lịch đặc sắc trên địa bàn TP Đà Nẵng giai đoạn 2023 - 2030; đề án phát triển du lịch thủy nội địa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; các đề án, kế hoạch tạo sản phẩm du lịch mới.

UBND TP đã giao cho Sở Du lịch làm đầu mối chủ trì rà soát việc triển khai, báo cáo định kỳ kết quả thực hiện cho UBND TP, đồng thời, trực tiếp chỉ đạo các vấn đề quan trọng, nhằm tháo gỡ các khó khăn vướng mắc, khơi thông nguồn lực thúc đẩy phát triển du lịch, để đạt mục tiêu đã đặt ra.

- Với định hướng phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, là trung tâm du lịch và dịch vụ chất lượng cao, một trong những trung tâm du lịch nghỉ dưỡng biển, sinh thái cao cấp, xanh, thông minh, tổ chức các hội nghị, sự kiện lễ hội mang tầm quốc tế, vậy từ nay đến năm 2030, Đà Nẵng sẽ tập trung đầu tư phát triển những sản phẩm du lịch gì để đạt mục tiêu này, thưa ông?

Ông Trần Chí Cường: Từ nay đến năm 2030, TP sẽ tập trung củng cố, nâng cấp, mở rộng khai thác và truyền thông quảng bá các nhóm sản phẩm hiện có: Du lịch nghỉ dưỡng biển với việc hỗ trợ hoàn thành các dự án quy mô tạo sức cạnh tranh như Khu du lịch sinh thái Nam Ô; khu du lịch nghỉ dưỡng và giải trí tổng hợp Làng Vân, phát triển ngành công nghiệp du thuyền với hệ thống các du thuyền cao cấp, tàu thủy lưu trú, thuyền buồm, thủy phi cơ...; Du lịch lễ hội/sự kiện thông qua việc đẩy mạnh hoạt động văn hóa lễ hội 2 bên bờ sông Hàn, hoạt động nghệ thuật đường phố, tổ chức lễ hội pháo hoa quốc tế, lễ hội Ẩm thực quốc tế, lễ hội Tận hưởng Đà Nẵng và các sự kiện văn hóa thể thao quy mô quốc tế; du lịch đường thủy (tập trung phát triển 8 tuyến đường thủy chủ lực, đầu tư các bến du thuyền dọc Sông Hàn…).

Ngoài ra cònn là sản phẩm du lịch golf, du lịch MICE, du lịch văn hóa lịch sử (phát triển các show diễn, đưa vào hoạt động Bảo tàng Đà Nẵng, Hải Vân Quan, đầu tư Bảo tàng Chăm cơ sở 2, Công viên văn hóa lịch sử Ngũ Hành Sơn…), du lịch ban đêm (hoàn thiện Khu phố du lịch An Thượng gắn với bãi biển đêm Mỹ An, thí điểm hoạt động dịch vụ tại cầu Nguyễn Văn Trỗi và công viên đầu cầu, phố đi bộ Bạch Đằng, đầu tư dự án Dòng sông ánh sáng…),…

Đà Nẵng sẽ thúc đẩy du lịch thuỷ nội địa

Song song đó, Đà Nẵng sẽ tập trung đầu tư, kêu gọi đầu tư phát triển hình thành 3 nhóm sản phẩm du lịch gồm: Sản phẩm đặc thù (du lịch biển và nghỉ dưỡng cao cấp; du lịch đô thị gắn với mua sắm, vui chơi giải trí và du lịch MICE, du lịch golf; du lịch văn hoá, lịch sử; du lịch sinh thái); sản phẩm chính (du lịch ban đêm; du lịch thủy nội địa; du lịch ẩm thực; du lịch cộng đồng, du lịch nông nghiệp và nông thôn) và sản phẩm bổ trợ (du lịch y tế và chăm sóc sức khỏe; du lịch cưới; du lịch giáo dục).

Trong đó, định hướng về chất lượng sản phẩm du lịch là chất lượng cao và ưu tiên dòng sản phẩm cao cấp; hỗ trợ tạo điều kiện để các dự án quan trọng sớm triển khai đầu tư, hoàn thành, hình thành các sản phẩm dịch vụ du lịch (Khu tổ hợp phục vụ lễ hội pháo hoa quốc tế, quảng trường - bảo tàng dọc trục trung tâm hành chính - Bạch Đằng - Trần Phú, công viên chuyên đề vui chơi giải trí và bách thảo; công viên chuyên đề văn hóa lịch sử; tổ hợp thương mại, thể thao giải trí, du lịch Hòa Xuân; công viên chuyên đề văn hóa và vui chơi giải trí kết hợp thương mại dịch vụ phía Đông Nam Đài tưởng niệm; Công viên 29 tháng 3; cải tạo hạ tầng, cảnh quan, tạo một số điểm nhấn kiến trúc trên tuyến và bãi cát đường Hoàng Sa - Võ Nguyên Giáp - Trường Sa; cải tạo hạ tầng, bờ kè, cảnh quan và tạo các điểm nhấn kiến trúc trên tuyến và bãi cát đường Nguyễn Tất Thành; đầu tư các sân golf theo quy hoạch;...).

- Với quy hoạch được phê duyệt, mục tiêu thì rất nhiều và rất cụ thể, tuy nhiên để thực hiện sẽ gặp không ít khó khăn. Ông có thể chia sẻ những khó khăn mà Đà Nẵng sẽ phải đối mặt trong tiến trình hiện thực hóa mục tiêu này?

Ông Trần Chí Cường: Để đạt được các mục tiêu đề ra theo quy hoạch được phê duyệt, hoạt động du lịch vẫn còn phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, đòi hỏi cần có các giải pháp khắc phục và thích ứng như tình hình suy thoái kinh tế toàn cầu hiện nay dẫn đến giảm nhu cầu du lịch, du khách có xu hướng tiết kiệm, thắt chặt chi tiêu và chọn điểm đến gần; xu hướng, tâm lý khách thay đổi và tác động của biến đổi khí hậu, các hiện tượng thời tiết cực đoan ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động du lịch; doanh nghiệp du lịch vẫn đang gặp khó khăn về nguồn khách, nguồn vốn kinh doanh, tái đầu tư, khó khăn trong tuyển dụng nguồn nhân lực chất lượng cao; cạnh tranh điểm đến; các vướng mắc về đầu tư hạ tầng, dự án du lịch, môi trường du lịch đang được tích cực giải quyết nhưng chưa kịp với nhu cầu phát triển, chưa đồng bộ; công tác xã hội hóa các hoạt động xúc tiến du lịch tuy có nhiều tiến bộ nhưng chưa tạo nguồn lực lớn,…

- Về tầm nhìn, Đà Nẵng sẽ trở thành Trung tâm du lịch quốc tế gắn với Trung tâm tổ chức sự kiện quốc tế vào năm 2050. Vậy theo ông, Đà Nẵng cần những điều kiện gì về đầu tư, cũng như thể chế chính sách để đạt được mục tiêu này, thưa ông?

Ông Trần Chí Cường: Để đạt được mục tiêu, thành phố cần có các cơ chế chính sách mang tính đặc thù để thu hút đầu tư sản phẩm dịch vụ du lịch mới như du lịch nghỉ dưỡng biển, sinh thái cao cấp, du lịch golf, mua sắm vui chơi giải trí đẳng cấp quốc tế, du lịch MICE, khu phi thuế quan; hình thành Trung tâm tài chính, thương mại, Trung tâm hội nghị quốc tế; phát triển các ngành công nghiệp, dịch vụ du thuyền và hạ tầng phục vụ tổ chức các sự kiện quốc tế...; phát triển lĩnh vực y tế chuyên sâu, giáo dục chất lượng cao để thúc đẩy loại hình du lịch y tế và giáo dục.

Du khách đến Đà Nẵng tăng mạnh trong năm 2023

Bên cạnh đó, tập trung nguồn lực đầu tư công cho hạ tầng du lịch để lan tỏa thu hút, thúc đẩy đầu tư tư nhân và đầu tư trực tiếp nước ngoài vào lĩnh vực du lịch; đầu tư nâng cấp sân bay, cảng biển du lịch và mở các đường bay quốc tế mới…

UBND TP hiện đang xem xét để chỉ đạo có những chính sách như nghiên cứu hình thành Quỹ tổ chức lễ hội, sự kiện từ huy động đóng góp của các tổ chức, cá nhân để thu hút và đăng cai tổ chức lễ hội, sự kiện quốc tế; thực hiện hợp tác với một số kênh truyền hình quốc tế để quảng bá du lịch Đà Nẵng; phát triển các ngành công nghiệp văn hóa như điện ảnh, ca nhạc, nghệ thuật sáng tạo...

Cảm ơn ông!