Năm 2023 tăng trưởng ngoạn mục
Chiều nay (20/12), Sở Du lịch TP Đà Nẵng đã tổ chức tổng kết, đánh giá hoạt động của ngành trong năm 2023 và phương hướng phát triển du lịch Đà Nẵng trong năm 2024.
Theo lãnh đạo Sở Du lịch TP Đà Nẵng, năm 2023, du lịch địa phương tiếp tục tăng trưởng và khôi phục mạnh mẽ. Thương hiệu du lịch và sức hấp dẫn của điểm đến Đà Nẵng tiếp tục định vị với hàng loạt danh hiệu, giải thưởng quốc tế như: Top 11 điểm đến tốt nhất châu Á năm 2024 (theo Tạp chí du lịch Mỹ CnTraveller); điểm đến trong nước được tìm kiếm nhiều nhất bởi du khách Việt trong hè 2023 (trang Booking.com thống kê); điểm đến lý tưởng để các doanh nghiệp lựa chọn tổ chức du lịch MICE (theo trang MICENET của Úc); điểm đến hàng đầu dành cho du khách Ấn Độ (theo trang Skyscanner tại Ấn Độ); đứng thứ 2 trong số điểm đến "du mục kỹ thuật số" (digital nomad) phát triển nhanh nhất thế giới (theo Tạp chí du lịch Outlook Traveller)…
Bên cạnh đó, các sản phẩm dịch vụ, điểm đến cũng nhận được nhiều giải thưởng danh giá: Cung hội nghị quốc tế Ariyana được giải thưởng Cung hội nghị quốc tế tốt nhất Việt Nam (theo World Luxury Awards 2023); Sun World Bà Nà Hills tiếp tục được vinh danh là “Công viên chủ đề hàng đầu Châu Á 2023” tại lễ trao giải thưởng Du lịch Thế giới; biển Mỹ Khê được bình chọn là một trong những bãi biển đẹp nhất châu Á do trang Tripadvisor công bố; InterContinental Danang Sun Peninsula Resort được Cẩm nang du lịch Forbes Travel Guide (Mỹ) bình chọn là khu nghỉ dưỡng tốt nhất thế giới; thời báo NZ Herald News của New Zealand xếp hạng bãi biển Đà Nẵng là một trong những địa điểm lý tưởng trong kỳ nghỉ mát vào mùa hè…
“Đó là kết quả của sự quan tâm hỗ trợ từ các cấp lãnh đạo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Cục Du lịch quốc gia, đặc biệt là sự chỉ đạo sâu sát, quyết liệt của Thường trực Thành ủy, HĐND, UBND TP, sự tham gia tích cực của các sở ban ngành và UBND các quận huyện, cùng nỗ lực không ngừng của ngành du lịch Đà Nẵng, cộng đồng doanh nghiệp tại địa phương và người dân thành phố, làm tiền đề và động lực phấn đấu đạt mục tiêu kế hoạch phát triển du lịch năm 2024 và những năm tiếp theo”- lãnh đạo Sở Du lịch Đà Nẵng chia sẻ.
Với những nỗ lực trong năm 2023, các cơ sở lưu trú trên địa bàn TP Đà Nẵng dự kiến đạt hơn 7,39 triệu lượt, tăng gấp 2 lần so với năm 2022, bằng 92% so với 2019; trong đó khách quốc tế dự kiến đạt hơn 1,98 triệu lượt, tăng hơn gấp 4,2 lần so với năm 2022, bằng 61% so với 2019; khách nội địa dự kiến đạt hơn 5,41 triệu lượt, tăng 66% so với năm 2022, bằng 113% so với 2019.
Đặc biệt, doanh thu lưu trú, ăn uống và lữ hành dự kiến đạt gần 28.000 tỉ đồng, tăng 44% so với năm 2022 và bằng 130% so với năm 2019, thời điểm trước dịch COVID-19; trong đó, doanh thu dịch vụ lưu trú, lữ hành dự kiến đạt gần 15.000 tỉ đồng, tăng gần gấp 2 lần so với năm 2022, bằng 171% so với 2019; khách đường biển đến Đà Nẵng trong năm 2023 đạt hơn 18 ngàn lượt khách; khách đường thủy nội địa ước đạt hơn 897 ngàn lượt khách, tăng gấp 2,4 lần so với năm 2022.
Bên cạnh đó, trong năm 2023, Đà Nẵng đón hơn 40 ngàn chuyến bay đến Đà Nẵng, tăng 1,35 lần so với năm 2022 và phục hồi 82,3% so với năm 2019; lượt khách đến bằng đường hàng không trong năm 2023 ước đạt hơn 6,3 triệu lượt, tăng 1,42 lần so với năm 2022 và phục hồi 81,2% so với năm 2019.
Hai kịch bản du lịch cho năm 2024
Với những kết quả đạt được trong năm 2023, Sở Du lịch Đà Nẵng đưa ra 2 kịch bản phát triển du lịch cho địa phương.
Theo kịch bản thứ nhất, Đà Nẵng phấn đấu các cơ sở lưu trú phục vụ đạt 8,27 triệu lượt khách, tăng 12% so với năm 2023, gần bằng 103% so với năm 2019; trong đó, khách quốc tế 2,4 triệu lượt, tăng 21% so với năm 2023, bằng 74% so với năm 2019; khách nội địa 5,87 triệu lượt, tăng 8% so với năm 2023, bằng 122% so với 2019. Doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống, lữ hành phấn đấu hơn 30,3 ngàn tỉ đồng, tăng hơn 9% so với năm 2023, bằng 142% so với năm 2019.
Kịch bản thứ hai là khách do cơ sở lưu trú phục vụ phấn đấu đạt 8,42 triệu lượt, tăng hơn 13,8% so với năm 2023, gần bằng 105% so với năm 2019; trong đó, khách quốc tế 2,5 triệu lượt, tăng 26% so với năm 2023, bằng 77% so với năm 2019; khách nội địa 5,92 triệu lượt, tăng 9,3% so với năm 2023, bằng 123% so với 2019.
Với kịch bản này, doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống, lữ hành phấn đấu đạt hơn 30,8 ngàn tỉ đồng, tăng hơn 10% so với năm 2023, bằng 144% so với năm 2019; doanh thu dịch vụ lưu trú, lữ hành phấn đấu hơn 16,6 ngàn tỉ đồng tăng hơn 11% so với năm 2023, bằng 192% so với năm 2019.
Để hiện thực hoá kịch bản phát triển này, Sở Du lịch cho biết trong năm 2024, sẽ tiếp tục tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc của các dự án động lực, trọng điểm về du lịch, giúp khơi thông nguồn lực sớm đầu tư, tạo sản phẩm dịch vụ du lịch mới.
Trong đó, sớm triển khai các bước thủ tục về chuẩn bị đầu tư các dự án đầu tư cảnh quan 2 bên bờ Sông Hàn; đầu tư cảnh quan tuyến biển đường Nguyễn Tất Thành, Hoàng Sa - Trường Sa; phố đi bộ Bạch Đằng - cầu Nguyễn Văn Trỗi - Trần Hưng Đạo; dự án đầu tư Bảo tàng điêu khắc Chăm cơ sở 2 tại khu di tích Chăm Phong Lệ; Công viên 29 tháng 3...
Đặc biệt, trong năm 2024, Đà Nẵng sẽ triển khai tổ hợp sản phẩm du lịch Dòng sông ánh sáng và bến thủy nội địa; tổ hợp công trình phục vụ lễ hội pháo hoa quốc tế; khu công viên văn hóa và vui chơi giải trí phía Đông Nam Đài tưởng niệm…
Bên cạnh đó, Đà Nẵng sẽ tổ chức các sự kiện lễ hội đặc sắc quy mô lớn nhằm tạo sản phẩm du lịch đặc biệt để thu hút khách như: Lễ hội pháo hoa quốc tế Đà Nẵng; lễ hội Tận hưởng Đà Nẵng; giải BRG Danang Championship 2024; giải đua thuyền buồm quốc tế; cuộc thi Marathon quốc tế…
Du lịch và kinh tế đêm cũng được Đà Nẵng chú trọng với việc triển khai phố đi bộ Bạch Đằng nối dài, thí điểm dịch vụ du lịch ban đêm trên cầu Nguyễn Văn Trỗi và công viên bờ Đông chân cầu Nguyễn Văn Trỗi… Trong đó, tạo điều kiện hỗ trợ các khu điểm du lịch tổ chức các chương trình tham quan, du lịch ban đêm phục vụ du khách.
Điểm nhấn của du lịch mà Đà Nẵng đưa ra trong năm 2024 sẽ có sản phẩm du lịch ẩm thực với mục tiêu đưa ẩm thực thành sản phẩm du lịch đặc sắc của Đà Nẵng, kết hợp với xây dựng bản đồ số về ẩm thực Đà Nẵng.
“Bên cạnh những sản phẩm du lịch kể trên thì năm 2024, Đà Nẵng sẽ tiếp tục phát triển sản phẩm du lịch MICE, du lịch Golf, du lịch cưới, du lịch đường biển, đường thuỷ nội địa… gắn với các giá trị văn hoá. Từ đó hình thành chuỗi sản phẩm du lịch của Đà Nẵng trong năm 2024 và tiền đề đến năm 2030”- bà Trương Thị Hồng Hạnh - Giám đốc Sở Du lịch Đà Nẵng - chia sẻ.
Cũng theo Giám đốc Sở Du lịch Đà Nẵng, để đạt được mục tiêu đặt ra, trong năm 2024, ngành du lịch sẽ tập trung xúc tiến thị trường, quảng bá du lịch, xúc tiến đường bay quốc tế, khôi phục thị trường khách quốc tế; phát triển các nền tảng trực tuyến hướng đến các thị trường quốc tế; thuê đại diện du lịch Đà Nẵng tại các thị trường trọng điểm quốc tế; xúc tiến khôi phục các đường bay quốc tế thường lệ và mở ra đường bay mới, nối lại thị trường Bắc Mỹ, Châu Âu…; tiếp tục xác định tập trung phát triển các thị trường nội địa có đường bay trực tiếp đến Đà Nẵng, ưu tiên thị trường Hà Nội, Hải Phòng, các tỉnh phía Bắc, TP HCM, các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long.
Song song đó, sẽ tập trung phát triển nguồn nhân lực và nâng cao chất lượng phục vụ; xây dựng và triển khai áp dụng bộ tiêu chí văn hóa du lịch Đà Nẵng; tổ chức miễn phí các lớp tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ chuyên môn và kỹ năng mềm cho doanh nghiệp; bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng cho cộng đồng dân cư tham gia kinh doanh du lịch và góp phần quảng bá điểm đến, hình ảnh du lịch Đà Nẵng, nhất là đối với phát triển du lịch cộng đồng…
Tính đến ngày 20/12, trên địa bàn TP Đà Nẵng có 5.678 hướng dẫn viên (trong đó: Nội địa là 1.691 hướng dẫn viên; quốc tế là 3.987 hướng dẫn viên); 525 đơn vị kinh doanh lữ hành (trong đó có 117 công ty lữ hành nội địa, 316 công ty lữ hành quốc tế, 52 chi nhánh lữ hành quốc tế, 25 Văn phòng đại diện, 10 đại lý du lịch, 5 Văn phòng đại diện nước ngoài); 1.285 cơ sở lưu trú du lịch với 46.976 phòng (trong đó có 106 cơ sở lưu trú du lịch hạng 4-5 sao và tương đương với 20.696 phòng); 16 khu điểm du lịch; 25 tàu du lịch.