Dự kiến đến 2024, Việt Nam sẽ nằm trong top đầu ĐNÁ về tỷ lệ ứng dụng "nhân lực số" ngành ngân hàng

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Đây là nhận định của chuyên gia FPT được đưa ra tại Diễn đàn Dịch vụ tài chính và Dịch vụ Ngân hàng 2021 do IDG phối hợp với HH Ngân hàng, HH Kinh doanh chứng khoán và Hội Truyền thông số Việt Nam tổ chức.
Các đại biểu tham dự phiên thảo luận online tại Diễn đàn Dịch vụ Tài chính và Dịch vụ Ngân hàng 2021
Các đại biểu tham dự phiên thảo luận online tại Diễn đàn Dịch vụ Tài chính và Dịch vụ Ngân hàng 2021

Mục tiêu của Diễn đàn là giới thiệu các mô hình và kinh nghiệm phát triển các sản phẩm, dịch vụ ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm kiểu mới – những sản phẩm, dịch vụ dự kiến sẽ trở nên phổ biến trên thị trường dịch vụ tài chính quốc tế và ở Việt Nam trong một vài năm sắp tới. Đã có nhiều tham luận bổ ích được đưa ra tại diễn đàn, như

"Ngân hàng 4.0 trong tương lai và sự sẵn sàng của ngân hàng mở" do ông Phạm Quang Minh, Tổng giám đốc, Mambu Việt Nam trình bày; tham luận "Mô hình phát triển các sản phẩm, dịch vụ ngân hàng số tại Việt Nam và thách thức" do Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia Tài chính, Ngân hàng trình bày; "Chuyển đổi số trong lĩnh vực bảo hiểm" - Ông Gagan Dixit, Associate Partner, McKinsey & Co.

Hội thảo Ngân hàng tương lai

Là một hoạt động trong khuôn khổ diễn đàn, hội thảo Ngân hàng tương lai là dịp để các công ty và chuyên gia giới thiệu các mô hình ngân hàng số, mô hình thanh toán không dùng tiền mặt cũng như các công nghệ ngân hàng sẽ trở nên phổ biến trong tương lai, làm thay đổi một cách tích cực, toàn diện quá trình vận hành hoạt động ngân hàng.

Mặc dù ngành ngân hàng năm 2021 đã đa dạng hóa các sản phẩm, dịch vụ, song cũng đang còn 5 điểm nghẽn đáng lưu ý:

Một là hành lang pháp lý cho việc ứng dụng CNTT mới ở mức đang dần hoàn thiện. Hai là cơ chế hợp tác, chia sẻ dữ liệu giữa các tổ chức tín dụng với nhau và giữa các tổ chức tín dụng với hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia chưa rõ ràng. Ba là tỉ lệ giao dịch tiền mặt còn cao. Bốn là còn một số hệ sinh thái fintect chưa thực sự liên thông với các tổ chức tín dụng khác để tạo thuận tiện nhất cho người dùng. Năm là sự hợp tác giữa các ngân hàng và các đơn vị fintect chưa sâu như mong đợi.

Diễn đàn Dịch vụ Tài chính 2021

Trong lĩnh vực cung cấp các dịch vụ tài chính, ngành kinh doanh chứng khoán năm qua có ghi nhận nhiều nỗ lực chuyển đổi số, cho ra đời hoặc nâng cấp, cải tiến nhiều sản phẩm, dịch vụ giúp gia tăng hiệu quả quản trị, trải nghiệm cho doanh nghiệp và cho nhà đầu tư. Tuy nhiên, so với sự mở rộng và phát triển mạnh mẽ của thị trường thì lĩnh vực chứng khoán cần đẩy mạnh việc chuyển đổi số hơn nữa nhằm đưa ra những sản phẩm, dịch vụ cạnh tranh hơn.

Ông Vũ Viết Ngoạn -nguyên Chủ tịch Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia phát biểu

Ông Vũ Viết Ngoạn -nguyên Chủ tịch Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia phát biểu

Đối với lĩnh vực bảo hiểm, trong 5 năm qua, riêng thị trường bảo hiểm nhân thọ (BHNT) đã đạt tốc độ tăng trưởng cao từ 25-30%. Cụ thể năm 2019, tổng doanh thu của thị trường BHNT ước đạt 129.120 tỉ đồng, trong đó doanh thu phí bảo hiểm ước đạt 107.793 tỉ đồng, tăng 25% so với năm 2018. Cùng với đó, các sản phẩm bảo hiểm được đa dạng hóa với hơn 450 sản phẩm thuộc tất cả các nghiệp vụ, đáp ứng nhu cầu bảo hiểm của hơn 9,8 triệu người tham gia bảo hiểm.

Tuy nhiên, việc đầu tư công nghệ cho lĩnh vực bảo hiểm vẫn có phần chưa tương xứng, các ứng dụng di động vẫn chỉ dừng ở mức đơn giản, chưa giải quyết yêu cầu về dữ liệu lớn của ngành bảo hiểm hiện nay như việc từ khối dữ liệu khổng lồ dự đoán được nhu cầu mỗi nhóm khách hàng để xây dựng gói sản phẩm thích hợp. Việc đăng ký tài khoản trên app Bảo hiểm VSSID vẫn có khá khó khăn do ứng dụng thường hay báo lỗi.

Chính từ thực tế trên, Diễn đàn Dịch vụ Tài chính hướng tới việc chia sẻ kinh nghiệm xây dựng, ứng dụng và vận hành các sản phẩm, dịch vụ tài chính số, đặc biệt là trong hai lĩnh vực chứng khoán và bảo hiểm.

Phát biểu tại hội thảo, Bà Winnie Wong, Giám đốc Quốc gia, Mastercard Việt Nam, Campuchia & Lào nhận định: "“Tương lai của tiền tệ chính là kỹ thuật số. Và đại dịch đã đẩy nhanh bước tiến vào thế giới số, với lối sống và tư duy “ưu tiên kỹ thuật số” của người tiêu dùng. Tuy vậy, sẽ vẫn cần thêm thời gian để nắm bắt những cơ hội nhằm chiếm trọn được cảm tình của người tiêu dùng”.

Ông Bùi Đình Giáp - Nhà sáng lập & Giám đốc Điều hành, Công ty akaBot - FPT Software nhận định: "Dưới áp lực vận hành liên tục và duy trì tăng trưởng hậu Covid, ngân hàng có thể ứng dụng nguồn lực số để nhanh chóng tối ưu hoá vận hành; đồng thời giúp nhân viên tăng năng suất, giảm áp lực và tập trung vào những công việc có giá trị hơn. Dự kiến đến 2024, Việt Nam sẽ trở thành quốc gia nằm trong top đầu của Đông Nam Á về tỷ lệ ứng dụng ‘nhân lực số’ trong ngành ngân hàng".

Cũng trong khuôn khổ Diễn đàn Dịch vụ Tài chính và Dịch vụ Ngân hàng 2021, đã diễn ra Lễ trao Giải thưởng Dịch vụ Tài chính Tiêu biểu, do IDG Việt Nam phối hợp với Hiệp hội Kinh doanh Chứng khoán Việt Nam và Hội Truyền thông số Việt Nam tổ chức thường niên từ năm 2020.

Mục đích của Giải thưởng là tìm kiếm, vinh danh các đơn vị kinh doanh chứng khoán & cung cấp dịch vụ bảo hiểm tại Việt Nam có nhiều thành tựu trong quá trình chuyển đổi số, từ đó đưa ra các sản phẩm, dịch vụ tài chính sáng tạo, đạt hiệu quả cao trên 3 khía cạnh: nâng cao hiệu quả quản trị; nâng cao chất lượng sản phẩm, dịch vụ và nâng cao trải nghiệm khách hàng.

Giải thưởng năm nay đã được trao cho 21 doanh nghiệp và đơn vị xuất sắc thuộc 3 hạng mục Chứng khoán, Bảo hiểm Nhân thọ và Bảo hiểm phi Nhân thọ.