Ánh sáng cuối đường hầm…
Tin tức về các sự kiện ở Syria, đặc biệt là sự tham gia của Lực lượng không quân-vũ trụ Nga trong cuộc đối đầu với IS đang được cập nhật từng giờ. Quân đội chính phủ Syria dưới sự hỗ trợ hiệu quả của Không quân Nga đã đạt được những thành quả đầu tiên.
Hiện tại, quân đội chính phủ Syria phối hợp với quân đồng minh Iran và Lebanon cùng lực lượng không quân Nga thực hiện tổng tấn công vào khu vực Aleppo, miền bắc Syria, nơi đang bị phiến quân Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng chiếm giữ. Cuộc tổng tấn công nhằm phá hủy các mục tiêu IS còn sót lại trong khu vực và thiết lập một tuyến đường giao thông trực tiếp nối liền các thành phố chính của Syria là Aleppo, Homs, Damascus và Latakia.
Ngay bây giờ còn quá sớm để nói về kết quả các hoạt động quân sự của Nga, quân đồng minh Iran, Lebanon cùng quân đội của Tổng thống Bashar al-Assad trên lãnh thổ Syria. Thực tế, cũng có một số thành công về mặt chiến thuật, nhưng có thể nhận thấy, mức độ hiệu quả các cuộc tấn công của quân đội chính phủ Syria là tương đối thấp.
Và không ai, ngay cả những người Syria ủng hộ Tổng thống Bashar al-Assad hay quân đội Nga dám khẳng định, đây chỉ là cuộc chiến chớp nhoáng. Rõ ràng quân đội Nga sẽ phải đóng quân tại Syria một thời gian dài nữa.
Đánh giá về hoạt động của Lực lượng vũ trang Nga trên lãnh thổ Syria, Tổng thống Nga Vladimir Putin nhấn mạnh: “Hoạt động của chúng tôi tuân theo quy định chặt chẽ, chỉ nhằm tiêu diệt các nhóm khủng bố. Các chiến dịch của Lực lượng vũ trang Liên bang Nga được giới hạn theo hoạt động tấn công của quân đội chính phủ Syria”.
Tổng thống Putin cũng không đưa ra bất kỳ dự đoán nào về triển vọng tương lai của cuộc chiến, vì tình hình khu vực Trung Đông là vô cùng khó lường.
Nhưng có một sự khác biệt nhỏ. Trước khi Nga bắt đầu tham gia vào cuộc chiến chống IS tại Syria, tất cả các chuyên gia đều cho rằng, tình hình tại Syria sẽ ngày càng hỗn loạn và tương lai phiến quân IS sẽ leo thang hơn nữa trên toàn khu vực Trung Đông và Bắc Phi. Còn hiện tại, ngay cả những chuyên gia bi quan nhất cũng đã "đổi giọng". Nói một cách bóng bẩy, để vẽ ra viễn cảnh tươi sáng đối với Syria là điều quá xa vời, nhưng dù sao vẫn còn “ánh sáng cuối đường hầm.”
Nga sẽ sa lầy?
Ảnh mang tính chất minh họa |
Một mặt, các chuyên gia nhận định sự tham gia của Lực lượng không quân-vũ trụ Nga vào cuộc chiến chống lại tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng đã thay đổi cán cân quyền lực trong toàn bộ khu vực. Mặt khác, một số người cũng dự đoán nguy cơ "Nga sẽ bị sa lầy tại Syria".
Một trong những sự kiện mà người ta so sánh với tình hình Syria là cuộc chiến của Liên Xô tại Afghanistan kéo dài trong 10 năm đã làm 15.000 người lính Xô Viết hy sinh và hơn 1 triệu người Afghanistan thiệt mạng. Và cuối cùng mục tiêu vẫn không đạt được. Tiếp đến là liên minh phương Tây do Mỹ dẫn đầu cũng không thể thực thi kế hoạch đã vạch ra tại Afghanistan, đến nay tại Nhà nước Hồi giáo này vẫn đang diễn ra nội chiến với hoạt động mạnh mẽ của quân nổi dậy Taliban.
"Sự so sánh này hoàn toàn khập khiễng”, Thượng tướng Boris Gromov, người vào tháng 2/1989 đã rút các đơn vị quân đội Nga ra khỏi Afghanistan, cho biết: “Chúng tôi đã rút quân khỏi Afghanistan mà không giành thắng lợi, đó chỉ đơn thuần là tuân theo lệnh của lãnh đạo cấp cao đất nước. Thậm chí khi rút khỏi Afghanistan, chúng tôi đã để lại lượng tài sản, vũ khí lớn cho Tổng thống đương thời Najibullah, để ông có thể duy trì sự ổn định và thành công trong cuộc đối đầu với phe Taliban và al-Mujahideen. Tại sao tình hình lại theo chiều hướng như thế lại là một vấn đề hoàn toàn khác.”
Thượng tướng Boris Gromov cho rằng: “Ở Syria cũng đang diễn ra tình huống tương tự với sự tham gia của Lực lượng Không quân Nga. Cá nhân tôi nghĩ rằng, đó là giải pháp đúng đắn duy nhất trong việc đối phó với một kẻ thù nguy hiểm và quỷ quyệt như IS: đánh bại kẻ thù ngay tại sào huyệt của chúng, như người ta vẫn thường nói trong thời Chiến tranh Vệ quốc Vĩ đại. Tôi cho rằng, thậm chí có thể gia tăng Lực lượng Không quân của chúng tôi tại Syria, vì hiệu quả các cuộc không kích của Lực lượng này đã giúp thay đổi cục diện và tạo điều kiện cho quân đội Syria chuyển sang tấn công”.
“Và tôi muốn lưu ý, trong mọi trường hợp, quân đội Nga không nên tham gia vào các hoạt động bộ binh tại Syria. Điều này có thể dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng, đặc biệt là về mặt chính trị”, Tướng Boris Gromov nói thêm.
Cái kết bị bỏ ngỏ?
Khi được yêu cầu dự đoán về tình hình tại Syria, Giám đốc Trung tâm Phân tích Chiến lược và Công nghệ (AST) Ruslan Pukhov cho hay, sự trùng hợp trong lịch sử là rất nguy hiểm. Cần phải phân tích cả những điểm tương đồng và khác biệt của những tình huống này để so sánh, tìm ra giải pháp.
Hình ảnh Không quân Nga không kích, phá hủy các cơ sở của khủng bố IS |
Ông Pukhov liệt kê hai sự kiện điển hình có thể so sánh với tình hình tại Syria. Đầu tiên là cuộc nội chiến ở Algeria kéo dài từ năm 1991 đến năm 2002. Nội chiến bắt đầu khi người Hồi giáo giành thắng lợi trong cuộc bầu cử Tổng thống, nhưng quân đội chính phủ lại phản đối kết quả này. Theo các nguồn tin khác nhau, số nạn nhân của cuộc nội chiến này lên tới 220 nghìn người, trong đó có 70 nhà báo.
Cuộc nội chiến kết thúc với chiến thắng của quân chính phủ, sau khi Đảng “Phong trào cứu nguy Hồi giáo” (FIS) tuyên bố ngừng chiến và Nhóm vũ trang Hồi giáo (AIG) ủng hộ FIS bị quân chính phủ đánh bại. Hiện tại, các cuộc xung đột vũ trang vẫn tiếp diễn tại Algeria.
Sự kiện thứ hai là cuộc nội chiến ở Angola kéo dài từ năm 1975 đến năm 2002. Đây là một cuộc xung đột lớn giữa ba phe phái đối đầu: Phong trào giải phóng dân tộc Angola (MPLA), Mặt trận giải phóng dân tộc Angola (FNLA) và Liên minh độc lập dân tộc Angola (UNITA). Tham gia vào cuộc xung đột này có các cố vấn quân sự và vũ khí, thiết bị của Liên Xô (đứng về phía MPLA), trong. Năm 2002, thủ lĩnh các phong trào đã thông qua các điều kiện nhằm ổn định hòa bình được đề xuất bởi MPLA. Từ đây cuộc nội chiến kết thúc.
“Đó là những sự kiện tương tự đã xảy ra trong lịch sử với kết cục cụ thể, rõ ràng. Còn đối với Syria, các trang của câu chuyện còn chưa khép lại", chuyên gia Pukhov nói.
Nhiều chuyên gia không dám chắc chắn về tương lai sáng lạn cho tình hình tại Syria. Điều này có lẽ xuất phát từ thực tế rằng, trong một thời gian ngắn, những thay đổi cơ bản đối với Syria là điều không thể.
Phương án sau đây được coi là một dự đoán mở đối với diễn biến tại Syria và Trung Đông. Trong bối cảnh quân đội của Tổng thống Bashar al-Assad tăng cường hoạt động ở Syria, có khả năng, những “kẻ thù cũ” là Iran và Iraq sẽ xích lại gần nhau hơn. Các nước này có thể đoàn kết để chống lại Arab Saudi, nơi đang tích cực rót tài chính cho IS, cũng như phe đối lập Syria. Nếu tính đến ảnh hưởng mạnh mẽ và khả năng quân sự của Nga, thì việc Nga tham gia vào trật tự thế giới là điều chắc chắn.
Giám đốc Viện Trung Đông thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Nga Yevgeny Satanovsky cho biết: “Bây giờ không ai có thể dự đoán chính xác diễn biến tình hình Syria. Nhưng trong mọi trường hợp, tất cả diễn biến tiếp theo tại quốc gia này sẽ ảnh hưởng đến sự thay đổi trật tự thế giới. Chính xác thì điều này đã xảy ra từ rất lâu. Và trong trường hợp này Nga đang đi đúng hướng".
Theo Infonet