PGS.TS Phạm Xuân Mai - Khoa Kỹ thuật giao thông Trường ĐH Bách khoa TP. Hồ Chí Minh cho rằng, việc thực hiện các dự án khả thi về Metro ở Việt Nam đều được các tổ chức tư vấn nước ngoài và trong nước tư vấn rất tỉ mỉ, chi tiết.
Năng lực chuyên môn và trách nhiệm quản lý của chủ đầu tư quá kém
PV: Trong công văn do Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Nguyễn Văn Trung ký gửi Văn phòng Chính phủ, đã thể hiện sự quan ngại lớn liên quan suất đầu tư cao bất thường của tuyến metro số 2 Bến Thành-Tham Lương của TP.HCM, dự kiến lên tới 171 triệu USD/km (đã trừ chi phí đền bù giải phóng mặt bằng), nếu so với mặt bằng chi phí đầu tư của các nước như Pháp, Hàn Quốc thì cao hơn 1,9 lần. Hơn nữa, tổng mức đầu tư của Dự án vẫn sẽ tăng từ 1.374,5 triệu USD lên 2.074,8 triệu USD.
Bên cạnh đó, dự án không có các tài liệu chi tiết liên quan đến tổng mức đầu tư, nên chưa đủ cơ sở để nhận xét cụ thể về sự cần thiết cũng như nội dung điều chỉnh. Quan điểm của ông ra sao trước những nhận xét và thông tin Bộ KH&ĐT đưa ra?
PGS.TS Phạm Xuân Mai: - Giá suất đầu tư của tuyến đường sắt Metro số 2 này quá cao, cao gấp đôi so với các nước khác, trung bình suất đầu tư của các nước chỉ dao động khoảng 70 – 80 triệu USD/km, cao lắm trong trường hợp tuyến có địa hình đặc biệt cũng không vượt quá 100 triệu USD/km.
Trước đó, tuyến metro số 1, Bến Thành - Suối Tiên có thể xem là tuyến metro có chi phí đầu tư đắt nhất thế giới, lên khoảng 125 triệu USD/km, mà giờ tuyến metro số 2 lên tới 171 triệu/km không tính tiền đền bù giải phóng mặt bằng, thì vượt quá sức tưởng tượng.
Việt Nam nghèo mà làm giao thông với giá đắt đỏ như thế này thì không thể chấp nhận được. Một phần lý do, ở nhiều nước metro chủ yếu đi ngầm và không tốn chi phí giải phóng mặt bằng do hành lang không bị lấn chiếm.
Bên cạnh đó, việc thiếu sót trong gói tài liệu cũng là mặt không chấp nhận được của chủ đầu tư, đáng lẽ phải đầy đủ thông tin thì mới xét được về chi phí, đặc biệt khi muốn nâng số tiền vốn đầu tư. Phải cụ thể từ những chi phí khâu đền bù, xây dựng, cho đến cải tạo mặt bằng, mua sắm thiết bị…
PV:- Việc dự án đường sắt Metro số 2 liên tiếp đội vốn và lùi thời hạn đến năm 2022, theo ông nguyên nhân là do đâu, thậm chí nó được đánh giá là tuyến Metro đắt nhất thế giới? Ông có thể phân tích cụ thể?
PGS.TS Phạm Xuân Mai: - Theo tôi, nguyên nhân chính là do năng lực quản lý quá kém. Mặt khác, năng lực quản lý thì lại phụ thuộc vào năng lực chuyên môn, phải nhìn nhận lại phía chủ đầu tư và phía quản lý Việt Nam là năng lực chuyên môn và trách nhiệm quản lý của chủ đầu tư quá kém.
Quy hoạch phát triển giao thông TPHCM đến năm 2030, các tuyến Metro sẽ là “xương sống” của hệ thống đường sắt đô thị và giao thông công cộng của TPHCM. Đây là giải pháp bắt buộc phải thực hiện để giải tỏa áp lực cho những con đường vốn đang quá tải trầm trọng.
Thế nhưng, nguồn tiền đầu tư xây dựng các tuyến Metro quá cao, thì phải đặt ra câu hỏi nghi vấn tại sao lại cao như vậy, do năng lực quản lý đầu tư, hay do vấn đề gì? Kể cả công ty nước ngoài hay trong nước quản lý thì đều có vấn đề.
Theo kinh nghiệm thì các tuyến đường sắt đô thị chỉ đội vốn từ 10 - 15% cho phép, nhưng hiện tại tại các tuyến Metro đều đội vốn đến 100%, chắc chắn phải xem xét lại.
Theo Báo Đất Việt