Dự án được khởi công từ năm 2014 với tổng vốn đầu tư hơn 3.200 tỷ đồng với các hạng mục chính như: bờ kè, công viên, dãy nhà phố, cao ốc văn phòng, khách sạn, trung tâm thương mại... Dự án có chiều dài 1,3 km; đoạn xa nhất lấn ra ngoài sông Đồng Nai là 100 m.
Tuy nhiên, dự án vấp phải sự phản đối của các nhà khoa học bởi họ lo ngại các hệ lụy về môi trường, sinh thái... từ việc lấp sông gây ra. Trong khi đó, UBND tỉnh Đồng Nai khẳng định dự án có đầy đủ thủ tục pháp lý để thực hiện từ quy hoạch, báo cáo đánh giá tác động môi trường, giấy phép xây dựng...
Tháng 3/2015, chủ đầu tư xin tạm ngưng dự án để tham vấn thêm các cơ quan ban ngành Trung ương và được UBND tỉnh chấp thuận. Dự án đã đổ hàng nghìn m3 đất đá xuống sông, đạt gần 90% diện tích đất nền theo thiết kế.
Sau 2 năm, dự án trở thành bãi đất để hoang, cây cối cỏ mọc um tùm. Nhiều nơi cây cao hơn cả 2 m. Một quán cà phê tận dụng lắp cả đèn, thảm cỏ để kinh doanh bên trong dự án.
Những thanh sắt dùng để gia cố bờ kè, đổ đất đá xuống sông nằm dang dở dưới lòng sông hơn 2 năm nay.
Công trình bêtông cốt thép kiên cố đang được xây dựng giữa dự án, nằm phía ngoài cùng, cạnh sông Đồng Nai.
Dự án tạm ngưng vô tình trở thành một bán đảo nhỏ. Ngồi ở một quán cà phê bờ sông, người dân nhìn ra như một "đảo hoang".
Dây cáp bằng thép dùng để đưa những viên đá to nặng cả tạ từ sà lan đổ xuống sông bị dây leo mọc phủ quanh.
Hàng chục ống cống bằng bêtông phục vụ cho hạ tầng khu đô thị, công viên... của dự án nằm xen cùng cây cỏ.
Bãi đá của dự án làm nơi tập kết rác trên sông Đồng Nai.
Một nhà hàng đã tận dụng đất dựng án trồng rau.
Cổng chính của dự án đóng cửa im lìm hơn 2 năm nay. Có một thời gian, đây là nơi Bộ Giao thông Vận tải dùng để lắp ráp cầu Ghềnh mới khi sự cố cầu Ghềnh bị sà lan tông sập vào tháng 3 năm ngoái.