Theo Phó Thủ tướng, dự án này không chỉ là dự án trọng điểm của Hà Nội mà còn là lời hứa của Bộ GTVT, của Chính phủ với nhân dân Thủ đô.
Khi Phó Thủ tướng yêu cầu sự cam kết về an toàn và tiến độ từ phía Tổng thầu Trung Quốc, đại diện là ông Đường Hồng, Giám đốc dự án đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông khẳng định: “Chúng tôi cam kết về mức độ an toàn của dự án. Về tiến độ và thời gian đưa vào sử dụng, nhà thầu đang phối hợp chặt chẽ với cơ quan chức năng để có kết luận từ phía tư vấn đánh giá an toàn hệ thống".
"Chúng tôi cũng mong muốn dự án sớm đưa vào sử dụng càng nhanh càng tốt bởi càng chậm trễ càng ảnh hưởng tới hình ảnh của tổng thầu”, ông Đường Hồng nói thêm.
Trước đó, đại diện Ban QLDA Đường sắt (đại diện chủ đầu tư) cho biết, hiện nay, dự án đã hoàn thành 99% khối lượng xây lắp, riêng vật tư, thiết bị đã chuyển về đến công trường đạt khoảng 99% và lắp đặt đạt 97% khối lượng thiết bị. Dự án đã vận hành, chạy thử tàu từ tháng 9/2018 để kiểm tra các thông số kỹ thuật.
Nguyên nhân chính của việc chậm trễ này được Bộ GTVT lý giải là do chưa tập trung đủ hồ sơ để vận hành khai thác thương mại. Bộ GTVT vẫn đang tiếp tục yêu cầu tổng thầu thực hiện đúng hồ sơ thiết kế dự án được duyệt nhằm đáp ứng các yêu cầu đánh giá an toàn hệ thống theo yêu cầu của Đơn vị tư vấn ACT (Pháp).
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng nhấn mạnh: Dự án đường sắt đô thị Cát Linh-Hà Đông không chỉ là dự án trọng điểm của Hà Nội, mà còn là lời hứa của Bộ GTVT, của Chính phủ với nhân dân Thủ đô.
Dự án đã phải tăng tổng mức đầu tư từ gần 8.770 tỷ đồng thành hơn 18.000 tỷ đồng; điều chỉnh tiến độ 4 lần. Ban đầu, thời gian dự kiến thực hiện dự án từ 2008-2013; sau 4 lần điều chỉnh, dự kiến hoàn thành 2018, vận hành, chạy thử đến hết 31/3/2019, nhưng đến nay vẫn chưa xác định được chính thức thời gian hoàn thành dự án.