Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà cho rằng, khi nguồn lực của đất nước, Chính phủ khó khăn thì huy động được hình thức BT sẽ có thêm nhiều công trình thành công, người dân cũng được hưởng lợi.
Ông Trần Hồng Hà lấy ví dụ ở Đà Nẵng trước đây, có chỗ đất bán không ai mua nhưng khi làm cầu xong thì đất đã được nâng giá lên.
Đối với chủ trương đổi đất lấy hạ tầng là 4 cây cầu bắc qua sông Hồng, sông Đuống mới đây của Hà Nội, ông Trần Hồng Hà khẳng định, nếu xây dựng được 4 cây cầu trên thì sẽ tạo ra được 4 vùng phát triển mới và giá đất sẽ tăng theo cấp số nhân. Vậy, điều quan trọng là kiểm soát tốt được các khâu trong quá trình thực hiện và cần minh bạch trong việc chọn nhà đầu tư. Đặc biệt là phải xác định thời điểm định giá đất theo quy định để đảm bảo hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, người dân và doanh nghiệp đầu tư.
Liên quan đến vấn đề thời điểm định giá đất sao cho đúng, ông Đào Trung Chính, Phó Tổng Cục trưởng Tổng Cục Quản lý đất đai, Bộ Tài nguyên và Môi cho biết: “Quy định pháp luật hiện nay có vấn đề ở chỗ, ngày hôm nay mở gói thầu về công trình hạ tầng thì phải hòm hòm cho nhà đầu tư biết người ta sẽ được bao nhiêu đất, nhưng phải tới khi nào xây dựng hạ tầng xong thì chúng tôi mới định giá đất cụ thể được. Đây là cái đang vướng, bởi nhà đầu tư luôn muốn biết sẽ được bao nhiêu đất. Luật Đất đai thì lại quy định khi nào xây dựng xong thì mới quy ra đất, khi đó mới có giá”.
Theo ông Đào Trung Chính, nếu tính toán đúng giá, lựa chọn nhà đầu tư công khai minh bạch thì sẽ khắc phục được những tồn tại trên để xây dựng được cơ sở hạ tầng hiện đại phục vụ phát triển kinh tế - xã hội.
Mới đây, UBND TP Hà Nội vừa đề xuất cơ chế đặc thù lựa chọn nhà đầu tư xây dựng 4 cây cầu vượt qua sông Hồng và sông Đuống với tổng mức đầu tư khoảng 38.000 tỷ đồng. Cụ thể, 4 cây cầu mới dự kiến xây là cầu Tứ Liên - cầu Đuống 2 - cầu Trần Hưng Đạo và cầu Giang Biên.
Dự án xây dựng cầu Tứ Liên và đường từ cầu Tứ Liên - cao tốc Hà Nội -Thái Nguyên có quy mô đầu tư cầu dài 3 km, đường 9 km với tổng vốn đầu tư khoảng 17.000 tỷ đồng theo hình thức đầu tư PPP, loại hợp đồng BT; dự kiến thời gian hoàn thành là năm 2021. Quỹ đất thanh toán mà Hà Nội đưa ra đối với nhà đầu tư đó là khai thác quỹ đất tại ô quy hoạch 4-5 của phân khu N9 xã Yên Thường, huyện Gia Lâm (96 ha).
Dự án cầu Trần Hưng Đạo dài 3 km bắc qua sông Hồng với số tiền khoảng 7.000 tỷ đồng theo hình thức đầu tư PPP, loại hợp đồng BT, hoàn thành vào năm 2019. Nhà đầu tư dự án sẽ được khai thác quỹ đất tại xã Dương Xá, huyện Gia Lâm (34 ha); quỹ đất tại xã Đông Dư, huyện Gia Lâm (78,4 ha); quỹ đất tại các phường Long Biên và Cự Khối, quận Long Biên (320 ha) và quỹ đất bổ sung ngoài bãi sông Hồng có khả năng khai thác trong phạm vi nghiên cứu quy hoạch mở rộng tới sát mép nước (khoảng 135 ha).
Dự án xây dựng cầu Giang Biên và đường dẫn hai đầu cầu (nối Vĩnh Tuy, vành đai 2 đến tiếp giáp Ninh Hiệp, Bắc Ninh) có chiều dài đầu tư 5,4 km đi qua các quận Long Biên, huyện Gia Lâm. Tổng vốn đầu tư khoảng 8.000 tỷ đồng, theo hình thức đầu tư PPP, loại hợp đồng BT; thời gian hoàn thành dự kiến năm 2021.
Hà Nội cũng đề xuất Dự án xây cầu Đuống 2 dài 0,5 km và đường nối đến địa phận tỉnh Bắc Ninh dài 4,2 km có tổng mức đầu tư khoảng 6.000 tỷ đồng theo hình thức đầu tư PPP, loại hợp đồng BOT; thời gian hoàn thành dự kiến năm 2021.