Dòng tiền nghìn tỉ ‘tiếp sức’ cho Hoàng Sơn Group

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Riêng trong năm 2020, nhóm Hoàng Sơn Group của Chủ tịch Nguyễn Cao Sơn đã huy động thành công 2.480 tỉ đồng qua kênh trái phiếu, thể hiện tham vọng lớn trong lĩnh vực năng lượng tái tạo. 
Trụ sở chính CTCP Đầu tư Năng lượng – Xây dựng – Thương mại Hoàng Sơn (Nguồn: Hoàng Sơn Group)
Trụ sở chính CTCP Đầu tư Năng lượng – Xây dựng – Thương mại Hoàng Sơn (Nguồn: Hoàng Sơn Group)

Dòng vốn nghìn tỉ cấp tập chảy về Hoàng Sơn Group

Hai thành viên của CTCP Đầu tư Năng lượng – Xây dựng – Thương mại Hoàng Sơn (Hoàng Sơn Group) là CTCP Đầu tư Năng lượng Hoàng Sơn (Năng lượng Hoàng Sơn) và CTCP Đầu tư Năng lượng Hoàng Sơn 2 (Năng lượng Hoàng Sơn 2) vừa huy động thành công 1.000 tỉ đồng qua kênh trái phiếu, kỳ hạn 3 năm, mỗi doanh nghiệp phát hành thành công 500 tỉ đồng.

Cả 2 lô trái phiếu này cùng được phát hành vào ngày 25/12/2020 và hoàn thành vào ngày 30/12/2020, mức lãi suất cũng như danh sách trái chủ không được công bố.

Tổ chức thu xếp phát hành là CTCP Chứng khoán Tân Việt (TVSI) và Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB). SCB cũng là nhà băng cấp thư bảo lãnh thanh toán cho Năng lượng Hoàng Sơn và Năng lượng Hoàng Sơn 2 để làm tài sản bảo đảm cho lô trái phiếu.

Như VietTimes từng đề cập, ngày 26/8/2020, nhóm Hoàng Sơn Group cũng huy động thành công 1.480 tỉ đồng qua kênh trái phiếu thông qua 2 thành viên khác là Công ty TNHH Điện mặt trời Mỹ Sơn 1 và Công ty TNHH Điện mặt trời Mỹ Sơn 2.

Hai công ty này đang phát triển các dự án cùng tên là Nhà máy điện mặt trời Mỹ Sơn 1 (công suất 50 MW, quy mô 80 ha, tổng mức đầu tư gần 1.363 tỉ đồng) và Nhà máy điện mặt trời Mỹ Sơn 2 (công suất 50 MW, quy mô 60 ha, tổng mức đầu tư 1.200 tỉ đồng).

Trước đó 1 ngày (25/8), dữ liệu của VietTimes cho thấy, Năng lượng Hoàng Sơn và Năng lượng Hoàng Sơn 2 đã lần lượt thế chấp 96% vốn điều lệ của Mỹ Sơn 1 (tương ứng giá trị vốn góp là 393,6 tỉ đồng) và 98,75% vốn điều lệ của Mỹ Sơn 2 (tương ứng giá trị vốn góp hơn 345,6 tỉ đồng) tại Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) – Chi nhánh Thanh Xuân.

Về kết quả kinh doanh, dữ liệu của VietTimes cho thấy, vài năm gần đây, Hoàng Sơn Group (công ty mẹ) có tỷ suất sinh lời khiêm tốn.

Như năm 2016 và 2017, doanh nghiệp này ghi nhận doanh thu thuần lần lượt đạt 668,6 tỉ đồng và 300,5 tỉ đồng, lợi nhuận thuần chỉ ở mức 1,7 tỉ đồng và 1 tỉ đồng, tương ứng với biên lợi nhuận 0,25% và 0,33%.

Năm 2019, doanh thu thuần của Hoàng Sơn Group đạt 488,6 tỉ đồng, lợi nhuận thuần ở mức 1,7 tỉ đồng, tương ứng với biên lợi nhuận 0,34%.

Tại ngày 31/12/2019, tổng tài sản của Hoàng Sơn Group đạt 1.528 tỉ đồng, tăng 16,8% so với thời điểm đầu năm; vốn chủ sở hữu ở mức 270,8 tỉ đồng.

Tham vọng năng lượng tái tạo

Hoàng Sơn Group là một trong những ông lớn tại tỉnh Hoà Bình, được thành lập vào tháng 5/2007 do ông Nguyễn Cao Sơn (SN 1969) làm Chủ tịch HĐQT.

Ông Nguyễn Cao Sơn (thứ ba từ trái sang) - (Nguồn: Hoàng Sơn Group)
Ông Nguyễn Cao Sơn (thứ ba từ trái sang) - (Nguồn: Hoàng Sơn Group)

Khởi đầu với mảng xây lắp và sau này là bất động sản, tuy nhiên tập đoàn này đang có tham vọng lớn với năng lượng tái tạo khi sở hữu danh mục dự án trị giá hàng chục nghìn tỉ đồng.

Gần đây nhất, Hoàng Sơn Group đã được UBND tỉnh Đắk Lắk chấp thuận cho nghiên cứu, khảo sát đo gió lập dự án điện gió tại huyện Ea H’leo, Krông Búk và Krông Năng.

Cụ thể, tại xã Ea Hiao (huyện Ea H’leo) và xã Cư Klông (huyện Krông Năng), Hoàng Sơn Group sẽ khảo sát đo gió trên khu đất rộng 2.735 ha, lập dự án điện gió quy mô công suất dự kiến 180 MW. Tại xã Ea Sol (huyện Ea H’leo), tập đoàn khảo sát đo gió diện tích 6.350 ha, quy mô nhà máy 500 MW.

Tại xã Cư A Mung (huyện Ea H’leo) đo gió diện tích 4.794 ha, quy mô nhà máy 150 MW. Tại xã Cư Kbô (huyện Krông Búk) và xã Ea Hồ (huyện Krông Năng), đo gió trên diện tích 2.602,4 ha, quy mô nhà máy 100 MW.

Trước đó, tháng 10/2020, Hoàng Sơn Group cũng được UBND tỉnh Đắk Lắk cho phép khảo sát, nghiên cứu lập hồ sơ dự án nhà máy điện mặt trời trên hồ Ea Súp Hạ, huyện Ea Súp. Diện tích được khảo sát rộng 120 ha, trong đó có 118 ha mặt nước và 2 ha đất thuộc địa phận xã Cư Mlan và thị trấn Ea Súp.

Ngoài ra, trong tháng 8/2020, 2 công ty thành viên của Hoàng Sơn Group là CTCP Phong điện Chơ Long và CTCP Phong điện Yang Trung đã được UBND tỉnh Gia Lai chấp thuận đầu tư 2 dự án nhà máy điện gió cùng tên.

Cụ thể, dự án nhà máy điện gió Chư Long có công suất 155 MW, quy mô 67,33 ha, tổng vốn đầu tư dự kiến 4.619 tỉ đồng. Dự án điện gió Yang Trung có công suất 145 MW, quy mô 67,95 ha, tổng vốn đầu tư 4.403 tỉ đồng.

Theo kế hoạch, cả 2 dự án này sẽ khởi công xây dựng vào tháng 1/2021 và hoàn thành công tác xây dựng, lắp đặt thiết bị vào tháng 9/2021./.