Ngày 1/6/2017, Tổng thống Mỹ Donald Trump chính thức tuyên bố Mỹ sẽ không tham gia Hiệp định khí hậu Paris 2015-một hiệp định mang tính bước ngoặt của Liên Hợp Quốc sau nhiều năm đàm phán. Nhiều nước trên thế giới, trong đó có cả các đồng minh then chốt của Mỹ, đã lên tiếng phản đối quyết định này của Tổng thống Mỹ Donald Trump. Vậy nên, thiết nghĩ chúng ta cũng cần tìm hiểu thêm do đâu chủ nhân Nhà Trắng lại đưa Mỹ quyết định gây tranh cãi như vậy trên phạm vi toàn cầu.
Thời điểm nước Mỹ đứng trước bước ngoặt lịch sử
Trong thời điểm này nước Mỹ đang đứng bước ngoặt lịch sử kể từ cuộc khủng hoảng bùng phát từ năm 2008. Đó không chỉ là cuộc khủng hoảng tài chính-kinh tế đơn thuần mà là cuộc khủng hoảng hệ thống đối với nước Mỹ, được thể hiện ở trên hai bình diện là mô hình phát triển và trật tự thế giới.
Trên bình diện mô hình phát triển, nước Mỹ đang đứng trước sự lựa chọn giữa mô hình chủ nghĩa tư bản tài chính-ngân hàng và mô hình tư bản công nghiệp trong thời đại mới. Mô hình tư bản tài chính-ngân hàng hình thành từ Hiệp định Breton-Wood được ký kết vào năm 1944, theo đó đồng đô la Mỹ (USD) được bảo đảm bằng vàng và chính thức trở thành đồng tiền chung của thế giới [1,2].
Mô hình này đã trải qua hai cuộc khủng hoảng lớn. Cuộc khủng hoảng lần thứ nhất diễn ra vào đầu những năm 1970. Thay vì tìm kiếm một giải pháp cho vấn đề mất cân đối trong nền kinh tế toàn cầu do sự suy giảm vị thế nền kinh tế Mỹ, Washington bắt đầu tìm cách tạo ra giải pháp mới có hiệu quả hơn nhằm tiếp tục sử dụng USD như là một công cụ để kiểm soát hệ thống tài chính thế giới. Ngày 15/8/1971, Tổng thống Mỹ Richard Nixon thông qua một quyết định lịch sử gây chấn động toàn bộ nền kinh tế thế giới: từ thời điểm năm 1971, Mỹ chính thức bãi bỏ bản vị bằng vàng của USD trên phạm vi toàn cầu, chính thức chấm dứt hiệu lực Hệ thống Bretton-Woods và từ năm 1971 đồng USD chuyển sang được đảm bảo bằng dầu mỏ-một thứ “vàng đen” của thế giới. Từ đó USD còn được gọi là USD-dầu mỏ.
Để đảm bảo bản vị USD bằng dầu mỏ, Mỹ và Arabia Saudi đã ký một hiệp định cực kỳ quan trọng vào năm 1973, theo đó Mỹ vừa sử dụng sức mạnh quân sự để bảo vệ các mỏ dầu của Arabia Saudi, vừa cung cấp vũ khí và trang bị cho quốc gia này và những điều kiện cần thiết để chống lại nguy cơ quân sự. Đổi lại, Arabia Saudi phải thanh toán các hợp đồng xuất khẩu dầu mỏ bằng đồng USD của Mỹ và không được thanh toán các hợp đồng bán dầu mỏ bằng bất kỳ một đồng tiền nào khác. Ngoài ra, Arabia Saudi phải sử dụng lợi nhuận thu được từ việc xuất khẩu dầu mỏ để gửi vào ngân hàng dưới dạng ngân phiếu và trái phiếu của Chính phủ Mỹ. Sau Arabia Saudi, các nước xuất khẩu dầu mỏ trong OPEC (Organization of the Petroleum Exporting Countries) cũng thanh toán các hợp đồng xuất khẩu “vàng đen” bằng USD [3,4].
Ngay sau khi Arabia Saudi chấp nhận điều kiện này, Mỹ đã tạo ra nhu cầu về đồng USD lớn chưa từng có, giúp Mỹ thoát khỏi suy thoái, tạo ra sự tăng trưởng kinh tế vượt bậc trong nhiều thập kỷ sau đó. Năm 1975, tất cả các thành viên thuộc OPEC đã ký hợp đồng với Mỹ tương tự như Arabia Saudi và đều đồng ý thanh toán các hợp đồng xuất khẩu dầu mỏ bằng USD, đồng thời đem phần lớn số tiền thu được từ xuất khẩu dầu mỏ để mua trái phiếu và ngân phiếu của Mỹ. Từ đó, gia tăng đột biến nhu cầu về đồng USD của Mỹ cùng với nhu cầu tiêu thụ dầu mỏ ngày càng tăng trên phạm vi toàn cầu. Cũng chính vì thế, Mỹ có quyền hiện diện quân sự tại nhiều nước trên thế giới mà ở đó có khai thác và xuất khẩu dầu mỏ như Arabia Saudi, Iraq, Kuwait, Qatar, Oman, Egypt, Yemen v.v. Từ đây, tranh chấp tài nguyên dầu mỏ là nguyên nhân dẫn tới hàng loạt cuộc chiến tranh đẫm máu sau Chiến tranh lạnh mà điển hình là các cuộc chiến tranh ở Afghanistan, Iraq, Libya và hiện nay ở Syria.
Cuộc khủng hoảng lần thứ hai vào năm 2008. Từ đây, nhiều nước bắt đầu rút khỏi hệ thống đồng USD-dầu mỏ. Trên thực tế, nhiều nước không chỉ từ bỏ cơ chế thanh toán các hợp đồng mua bán dầu mỏ bằng đồng USD mà còn từng bước chia tay với vai trò trung gian của đồng USD như là một đồng tiền duy nhất có khả năng chuyển đổi trên phạm vi toàn cầu trong hoạt động thanh toán thương mại song phương. Đi đầu trong cuộc “chia tay định mệnh” với USD-dầu mỏ là Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc và các nước trong Nhóm BRICS.
Cuộc khủng hoảng của Hệ thống Bretton-Woods thực chất là sự khủng hoảng của chủ nghĩa tư bản tài chính-ngân hàng, đặt nước Mỹ đứng trước sự lựa chọn giữ hai con đường phát triển. Con đường thứ nhất là tiếp tục bằng mọi cách duy trì vai trò toàn cầu của USD, khởi đầu từ Hiệp định Breton-Wood năm 1944 đã từng đưa nước Mỹ vào tình trạng mà trong đó “kinh tế ảo” (kinh doanh dịch vụ tài chính-ngân hàng) chiếm tới 60% GDP của Mỹ, còn kinh tế thực (sản xuất hàng hóa) chỉ chiếm khoảng 20% GDP [5].
Nhìn từ chủ trương của Donald Trump “Make America Great Again”
Cuộc chạy đua vào Nhà Trắng ở Mỹ năm 2016 không đơn thuần là cuộc bầu cử 4 năm một lần như thường lệ, cũng không phải là sự chuyển giao quyền lực từ một đảng này sang đảng khác, mà là cuộc bầu cử trong một thời khắc có tính bước ngoặt trong lịch sử của nước Mỹ.
Ứng cử viên Hillary Clinton đại diện cho các thế lực tiếp tục duy trì mô hình chủ nghĩa tư bản tài chính-ngân hàng và được Tổng thống Mỹ Barack Obama hết lòng ủng hộ bởi ông là người đưa ra học thuyết nhằm duy trì sự tồn tại của mô hình chủ nghĩa tư bản tài chính-ngân hàng.
Để cứu vớt mô hình này, Barack Obama chủ trương bằng mọi biện pháp duy trì trật tự thế giới đơn cực do Mỹ lãnh đạo, bởi trật tự này là nền tảng cơ bản nhất để duy trì vai trò độc tôn của USD. Việc Tổng thống Barack Obama ký kết Hiệp định khí hậu Paris cũng là nhằm mục đích tạo ra sự đồng thuận trên phạm vi toàn cầu dưới ảnh hưởng chi phối của Mỹ, thường được gọi là “sự đồng thuận Washington” [6,7].
Còn ứng cử viên Donald Trump đại diện cho các thế lực ở Mỹ lựa chọn con đường phát triển theo mô hình chủ nghĩa tư bản công nghiệp trong thời đại mới, nhằm đưa đồng USD trở lại đúng giá trị thực của nó. Khi Donald Trump đưa ra chủ trương “Đưa nước Mỹ vĩ đại trở lại” (Make America Great Again”), ông muốn đưa nước Mỹ một lần nữa chiếm vị trí số 1 thế giới như một quốc gia đã từng chiếm lĩnh đỉnh cao nhất trong cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 3 trong thế kỷ XX. Vì vậy, Donald Trump không chỉ sẵn sàng chống lại những chủ trương của Đảng Dân chủ mà còn chống lại một số thế lực ngay trong Đảng Cộng hòa của mình.
Cũng chính vì thế mà trong khi ứng cử viên Hillary Clinton chủ trương kiên quyết bảo vệ trật tự thế giới đơn cực hình thành sau Chiến tranh lạnh đang bị lung lay, trong đó Mỹ không còn là siêu cường duy nhất đóng vai trò lãnh đạo thế giới, thì ông Donald Trump người chủ trương chấp nhận trật tự thế giới đa cực vì đó là xu thế không thể đảo ngược. Theo Donald Trump, Mỹ vẫn là cường quốc vĩ đại nhưng phải hợp tác với các nước khác trên cơ sở các bên cùng có lợi.
Do đó, Donald Trump có những quyết sách chưa từng có, sẽ tác động không chỉ làm thay đổi nước Mỹ mà cả thế giới. Đó là, chia tay với Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), ngừng đàm phán về Hiệp định đầu tư và thương mại xuyên Đại Tây Dương (TTIP) và gần đây nhất là đưa nước Mỹ ra khỏi Hiệp định khí hậu Paris.
Với quyết định đưa Mỹ rút khỏi Hiệp định khí hậu Paris, Tổng thống Mỹ Donald Trump cho rằng thỏa thuận này “không công bằng với Mỹ”, “chiếm đoạt công ăn việc làm của người Mỹ” và tuyên bố sẽ cố gắng đàm phán lại hoặc soạn ra một thỏa thuận mới nhằm đem lại lợi ích cho nước Mỹ [8,9].
Xuất phát từ sai lầm của cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama
Theo truyền thống, Quốc hội Mỹ không sẵn sàng bị ràng buộc với bất kỳ thỏa thuận quốc tế nào có thể gây bất lợi cho Mỹ. Trong hệ thống chính trị Mỹ, Thượng viện với 100 thượng nghị sĩ thành viên sẽ phải phê duyệt mọi hiệp ước và hiệp định mà Mỹ tham gia với đại đa số ý kiến ủng hộ là 66 phiếu. Tiêu chuẩn này là “giới hạn đỏ” đối với sự tham gia của Mỹ trong bất kỳ hiệp ước quốc tế hoặc thực thi bất kỳ hành động lập pháp gây tranh cãi nào.
Năm 1995, Tổng thống Bill Clinton, thành viên đảng Dân chủ, đã từng coi vấn đề biến đổi khí hậu là ưu tiên hàng đầu trong bối cảnh Đảng Dân chủ mất quyền kiểm soát Thượng viện vào tay Đảng Cộng hòa. Trong giai đoạn này, LHQ đang thảo luận về Nghị định thư Kyoto, trong đó ràng buộc các nước phát triển về những mục tiêu và các mốc thời gian liên quan đến biến đổi khí hậu.
Năm 1997, Thượng viện Mỹ ra nghị quyết khẳng định họ sẽ không chấp nhận Thỏa thuận Kyoto về biến đổi khi hậu trừ khi các nước đang phát triển cũng bị ràng buộc với các mục tiêu và khung thời gian. Nghị quyết được thông qua với 95 phiếu thuận và không có phiếu chống. Vì thế, năm 1998, Phó tổng thống Al Gore, người ủng hộ mạnh mẽ về vấn đề khí hậu và là chủ nhân Giải Nobel hòa bình, đại diện cho Mỹ "ký tượng trưng" Nghị định thư Kyoto.
Năm 2001, Tổng thống Mỹ G.W.Bush cũng rất quan tâm đến vấn đề biến đổi khí hậu nhưng Thượng viện Mỹ vẫn cho rằng sẽ không đạt được số phiếu cần có để thông qua việc Mỹ tham gia Thỏa thuận Kyoto về biến đổi khi hậu. Vì vậy, Tổng thống G.W.Bush không đưa thỏa thuận này ra trước Quốc hội. Năm 2002, Vụ khảo cứu của Quốc hội (CRS), một cơ quan nghiên cứu của cả hai đảng, đưa ra kết luận rằng các thỏa thuận về môi trường thuộc phạm trù hiệp ước quốc tế nên phải được Thượng viện phê chuẩn mới có giá trị pháp lý.
Năm 2009, sau khi lên cầm quyền, Tổng thống Mỹ Barack Obama cũng phải đối mặt với “giới hạn đỏ” liên quan với rào cản đa số phiếu trong Thượng viện. Trong điều kiện đó, ông tập trung nỗ lực để thông qua Đạo luật về bảo hiểm y tế và khắc phục hậu quả cuộc khủng hoảng tài chính 2008.
Bước sang nhiệm kỳ hai (2012-2016), Tổng thống Barack Obama quyết định phá thế bế tắc bằng cách "vượt mặt" Quốc hội, theo đó ông đã ký quyết định ban hành nhiều văn kiện hành pháp và các quy định mà không cần Quốc hội chấp thuận. Trong quá trình chuẩn bị cho Mỹ tham gia Hiệp định khí hậu Paris, Tổng thống Mỹ Barack Obama chỉ đạo Cơ quan bảo vệ môi trường Mỹ (EPA) xây dựng một bộ tiêu chuẩn cho các nhà máy nhiệt điện sử dụng nhiên liệu than. Bộ tiêu chuẩn này có tính ràng buộc với gần như toàn bộ các nhà máy điện hiện có ở Mỹ và không cho phép xây dựng các nhà máy mới. Điều này cho phép Tổng thống Barack Obama đạt mục tiêu và thời hạn về giảm khối lượng phát thải theo Hiệp định khí hậu Paris mà không cần Quốc hội phê duyệt.
Từ đó, Kế hoạch năng lượng sạch (CPP) của Mỹ chính thức có hiệu lực từ năm 2015. Tổng thống Barack Obama hiểu rằng Hiệp định khí hậu Paris sẽ không được Thượng viện do phe Cộng hòa nắm quyền kiểm soát phê chuẩn, nên ông quyết định "lách luật" và ký "thỏa thuận thực thi" ("Enforcement Agreement") về Hiệp định khí hậu Paris vào năm 2016 với lập luận hiệp định này chỉ là một "thỏa thuận" chứ không phải là một hiệp ước.
Hành động “lách luật” này của Tổng thống Mỹ Barack Obama cuối cùng cũng không thể giấu kín được và bị phe phản đối Hiệp định khí hậu Paris nổi giận, trong số đó có tỷ phú Donald Trump. Tổng thống Barack Obama rời Nhà Trắng vào tháng 1/2017 với niềm tin rằng di sản về khí hậu của mình sẽ được tân Tổng thống Donald Trump bảo lưu.
Thế nhưng, tháng 2/2016, Tòa án tối cao Mỹ ra quyết định đình chỉ Kế hoạch năng lượng sạch của cựu Tổng thống Barack Obama. Trong khi đó, tân Tổng thống Donald Trump đã quyết định cắt giảm 1/3 ngân sách cấp cho EPA trong dự luật ngân sách quốc gia năm tài chính 2018. Ngoài ra, ông Donald Trump còn ký lệnh hành pháp mở đường cho việc dẹp bỏ Kế hoạch năng lượng sạch, đồng thời ban hành các sắc lệnh khác để hồi sinh ngành công nghiệp than mà Tổng thống Barack Obama đã kìm hãm.
Cũng vì thế, Tổng thống Donald Trump không chỉ ký sắc lệnh hành pháp đưa Mỹ rút khỏi Hiệp định khí hậu Paris, mà còn hủy cam kết của cựu Tổng thống Barack Obama về việc tài trợ nhiều tỷ USD cho các nước đang phát triển để kiểm soát biến đổi khí hậu. Trước khi rời nhiệm sở, chính quyền Obama đã chi 1 tỷ USD phục vụ mục đích này.
Ngay cả khi không đưa ra quyết định rút khỏi Hiệp định khí hậu Paris, Tổng thống Mỹ Donald Trump vẫn có thể loại bỏ sự tham gia của Mỹ trong hiệp định này bằng cách hạ thấp các mục tiêu và khung thời gian, hoặc chỉ cần tuyên bố, xét về bản chất, thỏa thuận này là một “hiệp ước” và gửi lên Thượng viện để bỏ phiếu. Khi đó, chắc chắn là Thượng viện sẽ đưa ra quyết định Mỹ rút khỏi thỏa thuận này [10]./.
Tài liệu tham khảo
[1] . Bretton Woods System. http://www2.econ.iastate.edu/classes/econ355/choi/bre.htm
[2] What was decided at the Bretton Woods summit. http://www.economist.com/blogs/economist-explains/2014/06/economist-explains-20
[3] Nixon and the End of the Bretton Woods System, 1971–1973. https://history.state.gov/milestones/1969-1976/nixon-shock.
[4] Crises and the Bretton Woods Institutions and the Crises of the Bretton Woods Institutions. http://policydialogue.org/files/events/Stein_Crises_and_Bretton_Woods_Institutions.pdf
[5] Sự lựa chọn lịch sử của nước Mỹ. Tập thể tác giá do PGS-TS Cù Chí Lợi chủ biên. NXB Chính trị quốc gia-Sự thật. Hà Nội, 2016.
[6] Washington consensus – definition and criticism. http://www.economicshelp.org/blog/7387/economics/washington-consensus-definition-and-criticism/
[7] Washington Consensus. http://www.cid.harvard.edu/cidtrade/issues/washington.html
[8] New Trump Order Extends 'Buy American' And 'Hire American' Rules. http://www.npr.org/2017/04/17/524422344/new-trump-order-extends-buy-american-and-hire-american-rules
[9] Donald Trump pulls US out of Paris climate accord to 'put American workers first'. http://www.telegraph.co.uk/news/2017/06/01/trump-pull-paris-accord-seek-better-deal/
[10] Obama’s Strategy on Climate Change, Part of Global Deal, Is Revealed.https://www.nytimes.com/2015/04/01/us/obama-to-offer-major-blueprint-on-climate-change.html