Người phụ trách bản báo cáo bày tỏ lo ngại là chính sách cứng rắn với Trung Quốc tại Biển Đông sẽ được đẩy mạnh trong nhiệm kỳ tổng thống mới.
Trung Quốc đã tổ chức rầm rộ buổi ra mắt báo cáo, với gần 60 cơ quan truyền thông trong và ngoài nước, trong đó các hãng lớn của phương Tây, như kênh NBC, các báo New York Times, Wall Street Journal, Washington Post, Financial Times, Yomiuri Shimbun, China Times (Đài Loan), các hãng tin Reuters, Bloomberg… Khoảng 80 đại diện các sứ quán và cơ sở nghiên cứu tham dự buổi ra mắt.
Thông tin của Viện Nghiên cứu Biển Đông Quốc gia (NISCSS) có trụ sở tại đảo Hải Nam, cơ quan chủ trì thực hiện, cho biết báo cáo gồm 5 chương, dài hơn 30.000 từ, tập trung mô tả hiện diện quân sự của Mỹ tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương kể từ khi Mỹ thực hiện chiến lược «tái cân bằng» năm 2010, chính sách Biển Đông của Washington, và các hợp tác quân sự giữa Trung Quốc và Mỹ.
Một tiêu điểm của bản báo cáo là các hoạt động quân sự của Mỹ tại Biển Đông. Hãng Bloomberg dẫn báo cáo cho biết, trong năm 2015 Hải quân và Không quân Mỹ đã tiến hành hơn 700 cuộc tuần tra tại Biển Đông, khiến Trung Quốc trở thành «mục tiêu theo dõi số một của Mỹ», và các hoạt động quân sự của Mỹ tại các vùng biển giáp với Biển Đông chưa bao giờ lại mạnh mẽ như vậy. Báo cáo cũng cáo buộc, các cuộc tuần tra tại Biển Đông là một đe dọa đối với chủ quyền lãnh thổ và an ninh của Trung Quốc.
Báo cáo của viện nghiên cứu về Biển Đông của Trung Quốc cũng thừa nhận mục tiêu số một và mục tiêu cơ bản của các hoạt động tuần tra của Mỹ là để «bảo vệ quyền tự do hàng hải» và mục tiêu thứ hai là để «tăng cường các quan hệ với đồng minh và đối tác» của Mỹ.
Bloomberg dẫn lời ông Ngô Sĩ Tồn, người phụ trách báo cáo, cảnh báo: «Nếu Mỹ tiếp tục tăng cường tuần tra và hoạt động tình báo tại Biển Đông, Trung Quốc có thể sẽ thành lập vùng nhận dạng hàng không».
Các hãng tin Reuters, ABC, Bloomberg đều trích lời ông Ngô Sĩ Tồn, nhấn mạnh chính sách nói trên của Mỹ tại châu Á - Thái Bình Dương và Biển Đông dưới thời chính quyền Donald Trump, chắc chắn vẫn sẽ được tiếp tục.
Ông Chu Phượng, một người đồng phụ trách buổi ra mắt bản báo cáo, giám đốc Trung tâm Nghiên cứu về Hợp tác biển (Đại học Nam Ninh) phát biểu với Reuters, mục tiêu của bản báo cáo này nhằm tránh cho Trung Quốc và Mỹ rơi vào một cuộc chạy đua vũ trang. Hai ông Ngô Sĩ Tồn và Chu Phượng đều phán đoán Washington thời Donald Trump rất có thể sẽ gia tăng chi phí quân sự, tương tự như các tổng thống Mỹ thuộc đảng Cộng hòa.
Tuy nhiên, quan hệ Trung-Mỹ không chỉ có tiêu cực, báo cáo của Viện nghiên cứu Biển Đông Trung Quốc cũng dành nhiều trang để ca ngợi sự phát triển của quan hệ hợp tác quân sự song phương và tầm quan trọng của quan hệ này. Báo cáo nhấn mạnh : quân đội hai nước hiện nay đã trở nên «cởi mở hơn và mềm dẻo hơn trong các trao đổi, hợp tác về an toàn hàng hải», với các cuộc viếng thăm của tàu chiến, trao đổi khoa học quân sự, diễn tập phối hợp và đối thoại về an ninh tin học. Báo cáo cũng nhấn mạnh đến bộ Quy tắc Tránh Va chạm ngoài ý muốn trên biển (CUES), vừa được nhiều quốc gia Biển Đông và châu Á - Thái Bình Dương, trong đó có Trung Quốc và Mỹ thông qua.
Với bản báo cáo vừa được công bố, Bắc Kinh dường như muốn chứng minh với cộng đồng quốc tế là Trung Quốc đang có phần bị Mỹ chèn ép.
Trên thực tế, trong những năm vừa qua, đặc biệt là hai năm 2013-2014, Trung Quốc đã gia tăng gấp bội hoạt động xây dựng trái phép, củng cố các cơ sở quân sự tại nhiều thực thể địa lý ở Biển Đông, khiến các nước láng giềng và cộng đồng quốc tế hết sức lo ngại. Một trong những lý do chủ yếu khiến Mỹ gia tăng tuần tra tại Biển Đông trong năm 2015 vừa qua là thể theo yêu cầu của các đồng minh và đối tác trong khu vực, nhằm ngăn chặn tham vọng của Bắc Kinh.
Các hành động lấn lướt về quân sự cũng như tàn phá môi trường của Trung Quốc tại Biển Đông cũng là chủ đề chính trong bản báo cáo dài gần 600 trang, mà Ủy ban đánh giá về Kinh tế và An ninh Mỹ-Trung của Quốc hội Mỹ vừa công bố ngày 16/11.