Tại Hội thảo Phổ biến nội dung Nghị định số 06/2016/NĐ-CP ngày 18/1/2016 của Chính phủ về quản lý, cung cấp và sử dụng dịch vụ phát thanh, truyền hình, và các Thông tư hướng dẫn Nghị định 06. Tham dự Hội thảo có đại diện các Đài phát thanh – truyền hình của 31 tỉnh, thành phố phía Bắc, các đài truyền hình Trung ương, các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ truyền hình trả tiền... Thứ trưởng Bộ TT&TT Hoàng Vĩnh Bảo tới dự Hội thảo.
Một nội dung được khá nhiều đại biểu quan tâm là quy định về kênh chương trình phục vụ nhiệm vụ chính trị, thông tin tuyên truyền thiết yếu. Thông tư 18/2016/TT-BTTTT có một số điểm mới so với Thông tư 09/2012/TT-BTTTT. Trong đó, số lượng kênh thiết yếu quốc gia giảm từ 10 kênh xuống còn 7 kênh. Nghị định 06 bổ sung thêm trách nhiệm của các đơn bị phát thanh, truyền hình trả tiền là phải có thỏa thuận với đơn vị cung cấp nội dung để thống nhất về điểm tiếp nhận tín hiệu kênh thiết yếu đảm bảo yêu cầu kỹ thuật, chất lượng nội dung và tiết kiệm chi phí truyền dẫn của đơn vị cung cấp dịch vụ, cũng như tránh để những vấn đề có thể xảy ra liên quan đến ràng buộc về bản quyền đối với các đơn vị khác. Cũng theo quy định hiện hành, đơn vị truyền hình trả tiền nào không tiếp phát đầy đủ các kênh truyền hình thiết yếu theo quy định sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính từ 10 – 20 triệu đồng.
Liên quan đến quy định này, đại diện VTV đặt câu hỏi, nếu nhà nước đã quy định các đơn vị cung cấp dịch vụ truyền hình trả tiền bắt buộc phải tiếp phát các kênh truyền hình thiết yếu, thì các đài truyền hình có phải trả tiền cho các đơn vị khác để tiếp phát kênh thiết yếu hay không. Bởi nếu các đơn vị truyền hình trả tiền không phát sóng kênh thiết yếu sẽ có thể bị phạt từ 10-20 triệu đồng. Trong khi hiện nay VTV phải trả tiền cho các đơn vị truyền hình trả tiền để tiếp phát kênh thiết yếu VTV1.
Liên quan đến câu hỏi này, ông Nguyễn Hà Yên, Phó Cục trưởng Cục Phát thanh truyền hình và Thông tin điện tử cho rằng, đương nhiên các đơn vị truyền hình trả tiền phải thực hiện việc tiếp phát các kênh truyền hình thiết yếu trung ương. Do đó, các đài làm nội dung sẽ không phải trả chi phí truyền dẫn. Quy định về phát sóng kênh thiết yếu là điều kiện cần để các đơn vị truyền hình trả tiền phải cam kết khi xin giấy phép cung cấp dịch vụ. Mục đích của Nhà nước phải quy định như vậy là để người dân không bỏ lỡ kênh truyền hình tuyên truyền của nhà nước. Đối với các kênh thiết yếu địa phương, công nghệ cho phép phải tiếp phát ở địa phương thì không phải trả tiền. Trong trường hợp địa phương muốn phát rộng kênh thiết yếu ra các khu vực khác thì mới phải trả tiền cho đơn vị truyền dẫn.
Ông Lê Chí Công, Tổng giám đốc K+ cho rằng, nếu như nhà nước quy định các đơn vị cung cấp dịch vụ truyền hình như K+ phải phát sóng các kênh thiết yếu thì các đơn vị này bắt buộc phải truyền dẫn mà không thể bàn cãi, dù có thiếu dung lượng cũng phải dành dung lượng để phát sóng các kênh thiết yếu theo quy định. Nhưng nếu như Nhà nước hoặc các đài không trả chi phí truyền dẫn cho các đơn vị truyền hình trả tiền thì sẽ không hợp lý. Đối với truyền hình cáp thì chi phí rẻ hơn, nhưng đối với chi phí trả cho thuê truyền dẫn vệ tinh rất đắt. K+ đang phải trả chi phí thuê vệ tinh truyền 1 kênh SD là 85.000 USD/năm, HD thì còn cao hơn nữa. “Doanh nghiệp phục vụ cho mục tiêu tuyên truyền của Nhà nước thì Nhà nước phải trả chi phí này, sao lại bắt doanh nghiệp phải trả”, ông Công phát biểu.
Ông Trịnh Long Vũ, Trưởng Ban biên tập VTVcab cũng nêu ra ý kiến về bản quyền nội dung trên các kênh thiết yếu. Ví dụ, nội dung kênh thiết yếu VTV1 cấu thành bởi không phải chương trình do VTV sản xuất mà còn là nhiều chương trình do VTV mua bản quyền. Nếu như bản quyền đó chỉ mua để phát sóng trên quảng bá, còn các hạ tầng khác như vệ tinh, cáp hay IPTV không mua bản quyền. Như vậy sẽ xảy ra trường hợp các đơn vị truyền hình trả tiền tiếp phát kênh VTV1 thì VTV sẽ trở thành vi phạm bản quyền, các kênh thiết yếu khác cũng có thể rơi vào tình cảnh tương tự..
Giải đáp ý kiến của ông Công, ông Nguyễn Hà Yên cho hay, khi lập hồ sơ xin cấp phép thiết lập mạng viễn thông, giấy phép cung cấp dịch vụ đơn vị truyền hình trả tiền phải cam kết trong hồ sơ về khả năng cung cấp dịch vụ, chi phí phát sóng các kênh thiết yếu cũng được cam kết trong hồ sơ. Việc bắt buộc phải phát sóng các kênh truyền hình thiết yếu là điều kiện cần để các doanh nghiệp truyền hình trả tiền được cấp phép. Tuy nhiên, để hỗ trợ các đài truyền hình khó khăn trong việc truyền dẫn phát sóng truyền hình số khi triển khai Đề án Số hóa truyền hình, Quỹ Dịch vụ Viễn thông công ích hiện đang triển khai gói hỗ trợ kinh phí truyền dẫn kênh truyền hình thiết yếu lên vệ tinh với chi phí 2,2 tỷ đồng/năm.
Đối với vấn đề bản quyền nội dung trên kênh truyền hình thiết yếu mà ông Long Vũ nêu ra, ông Nguyễn Hà Yên cho rằng, VTV có 9 kênh truyền hình, trong trường hợp VTV lo ngại vấn đề bản quyền thì phải tự điều chỉnh nội dung giữa các kênh. Còn riêng nội dung kênh VTV1 phải điều chỉnh và thực hiện đúng quy định của Nhà nước.
Theo Xã hội Thông tin