Đòn thuế đối ứng của ông Trump làm dấy lên phản ứng mạnh mẽ từ nhiều nước

Tổng thống Mỹ Donald Trump đã công bố các biện pháp thuế đối ứng đối với tất cả các quốc gia và khu vực trên thế giới, gây ra phản ứng mạnh mẽ từ nhiều nước.
Tổng thống Mỹ Donald Trump ký lệnh áp thuế đối ứng với nhiều quốc gia và khu vực. Ảnh: Reuters.

Biện pháp đánh thuế với mức tăng rất lớn đã gây sự chú ý và phản ứng của toàn cầu. Nhiều nguyên thủ quốc gia ngay lập tức phản đối và tuyên bố sẽ bảo vệ lợi ích quốc gia của mình.

Các quốc gia phản ứng với thái độ khác nhau

Canada, quốc gia tuy không nằm trong phạm vi áp dụng thuế quan có đi có lại (còn gọi là thuế đối ứng), nhưng Thủ tướng Mark Carney đã đe dọa sẽ có biện pháp đáp trả vì mức thuế thép và nhôm do Mỹ áp đặt cho sản phẩm của nước này vẫn còn hiệu lực.

Thủ tướng Carney cho biết chính phủ mới của ông sẽ bảo vệ người lao động Canada, "chúng tôi sẽ xây dựng nền kinh tế mạnh nhất trong G7 và sẽ không khuất phục trước cuộc chiến thuế quan của ông Trump”, "chúng tôi sẽ có biện pháp đối phó với các mức thuế quan này".

Thủ tướng Canada Mark Carney. Ảnh: Reuters.

Thủ tướng Australia Anthony Albanese cũng nói một cách rõ ràng: "Người dân Mỹ sẽ phải trả giá lớn nhất cho những mức thuế vô lý này. Đó là lý do tại sao chính phủ của chúng tôi sẽ không tìm cách thu loại thuế quan đối ứng, và chúng tôi sẽ không tham gia vào cuộc chạy đua xuống đáy gây ra tình trạng giá cả tăng và tăng trưởng chậm lại".

Thủ tướng Tây Ban Nha Pedro Sanchez cũng tuyên bố ông sẽ làm hết sức mình để bảo vệ doanh nghiệp và người lao động của đất nước mình.

Phản ứng của Thụy Điển tương đối ôn hòa. Thủ tướng Ulf Kristersson phát biểu: "Chúng tôi không muốn các rào cản thương mại liên tục gia tăng. Chúng tôi không muốn một cuộc chiến tranh thương mại...Chúng tôi muốn tìm cách quay lại con đường thương mại và hợp tác với Mỹ để người dân hai nước có thể có cuộc sống tốt đẹp hơn".

Thủ tướng Australia Anthony Albanese: "Người dân Mỹ sẽ phải trả giá lớn nhất cho những mức thuế vô lý này...". Ảnh: Reuters.

Thủ tướng Italy Giorgia Meloni cũng cho biết Italy sẽ nỗ lực hết sức để đạt được thỏa thuận với Mỹ nhằm tránh chiến tranh thương mại, vì chiến tranh thương mại chắc chắn sẽ làm phương Tây bị suy yếu.

Ông Manfred Weber, chủ tịch Đảng Nhân dân Châu Âu, chính đảng lớn nhất tại Nghị viện Châu Âu, cho biết: "Đối với những người bạn Mỹ của chúng ta, ngày hôm nay không phải là ngày giải phóng mà là ngày phẫn nộ. Thuế quan của ông Trump không phải là bảo vệ thương mại công bằng, mà là tấn công thương mại công bằng vì sợ hãi, gây tổn hại cho cả hai bờ Đại Tây Dương. Châu Âu cần đoàn kết nhất trí, sẵn sàng bảo vệ lợi ích của mình và sẵn sàng tiến hành cuộc đàm phán công bằng và kiên quyết".

Trung Quốc phản ứng quyết liệt

Theo trang web của Bộ Thương mại Trung Quốc ngày 3/4, người phát ngôn bộ này đã ra tuyên bố về thông báo áp thuế trả đũa của Mỹ. Tuyên bố viết: “Trung Quốc lưu ý rằng vào ngày 2/4 theo giờ miền Đông, Mỹ đã tuyên bố sẽ áp dụng ‘thuế quan có đi có lại’ đối với tất cả các đối tác thương mại của họ. Trung Quốc kiên quyết phản đối điều này và sẽ có biện pháp đối phó cứng rắn để bảo vệ quyền và lợi ích của mình.

Ông Trump công bố danh sách các nước bị áp thuế. Ảnh: Đông Phương.

Mỹ tuyên bố rằng họ đã chịu tổn thất trong thương mại quốc tế và đã tăng thuế đối với tất cả các đối tác thương mại với lý do được gọi là ‘có đi có lại’. Cách làm này đã này bỏ qua kết quả cân bằng lợi ích đạt được trong các cuộc đàm phán thương mại đa phương trong nhiều năm qua và cũng bỏ qua thực tế rằng Mỹ từ lâu đã hưởng lợi rất nhiều từ thương mại quốc tế.

Cái gọi là ‘thuế quan có đi có lại’ do Mỹ đưa ra dựa trên những đánh giá chủ quan và đơn phương, không phù hợp với các quy tắc thương mại quốc tế, gây tổn hại nghiêm trọng đến quyền và lợi ích hợp pháp của các bên liên quan, là hành vi bắt nạt đơn phương điển hình. Đáp lại, nhiều đối tác thương mại đã bày tỏ sự bất bình mạnh mẽ và phản đối rõ ràng”.

Tuyên bố của Bộ Thương mại Trung Quốc nhấn mạnh: “Lịch sử đã chứng minh rằng việc tăng thuế quan sẽ không giải quyết được vấn đề của nước Mỹ. Điều này không chỉ gây tổn hại đến lợi ích của nước Mỹ mà còn gây nguy hiểm cho sự phát triển kinh tế toàn cầu và sự ổn định của chuỗi sản xuất và cung ứng. Không có bên nào chiến thắng trong một cuộc chiến thương mại và không có lối thoát cho chủ nghĩa bảo hộ. Trung Quốc kêu gọi Mỹ ngay lập tức hủy bỏ các biện pháp thuế quan đơn phương và giải quyết thỏa đáng những bất đồng với các đối tác thương mại thông qua đối thoại bình đẳng”.

Trụ sở Bộ Thương mại Trung Quốc. Ảnh: Hk01.

Triều Tiên, Nga, Belarus và Cuba không bị áp thuế đối ứng

Có tới 180 quốc gia bị ông Trump áp thuế đối ứng từ 10% đến 49%, nhưng điều đáng chú ý là 4 quốc gia gồm Triều Tiên, Nga, Belarus và Cuba đã được loại trừ.

Tờ New York Times dẫn lời các quan chức Nhà Trắng cho biết lý do vì các quốc gia này vốn đã phải đối mặt với mức thuế quan cực cao và các lệnh trừng phạt áp đặt trước đó cũng cản trở mọi hoạt động thương mại có ý nghĩa với họ.

Ngoài ra, theo Newsweek, liên quan đến việc Nga không nằm trong danh sách thuế đối ứng, một quan chức Nhà Trắng giải thích rằng Nga "không có trong danh sách vì các lệnh trừng phạt liên quan đến chiến tranh Ukraine đã làm giảm thương mại giữa hai nước xuống mức bằng 0".

Các quốc gia khác được loại khỏi danh sách này còn có Belarus, Cuba và Triều Tiên. Nhưng hai nước Iran và Syria, dù cũng phải chịu lệnh cấm vận và trừng phạt nghiêm khắc của Mỹ, vẫn phải chịu mức thuế lần lượt là 10% và 40%.

Theo Guancha