Đối phó Trung Quốc, Nhật Bản tăng cường thêm lực lượng quyết giữ đảo tranh chấp

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

VietTimes – Để đối phó với các hoạt động ngày càng gia tăng của Trung Quốc ở vùng biển xung quanh quần đảo Senkaku (Trung Quốc gọi là Điếu Ngư), Nhật Bản đã có kế hoạch tăng thêm 50% số tàu ​​tuần tra đến vùng biển này.

Tàu tuần tra Nhật Bản (trái) xua đuổi tàu Hải cảnh Trung Quốc ở vùng biển quần đảo tranh chấp Senkaku/Điếu ngư (Ảnh: Dwnews).
Tàu tuần tra Nhật Bản (trái) xua đuổi tàu Hải cảnh Trung Quốc ở vùng biển quần đảo tranh chấp Senkaku/Điếu ngư (Ảnh: Dwnews).

Trang tin Hoa ngữ Đa Chiều ngày 24/12 dẫn báo Nhật Nihon Keizai Shimbun ngày 23/12 đưa tin, Chính phủ Nhật Bản sẽ khẩn cấp triển khai các tàu tuần tra chịu trách nhiệm canh gác quần đảo Senkaku. Năm 2020, số ngày có mặt liên tiếp của các tàu công vụ Trung Quốc trong vùng biển thuộc quần đảo Senkaku đã đạt mức cao kỷ lục trong lịch sử. Động thái này của Nhật Bản là tăng cường phản ứng đối với hành động của Trung Quốc.

Trong dự toán ngân sách năm 2021, chi cho "bảo vệ lãnh hải" của Nhật Bản tới 21,2 tỉ yên (1 yên tương đương 0,009 USD), chủ yếu được sử dụng để đóng tàu tuần tra và mua máy bay trực thăng.

Hiện Nhật có 12 tàu tuần tra chuyên chịu trách nhiệm giám sát xung quanh quần đảo Senkaku, ngoài ra còn có 3 tàu tuần tra ở tỉnh Okinawa và Kagoshima. Chính phủ Nhật Bản hy vọng sẽ tăng số lượng tàu tuần tra lên 22 chiếc để giám sát chặt chẽ hơn vùng biển Senkaku. Năm 2023, sẽ có 22 tàu tuần tra cỡ lớn hơn 1.000 tấn đảm nhiệm an ninh khu vực này, tăng 50% so với 15 tàu hiện nay.

Nihon Keizai Shimbun cũng viết, do bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID-19 trên toàn cầu và cuộc bầu cử tổng thống ở Mỹ, quân đội Mỹ đã giảm khả năng huy động lực lượng, dẫn đến các hoạt động ngày càng thường xuyên của Trung Quốc trên biển. Chính vì tình hình đó, Nhật Bản đã tăng cường các hoạt động giám sát trên vùng biển quần đảo Senkaku.

Tàu công vụ Nhật ngăn cản tàu Hải cảnh 2308 của Trung Quốc tiếp cận đảo Senkaku/Điếu Ngư (phải). Ảnh: CNS.

Tàu công vụ Nhật ngăn cản tàu Hải cảnh 2308 của Trung Quốc tiếp cận đảo Senkaku/Điếu Ngư (phải). Ảnh: CNS.

Ngoài ra, theo tờ Sankei Shimbun, Thủ tướng Nhật Bản Yoshihide Suga ngày 21/12 khi tham dự một cuộc họp nội các bàn về tăng cường cơ chế của Lực lượng Phòng vệ trên biển (Hải quân). Khi nói về dự toán ngân sách năm 2021, ông nói: “Để hoàn thành sứ mạng cao cả bảo vệ lãnh hải của chúng ta, các sĩ quan hải quân sẽ tích cực sử dụng ngân sách này để trang bị các tàu tuần tra cỡ lớn trên quần đảo Senkaku và vùng lãnh hải”.

Thủ tướng Yoshihide Suga cũng cho biết: "Các tàu Hải cảnh Trung Quốc đã đi vào vùng lãnh hải của Nhật Bản và số lượng lớn tàu cá Trung Quốc tiếp tục vào đánh cá ở Yamatodui. Tình hình các vùng biển xung quanh của nước ta ngày càng trở nên nghiêm trọng".

Mặt khác, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị trong chuyến thăm Nhật Bản vào tháng 11 nhắc lại chủ quyền của Trung Quốc đối với quần đảo Điếu Ngư. Vương Nghị cho rằng “tàu đánh cá Nhật Bản đã liên tục đi vào vùng biển nhạy cảm xung quanh quần đảo Điếu Ngư” và bày tỏ “Trung Quốc buộc phải thực hiện các biện pháp cần thiết”.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc cũng đã nhiều lần cho rằng “quần đảo Điếu Ngư và các đảo xung quanh là lãnh thổ của Trung Quốc, việc thực thi tuần tra chấp pháp trong vùng biển của quần đảo Điếu Ngư là quyền lợi cố hữu của Trung Quốc, phía Nhật Bản nên tôn trọng điều này”.

Tại cuộc họp báo khi thăm Tokyo hôm 24/11, Ngoại trưởng Vương Nghị bày tỏ lập trường cứng rắn về chủ quyền quần đảo tranh chấp Senkaku/Điếu Ngư (Ảnh: Reuters).

Tại cuộc họp báo khi thăm Tokyo hôm 24/11, Ngoại trưởng Vương Nghị bày tỏ lập trường cứng rắn về chủ quyền quần đảo tranh chấp Senkaku/Điếu Ngư (Ảnh: Reuters).

Cũng theo Đa Chiều, trong một diễn biến có liên quan, Nhật Bản hôm 18/12 cho biết sẽ phát triển tên lửa chống hạm kiểu mới có thể nhắm mục tiêu vào các tàu chiến gần quần đảo Okinawa, bao gồm cả quần đảo Senkaku (Trung Quốc gọi là Điếu Ngư) mà Trung Quốc và Nhật Bản đều tuyên bố chủ quyền. Nhật Bản cũng sẽ mua các tên lửa phóng từ trên không có thể được sử dụng để tấn công các căn cứ tên lửa của Triều Tiên và đang xem xét hoặc sẽ mua các loại vũ khí tấn công khác, chẳng hạn như tên lửa hành trình có thể tấn công các mục tiêu mặt đất của Trung Quốc.

Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Nobuo Kishi nói trong cuộc họp báo diễn ra vào ngày 18/12: "Môi trường an ninh xung quanh các hòn đảo phía tây nam của chúng ta đã trở nên nghiêm trọng", "Chúng ta phải đáp ứng điều này một cách thích đáng".

Hãng Kyodo Nhật Bản ngày 18/12 cho biết Thủ tướng Yoshihide Suga đã đưa ra quyết định chính sách quốc phòng quan trọng đầu tiên: Nhật Bản sẽ mua các tên lửa không đối đất có thể tấn công các mục tiêu mặt đất của Triều Tiên và xem xét mua sắm các loại vũ khí tấn công khác như tên lửa hành trình có thể tấn công các mục tiêu mặt đất của Trung Quốc. Nhật Bản ngày càng lo ngại về các hoạt động của Trung Quốc ở Biển Hoa Đông, bao gồm ở quần đảo Senkaku đang tranh chấp.

4 chiếc tàu khu trục lớp Aegis của Nhật. Tới đây Nhật sẽ tăng số lượng loại tàu hiện đại này lên 10 chiếc (Ảnh: CNS).

4 chiếc tàu khu trục lớp Aegis của Nhật. Tới đây Nhật sẽ tăng số lượng loại tàu hiện đại này lên 10 chiếc (Ảnh: CNS).

Nhật Bản cũng bày tỏ có kế hoạch triển khai các radar Aegis mạnh mẽ trên hai tàu chiến mới, với tầm quan trắc gấp ít nhất 3 lần so với hệ thống Aegis cũ, để tăng cường khả năng phòng thủ trước bất kỳ tên lửa đạn đạo nào do Triều Tiên phóng. Thông qua việc triển khai, số lượng tàu chiến lớp Aegis của Lực lượng Phòng vệ trên biển (Hải quân) Nhật Bản sẽ tăng lên 10 chiếc, chỉ đứng sau Hải quân Mỹ, quốc gia có hàng chục tàu được trang bị hệ thống Aegis, đứng thứ hai trên thế giới.

Tuy nhiên, Bộ Quốc phòng Nhật cho biết họ vẫn chưa quyết định các tàu này sẽ hoạt động ở đâu và liệu có bổ sung thêm các chức năng để đối phó tàu nổi và tàu ngầm của đối phương như một biện pháp tự bảo vệ hay không. Bộ Quốc phòng Nhật Bản cũng không tiết lộ tầm bắn và thời gian triển khai của loại tên lửa tầm xa mới.

Ông Tetsuo Otani, chuyên gia an ninh quốc tế tại Đại học Meikai, cho rằng điều này được cho là sẽ có tác dụng nhất định trong việc răn đe Trung Quốc và Triều Tiên tiến hành các cuộc tấn công bằng tên lửa. Nhưng ông cũng nói rằng việc triển khai như vậy sẽ khiến Trung Quốc và Nga tìm ra lý do để mở rộng quân sự hơn nữa, vì họ có thể chỉ trích Nhật Bản gây mất ổn định khu vực.

Một số quốc gia, bao gồm cả Trung Quốc và Nga, đã và đang phát triển vũ khí siêu thanh nhanh hơn tốc độ Mach 5. Công nghệ được sử dụng trong loại vũ khí này giúp nó lướt nhanh hơn tên lửa đạn đạo thông thường nên khó bị đánh chặn hơn. Đối với loại tên lửa siêu thanh, hệ thống Aegis hiện có rất khó đánh chặn được.